25/06/2018 16:50 GMT+7

Hiểu biết về bệnh động mạch vành

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Cơ tim cần được cung cấp đầy đủ máu giàu oxy để hoạt động. Máu được cung cấp cho cơ tim thông qua hệ thống động mạch vành.

Hiểu biết về bệnh động mạch vành - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: wbntimes.com

Bệnh động mạch vành là căn nguyên tử vong số 1 trong số các bệnh lý tim mạch; bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam. Sự hiểu biết cần thiết về bệnh sẽ giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm, phòng bệnh và điều trị có hiệu quả hơn.

Bệnh động mạch vành là gì?

Cơ tim cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, cần được cung cấp đầy đủ máu giàu oxy để hoạt động khi nghỉ cũng như khi gắng sức. Máu được cung cấp cho cơ tim thông qua hệ thống động mạch vành. Các nhánh của động mạch vành được xuất phát từ động mạch chủ. Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành phải và động mạch vành trái. Các động mạch vành chia thành các nhánh nhỏ dần tới nuôi dưỡng từng vùng của cơ tim. 

Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị tắc do các nguyên nhân khác nhau (thông thường là do mảng vữa xơ động mạch vành) dẫn đến mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ tim. Thường khi động mạch vành bị hẹp ≥50% đường kính lòng mạch lúc đó sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Dấu hiệu nào để nhận biết được mình bị bệnh động mạch vành?

Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có một cái gì đó khó chịu trong lồng ngực. Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, ít trường hợp lan ra sau lưng hay vùng cột sống. Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10-30 giây hay 1 vài phút; nếu cơn đau kéo dài >15 phút là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

Có mấy loại đau thắt ngực và loại nào nguy hiểm hơn? Dấu hiệu nào để phân biệt được các loại này?

Có 2 loại: Đó là đau thắt ngực ổn định và hội chứng mạch vành cấp; hội chứng mạch vành cấp gồm có đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực ổn định là do mảng vữa xơ gây hẹp lòng động mạch vành, xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh gắng sức đạt đến 1 mức độ nào đó hay trong cùng một hoàn cảnh. Còn hội chứng mạch vành cấp khi đau thắt ngực xảy ra bất kỳ, cả lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức nhưng không đỡ khi ngừng gắng sức. 

Cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ tự hết hoặc sau khi dùng các thuốc nitroglycerin và có nguy cơ dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi 1 nhánh của động mạch vành bị tắc hoàn toàn với biểu hiện của cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ, đau thường dữ dội, kéo dài và không hết sau khi dùng nitroglycerin.

Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời vì dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim. Dấu hiệu chủ yếu để phân biệt giữa đau thắt ngực ổn định và không ổn định là hoàn cảnh xảy ra đau thắt ngực: Khi nghỉ hay khi gắng sức. Nếu khi gắng sức với một mức độ nhất định nói lên tính chất ổn định, còn nếu xuất hiện khi nghỉ nói lên sự không ổn định và sẽ có nguy cơ chuyển nhồi máu hay đột tử.

Làm thế nào để phát hiện bệnh động mạch vành?

Khi có dấu hiệu đau thắt ngực, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một số thăm dò bổ sung cần thiết để xem có phải bị bệnh mạch vành hay không. Các xét nghiệm được chia ra 2 loại: Không xâm nhập và có xâm nhập.

Các xét nghiệm không xâm nhập gồm có:

- Các thăm dò về điện tâm đồ, gồm: Điện tâm đồ lúc nghỉ; điện tâm đồ gắng sức (hay còn gọi là nghiệm pháp gắng sức); điện tâm đồ ghi liên tục 24 giờ (thường gọi là Holter điện tim).

- Các thăm dò về siêu âm, gồm: Siêu âm Doppler tim và siêu âm tim gắng sức.

- Xạ hình tưới máu cơ tim.

- Chụp cắt lớp động mạch vành tốc độ cao (Multislices CT scanner).

Xét nghiệm xâm nhập: Chụp động mạch vành, đây là xét nghiệm giúp người thầy thuốc đánh giá được chính xác hình ảnh động mạch vành; nếu có tổn thương thì sẽ đánh giá được vị trí, kích thước và mức độ tổn thương để có biện pháp điều trị thích hợp.

Cần phải làm gì khi bị đau thắt ngực?

Trước hết là cần được nghỉ ngơi ngay lập tức, nghĩa là phải dừng ngay lập tức mọi loại gắng sức, dùng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đây là động tác cực kỳ quan trọng, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân, vì chỉ cần một gắng sức rất nhỏ, cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Điều trị bệnh động mạch vành như thế nào?

Có 2 phương pháp điều trị:

- Điều trị nội khoa: Là phương pháp điều trị bằng thuốc; có thể dùng một loại hay phối hợp nhiều thứ thuốc với nhau như: các thuốc chống kết vón tiểu cầu (aspirin, plavix); các thuốc ức chế thụ thể beta (như tenormine, betaloc…); các thuốc chẹn kênh calci (amlordipin, tildiazem…); các thuốc hạ cholesterol máu (nhóm statin như zocor, crestor, lipitor…) hay nhóm fibrat (như lipanthyl, lopid…). Và một điều rất quan trọng là sửa chữa các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là bỏ thuốc lá; điều trị tốt đái tháo đường và tăng huyết áp…

- Điều trị can thiệp, gồm:

+ Can thiệp động mạch vành qua da: Là phương pháp dùng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, làm tái lưu thông trở lại bình thường đoạn động mạch vành bị hẹp mà không phải mổ.

+ Mổ bắc cầu nối: Dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch bắc cầu từ nguồn cấp máu qua vị trí động mạch vành tổn thương nối với đoạn động mạch vành phía sau đoạn hẹp; như vậy máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu thông qua 1 cầu nối mới.

Phải làm gì để phòng ngừa bệnh động mạch vành?

Có 2 cách phòng ngừa: Dự phòng tiên phát (nghĩa là dự phòng không cho bệnh xảy ra) và dự phòng thứ phát (tức là dự phòng không cho bệnh tái diễn). Tuy nhiên, dù là cách dự phòng nào cũng cần:

- Phải thay đổi các thói quen hay lối sống như: Bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc); tập thể dục thường xuyên và thích hợp (tốt nhất là >1 giờ/ngày; ít nhất 3 ngày/tuần); tránh các stress (căng thẳng trong cuộc sống, công việc); ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật (đặc biệt là lòng hay dạ dày lợn…); hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân.

- Điều trị tốt một số bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như: Đái tháo đường; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu và béo phì.

- Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân cần dự phòng tái phát bệnh.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên