Phóng to |
Tiến sĩ Phạm Xuân Hội bên các cây lúa đang lên đòng và chuẩn bị trổ bông - Ảnh: Hà Hương |
Chưa hết hoài nghi về “hạt thóc cổ”Nhiều phát hiện lý thú sau 3.000 năm
Phát biểu về hiện tượng này, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết chưa thể khẳng định gì về niên đại của hạt thóc tìm thấy ở Thành Dền. Phải dùng các phương pháp giám định niên đại để xem nó thuộc thời nào. Về mặt thực nghiệm, cũng phải chờ lúa trổ bông, ra hạt... từ đó xem xét hạt lúa có giống với hạt thóc của lúa hiện đại hay không. Từ kết quả này, kết hợp với giám định của Nhật Bản mới có thể đưa ra kết luận về niên đại của hạt thóc. |
Hiện tượng này một lần nữa tạo nên cơn “sốt” trong giới khoa học. Bởi từ trước đến nay, nhiều người vẫn tin rằng lúa cổ thuộc giống lúa dài ngày có quá trình sinh trưởng khoảng 5-6 tháng. Tuy nhiên, những cây lúa này đã trổ bông sau hai tháng 10 ngày được nuôi cấy. Những giống lúa ngắn ngày hiện đại như Q5, Khang Dân trồng sau một tuần để so sánh cũng đang trong quá trình lên đòng và chuẩn bị trổ bông vào tuần tới.
Theo tiến sĩ Phạm Xuân Hội, trưởng bộ môn bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp VN), nếu quan sát bằng mắt thường thì giữa giống lúa hiện đại và 10 cây lúa này không có điểm khác biệt lớn. Điểm khác biệt duy nhất là 10 cây lúa này có bản lá to hơn và lá đứng hơn. Trả lời những băn khoăn về việc: đặt giả thiết đó là những cây lúa mọc mầm từ hạt thóc có cách đây 3.000 năm, liệu môi trường sinh trưởng khác biệt so với 3.000 năm trước có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa, ông Hội khẳng định: môi trường, điều kiện chăm sóc tốt hơn ngày xưa chỉ khiến cây lúa tốt hơn và năng suất cao hơn chứ không thể thay đổi bản chất gen được.
Tuy nhiên, là người trực tiếp quan sát quá trình sinh trưởng của 10 cây lúa, tiến sĩ Hội khẳng định: chuyện lúa cổ là chuyện hi hữu có một không hai. Không thể dựa vào một vài thông tin mà kết luận được. Cũng theo ông Hội, kể cả khi nhận được kết quả giám định niên đại từ Nhật, các nhà khoa học vẫn phải vào cuộc nghiên cứu tiếp trước khi đưa ra một khẳng định có tính khoa học về niên đại của hạt thóc.
Phản ứng trước những thông tin này, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, chủ trì đoàn khảo cổ tại Thành Dền, cho biết không quá bất ngờ với việc những cây lúa trổ bông. Tiến sĩ Dung dẫn nguồn những tư liệu lịch sử được ghi trong cuốn Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có ghi chép về các giống lúa ở VN. Trong cuốn này, học giả Lê Quý Đôn đã thống kê được VN từng có những giống lúa ngắn ngày như giống “ba giăng” sau 90 ngày đã cho thu hoạch. Đặc biệt, ở Huế từng tồn tại giống lúa câu chỉ 45 ngày đã cho thu hoạch...
Bà Dung cho rằng phải đợi kết quả từ Nhật Bản may ra mới có thể kết luận niên đại của hạt thóc. Từ xưa đến giờ, cũng chưa có ai đưa ra bằng chứng khoa học về quá trình và thời gian sinh trưởng của giống lúa cổ. “Tóm lại chúng ta vẫn phải chờ”, bà Dung kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận