Phóng to |
Hố khai quật Thành Dền, nơi tìm thấy những hạt thóc được cho là có 3.000 năm tuổi - Ảnh: Linh Đan |
Hiện tượng đặc biệt song cũng đặt ra nhiều nghi vấn chính là việc phát hiện các hạt gạo, hạt thóc trong khu di chỉ có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Nhưng không chỉ có chuyện hạt thóc...
Hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm?
Những hạt thóc được cho là có 3.000 năm tuổi sau đó đem ngâm vào nước đã nảy mầm. Ngay sau khi câu chuyện này được báo chí phản ánh, một cuộc phản biện khoa học đã diễn ra giữa PGS.TS khảo cổ học Lâm Thị Mỹ Dung (phụ trách hố khai quật) và TS cổ sinh học Vũ Thế Long. Ông Long đặt ra giả thiết cho rằng số thóc trên nằm trong lớp văn hóa Đồng Đậu (cách 3.000 năm) là do những xê dịch khác nhau dẫn tới.
Tuy nhiên, PGS.TS Dung nói: “Bản thân tôi cũng nghĩ đến chuột và mối. Nhưng chúng tôi khẳng định khi chúng tôi làm mặt bằng thì những lỗ nào do chuột và mối đào đã vét sạch ra rồi. Thêm vào đó, tất cả bốn hố rác bếp đều có vỏ trấu, bên cạnh còn nhiều hạt gạo cháy. Việc tìm thấy trong hố cả xương răng động vật chứng tỏ đây là hố rác thức ăn của người xưa. Do đó, nếu tìm thấy hạt thóc cũng không có gì lạ”.
Bà Dung cho biết việc xác định đây có phải hạt thóc cổ hay không sẽ được làm theo nhiều hướng: xác định niên đại C14, AMS vỏ trấu, xác định ADN của hạt lúa, đúc lại vỏ trấu trên các đồ gốm và so sánh hình thái với những hạt thóc cổ trên.
Ông Long nói: “Nếu đúng là lúa cổ thì đó là phát hiện chấn động nhân loại. Sau cách mạng công nghiệp, chúng ta đang cần nguyên liệu khởi nguồn từ những bộ gen giống cổ. Lúa cao sản tuy nhiều nhưng lúa cổ có những tính năng cực kỳ quý báu. Chẳng hạn như vị thơm ngon, tính năng chịu sâu bệnh bởi ngày trước làm gì có thuốc trừ sâu”.
Các cụ ngày xưa đã biết làm tương?
Trong khi dư luận mãi xôn xao về hạt thóc nảy mầm, các nhà khảo cổ cũng có một phát hiện khác lý thú liên quan đến thực vật. Đó là một hạt đậu tương cũng trên lớp văn hóa Đồng Đậu. ThS Nguyễn Mai Hương (phòng khảo cổ học con người và môi trường, Viện Khảo cổ học) xác định hạt đậu tương này có kích cỡ chỉ tương đương hạt đậu xanh ngày nay. Có nghĩa nhỏ hơn rất nhiều so với những hạt đậu tương hiện vẫn gieo trồng và tiêu thụ.
Điều lý thú là màu sắc của hạt đậu tương này như không hề bị ảnh hưởng gì của việc đã bị vùi quá lâu. Điều này rất gần gũi với giả thuyết về dung dịch ngâm (đất và nước bản địa) đã giúp hạt thóc được bảo quản.
Bản thân những người dân trong thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập, Mê Linh) cũng cho biết rất lâu rồi họ không nhìn thấy giống đậu tương như vậy. Cũng cần nói thêm đây là địa phương có nghề làm đậu phụ rất ngon. “Chẳng lẽ các cụ thời đó đã biết làm tương?” - TS Mỹ Dung đưa ra giả thuyết.
Phóng to |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mạnh và một mảnh hiện vật phát hiện tại Thành Dền - Ảnh: Linh Đan |
Đồ đá đẹp... sững sờ
Không chỉ là những phát hiện lý thú về hệ thực vật, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện nhiều điều thú vị tại Thành Dền. Nhận một mảnh hiện vật từ tay công nhân được thuê đào khảo cổ tại Thành Dền - mảnh hiện vật nhỏ chừng hai đốt ngón tay, màu trắng mịn màng thoáng vân nâu, một đầu hơi vát, không đắn đo TS Nguyễn Xuân Mạnh (khoa lịch sử, ĐHKHXH&NV Hà Nội) nói: “Mảnh rìu đá”.
Dù vậy khó có thể xếp lẫn chất liệu đá này với những viên đá trong hình dung thông thường. Toàn thân hiện vật toát ra sự kỳ công và khả ái khó tả. “Nó là một mảnh rìu làm bằng đá ngọc” - ông Mạnh nói.
Thạc sĩ Bùi Hữu Tiến, một thành viên của nhóm khai quật, cho biết: “Nếu nói về chuyện đẹp, Thành Dền còn có nhiều hiện vật đẹp hơn cả mảnh rìu đá vừa tìm thấy là rìu, vòng được làm bằng đá ngọc nhiều màu. Số lượng cũng không nhỏ và thuộc lớp văn hóa Đồng Đậu”.
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định: “Nếu ai thấy đẹp sững sờ cũng là điều bình thường. Cho đến nay đá Phùng Nguyên - Đồng Đậu là loại hiện vật đá đẹp nhất ở Đông Nam Á và đương nhiên đẹp nhất VN”.
Nhưng điều quan trọng nhất mà các nhà khảo cổ cho rằng hiện vật đá Đồng Đậu tại Thành Dền nhiều và phong phú đến mức... ngược quy luật. Thông thường, khi thời đại đồ đồng bắt đầu, số lượng công cụ đồng sẽ thay thế dần vị trí của đồ đá. Do đó, đồ đá sẽ suy thoái. Đó cũng là quy luật thay thế thường gặp mỗi khi một chất liệu mới xuất hiện.
“Mặc dù vậy, đồ đá ở Thành Dền vẫn tiếp tục phong phú ngay cả khi đã có đồ đồng. Cùng trên diện tích đã phát hiện xỉ đồng, khuôn đúc đồng, bếp lò đúc đồng, sự phong phú về số lượng và chủng loại đồ đá Thành Dền vẫn không suy giảm. Tôi nghĩ Thành Dền chính là một trung tâm đúc đồng, có sản xuất thêm đồ đá” - bà Dung khẳng định.
Theo dõi, giải trình tự gen hạt thóc
Hiện những hạt thóc được cho là nảy mầm sau 3.000 năm đang được theo dõi, bảo quản tại Viện Di truyền nông nghiệp VN. Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp VN Đỗ Năng Vịnh cho biết cơ quan này không được tiếp nhận hạt thóc ngay từ đầu mà chỉ tiếp cận hạt thóc khi nó đã nảy mầm. Hiện mầm lúa cao hơn 10cm và vẫn phát triển bình thường. “Chúng tôi đang theo dõi và chưa nhận thấy sự khác thường của những mầm lúa này” - ông Vịnh nói. Theo ông Vịnh, các chuyên gia sẽ theo dõi kỹ lưỡng về kích thước, hình dáng, đặc tính của cây lúa này trong suốt quá trình cho đến khi làm đòng, trổ bông. Trong thời gian này các chuyên gia của viện sẽ quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của những hạt mầm này, về hình thái học có thể so sánh và nhận biết được tương đối chính xác có phải là lúa cổ hay không. Viện Di truyền nông nghiệp VN sẽ tiến hành giải trình tự gen của hạt thóc, đối chiếu với trình tự gen của giống lúa hiện đại, từ đó sẽ khẳng định một cách chắc chắn đó có phải là lúa cổ hay không. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận