04/05/2013 07:56 GMT+7

Hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ giảm

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

TT - Nếu việc giữ bí mật thông tin khách hàng là nghĩa vụ và đạo đức của người luật sư thì việc giữ bí mật và bảo vệ nguồn tin cũng như vậy và còn hơn thế nữa trong hoạt động báo chí. Trách nhiệm pháp lý và lương tâm của cơ quan báo chí/nhà báo là phải bảo vệ nguồn tin của mình.

Nguồn tin chính là sự sống còn của bất kỳ tờ báo nào. Chính vì lẽ đó, Luật báo chí quy định cơ quan báo chí có quyền giữ bí mật và bảo vệ nguồn tin của mình.

Trước hết, cần khẳng định nguồn tin, tức “người cung cấp thông tin cho báo chí” không phải là người phạm tội hay có dấu hiệu phạm tội, mà là những công dân với đầy đủ các quyền của mình, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Trong đó có quyền về bí mật đời tư, hình ảnh... Do vậy, trừ những trường hợp cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, như hiện nay đã quy định, nếu yêu cầu cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin cho tất cả các cơ quan điều tra các cấp, cho dù với mục đích gì, cũng đều không ổn, vì trực tiếp xâm phạm đến quyền công dân, đến những khách thể được pháp luật và Hiến pháp bảo vệ.

Rõ ràng một khi người cung cấp thông tin bị công an mời làm việc, ngoài việc bị “buộc” phải cung cấp thông tin một cách trái pháp luật (vì họ không có tư cách tố tụng nào trong vụ án/vụ việc đang giải quyết), còn có thể bị lấy lời khai, hỏi cung. Nhưng quan trọng hơn là họ sẽ bị “lộ”, dẫn đến khả năng bị trả thù, phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc...

Và nếu như vậy, chắc chắn sẽ chẳng có ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Nhất là những thông tin liên quan đến tham nhũng, hối lộ, đụng chạm đến người có chức có quyền.

Một khi không có nguồn thông tin, báo chí sẽ không còn có được điều kiện và cơ sở để tồn tại và phát triển. Khi ấy, báo chí sẽ “chết”.

Tôi nói những điều trên không phải là chủ quan. Tôi là người đã từng làm phóng viên (báo Pháp Luật TP.HCM) lĩnh vực tư pháp. Rất nhiều bài viết của tôi có được là do mối quan hệ, được những người làm việc trong tòa án, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Họ cung cấp thông tin cho tôi với mong muốn đem lại sự công bằng, đấu tranh chống tiêu cực. Và luôn dặn “đừng nêu tên”, “giữ bí mật nha”. Nếu không có nguồn tin như vậy, làm sao có được bài báo tốt với thông tin đầy đủ, chính xác?

Nếu đề nghị của Bộ Công an trở thành hiện thực, theo tôi, xã hội lại thêm một bước thụt lùi về quyền dân chủ, bị “công an hóa” các mối quan hệ/giao dịch dân sự.

Tôi cho rằng kiến nghị kiểu như vậy thậm chí là sự “phá ngang” vào công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, vốn chưa được như kỳ vọng của xã hội.

Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện và đưa ra xét xử đều xuất phát từ việc báo chí có đăng bài, phản ánh. Nếu nay nguồn thông tin cáo giác về tham nhũng từ báo chí bị cắt (do nguồn tin không được bảo vệ), chắc chắn tình hình phòng chống tham nhũng, tội phạm sẽ càng xấu hơn.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên