17/06/2010 07:00 GMT+7

Chưa hết hoài nghi về "hạt thóc cổ"

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Tuổi của những hạt thóc tại thành Dền là 3.000, 300 hay thậm chí là 30 năm, liệu những hạt thóc nảy mầm có phải là sản phẩm của quá trình xáo trộn ở các tầng địa chất, hoặc có sơ suất trong quy trình khai quật...

Nhiều phát hiện lý thú sau 3.000 năm

Đó là những băn khoăn mà các nhà khoa học đưa ra tại cuộc họp báo cáo kết quả lần khai quật thứ 7 tại khu vực thành Dền được tổ chức sáng 16-6 ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội).

PRHN802Q.jpgPhóng to

Các nhà khảo cổ học xem các hiện vật được khai quật tại khu vực thành Dền - Ảnh: VƯƠNG ANH

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, chủ trì đoàn khai quật, khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn rất nhiều hạt thóc này được tìm thấy ở những địa tầng văn hóa và không có sự xáo trộn. Từ đó cho thấy vết tích thóc gạo của văn hóa Đồng Đậu là điều không bàn cãi, cư dân thành Dền là một bộ phận của cư dân nông nghiệp cổ”.

Riêng đối với nhận định hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung dứt khoát: “Đó là những nhận định cá nhân của tôi, nếu có gì sai sót tôi sẽ chịu trách nhiệm về nhận định này”.

PGS.TS Dung cũng cho biết thêm hiện tại nhóm khảo cổ đã gửi ba mẫu sang Nhật Bản để tiến hành xác định niên đại của vỏ trấu. Việc nghiên cứu để xác định niên đại của vỏ trấu sẽ được phía Nhật hỗ trợ hoàn toàn.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Việt bày tỏ những nghi ngại liên quan đến quy trình thu thập mẫu khảo cổ. Ông khẳng định: “Nếu không làm rõ được quy trình lấy mẫu có tuân thủ đúng thủ tục hay không thì ngay cả khi có kết quả giám định từ Nhật chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh cãi”.

Bên cạnh những băn khoăn của các nhà khảo cổ học, PGS.TS Lê Huy Hàm - viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nơi đang tiến hành nuôi cấy các hạt thóc nảy mầm - nói rõ: “Việc lấy vỏ trấu để giám định tuổi cho ra những kết quả tương đối ảo, tốt nhất vẫn là theo dõi hạt lúa trên đồng ruộng. Nếu là lúa hiện đại thì trong vòng ba tháng rưỡi sẽ biết được - vì lúa hiện đại là lúa ngắn ngày. Nhưng nếu là lúa cổ sẽ khác lúa hiện đại ở mấy điểm: lúa cổ dài ngày hơn khoảng 5-6 tháng, lúa cổ cây cao và thân lòa xòa, rậm rạp. Ba đặc tính đó cho phép chúng ta xác định tương đối chính xác niên đại của lúa. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn dùng 62 căn cứ khác để xác định giống lúa. Nhanh thì hai tháng, chậm nhất là bốn tháng sẽ có kết quả”.

Ngoài những tranh luận khoa học liên quan đến hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm, báo cáo kết quả lần khai quật thứ 7 tại thành Dền cũng cho thấy xuất hiện hàng loạt hiện vật minh chứng về thời kỳ phát triển của văn minh Đồng Đậu với hai đặc trưng lớn là cuộc cách mạng luyện kim đồng và nền văn minh lúa nước.

PGS.TS Hán Văn Khẩn, người tiến hành khai quật đầu tiên năm 1983 tại thành Dền, khẳng định: những hiện vật thu được sau lần khai quật thứ 7 tại thành Dền góp phần định niên lại, tìm hiểu bước chuyển tiếp từ Phùng Nguyên sang Đồng Đậu và từ Đồng Đậu lên Gò Mun. Không phải di tích nào chúng ta cũng có điều kiện khai quật. Cho nên việc khai quật hiện nay vẫn chưa thể kết thúc. Hơn nữa, thành Dền lại nằm ở khu vực chưa bị ảnh hưởng nhiều.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên