10/08/2019 21:48 GMT+7

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ cuối: Không để Trung Quốc đắc lợi

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Mỹ và Nga quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 không hẳn chỉ vì bên này nói bên kia phát triển tên lửa vi phạm hiệp ước. Một nguyên nhân quan trọng khác chính là yếu tố Trung Quốc.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ cuối: Không để Trung Quốc đắc lợi - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích Trung Quốc cũng là một trong những lý do Mỹ rút khỏi INF - Ảnh: AFP

Tiến sĩ Corentin Brustlein, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về an ninh (Viện Quan hệ quốc tế Pháp), bình luận: "Mọi dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tự giải thoát khỏi ràng buộc về quân sự đối với Trung Quốc".

“Nếu các bạn hỏi tại sao không mở rộng hiệp ước cho các nước khác như Trung Quốc, xin thưa chúng tôi đã cố gắng thực hiện ba lần nhưng không thành công.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo


Trung Quốc thoải mái chế tạo tên lửa

Từ lâu, Mỹ và Nga đã cảm thấy bị bó tay trong hiệp ước song phương INF trong khi Trung Quốc không bị ràng buộc, vì vậy hai nước đã có sáng kiến mở rộng INF. 

Tại khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10-2007, Mỹ và Nga đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các nước thảo luận về khả năng hủy bỏ tên lửa bắn từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km. 

Sáng kiến mở rộng INF năm 2007 không được ủng hộ rộng rãi bởi lẽ về chiến lược, sở hữu tên lửa tầm trung đáp ứng nhiều mục đích như dùng tên lửa để răn đe nước láng giềng hoặc phát triển chương trình không gian và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nói tóm lại, tên lửa tầm trung là vật thủ thân dù khá tốn kém.

Hiện nay, các quốc gia có tiềm lực về tên lửa tầm trung gồm có Trung Quốc (tên lửa Đông Phong), Ấn Độ (tên lửa Agni), Pakistan (tên lửa Shaheen và Ghauri), CHDCND Triều Tiên (tên lửa No Dong và Taepo Dong), Israel (tên lửa Jericho), Iran (tên lửa Shabab), Saudi Arabia (tên lửa DF-3, DF-21). 

Ngoài ra, một số nước cũng sở hữu tên lửa tầm ngắn như Syria (tên lửa Scud). Các nước tham gia xung đột đều muốn sở hữu tên lửa có tầm bắn trên 500km nên xu hướng phát triển tên lửa này ngày càng phổ biến. 

Trong các nước nêu trên, Trung Quốc là quốc gia đáng lo ngại nhất. Tên lửa giữ vai trò trung tâm trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc. Giả định xảy ra xung đột, Mỹ bị vướng vòng kim cô INF trong khi Trung Quốc thì không.

Theo báo cáo thường niên quốc phòng Trung Quốc năm 2018, Trung Quốc sở hữu từ 1.500-2.000 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Mỹ ghi nhận nếu chiếu theo hiệp ước INF năm 1987, 80% trong số tên lửa Trung Quốc có tầm bắn bị cấm từ 500-5.500km. 

Các loại tên lửa bao gồm DF 15 mang đầu đạn hạt nhân (tầm bắn 600km), DF 16 được triển khai đối diện Đài Loan (từ 800-1.000km), DF 21C (1.750km) và DF 21A (2.150km) mang đầu đạn hạt nhân bắn tới các nước lân cận, DF 21D (1.500km) và DF 26 (3.500km) mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, tên lửa hạt nhân DF 4 (4.500-5.500km). 

Về tên lửa hành trình, Trung Quốc sở hữu HN 1 với tầm bắn từ 50-650km và HN 2 đạt tầm bắn 1.800km.

Đầu năm 2019, quân đội Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được gọi là "sát thủ tàu sân bay". Tên lửa đạt tầm bắn từ 3.000-4.000km, tức bắn tới các căn cứ ở Mỹ và trên đảo Guam. Trong cuộc duyệt binh vào tháng 9-2015, lần đầu tiên Trung Quốc đã trình làng DF-26 với bệ phóng di động.

Về phía Nga, yếu tố Trung Quốc cũng là một trong những lý do Nga muốn rút khỏi INF. Theo Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Pháp), Nga rất lo ngại mối đe dọa tên lửa đất đối đất ở sườn phía đông (từ Trung Quốc) và sườn phía nam (từ Iran). 

Từ năm 2007, Tổng thống Putin đã nhiều lần đặt ra vấn đề lợi ích của Nga khi Trung Quốc phát triển tên lửa và Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngày 18-12-2018, Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thường niên Bộ Quốc phòng Nga: "Thực sự có khó khăn với hiệp ước này (INF). Nhiều nước khác sở hữu tên lửa tầm trung lại không phải là nước thành viên hiệp ước".

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ cuối: Không để Trung Quốc đắc lợi - Ảnh 3.

Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thường niên Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-12-2018: “Nhiều nước sở hữu tên lửa tầm trung lại không phải là nước thành viên INF” - Ảnh: en.kremlin.ru

Mỹ lo ngại mất thế cân bằng chiến lược

Tiến sĩ Evgeny Buzhinskiy - phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga - đánh giá: "Mối quan tâm đầu tiên của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải Nga. Mỹ tìm cách bảo vệ đồng minh Đài Loan và vì thế Mỹ cần tên lửa tầm trung".

Tiến sĩ Jean-Sylvestre Mongrenier ở Viện Nghiên cứu địa chính trị Pháp nhận định ngoài yếu tố răn đe hạt nhân, Trung Quốc còn có ý đồ sử dụng tên lửa tầm trung để khóa Biển Đông và biển Hoa Đông hòng ngăn chặn Mỹ và phương Tây.

Từ nhiều năm qua, Mỹ lo ngại mất quân bình giữa lực lượng tên lửa Mỹ với kho tên lửa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. 

Điều trần trước Ủy ban Quân lực thượng viện vào tháng 4-2017, đô đốc Harry Harris lúc bấy giờ giữ chức tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương từng nhận xét: "Hiệp ước INF hạn chế các biện pháp đối phó của Mỹ đối với tên lửa tầm trung, tên lửa hành trình của Trung Quốc và các nước khác". 

Cuối năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận xét Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Iran không ký hiệp ước INF nên thoải mái chế tạo tên lửa tầm trung. 

Ông nhấn mạnh: "Không có bất kỳ lý do gì để Mỹ tiếp tục nhượng bộ lợi thế quân sự thiết yếu này cho các cường quốc xét lại như Trung Quốc, đặc biệt khi vũ khí này được sử dụng để dọa nạt, ép buộc Mỹ và các đồng minh ở châu Á".

Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Pháp) dự báo chắc chắn sau khi hiệp ước INF bị khai tử, khó có kịch bản Trung Quốc đàm phán với Mỹ về kiểm soát vũ khí chiến lược, Iran đàm phán với Mỹ về hiệp ước mới về hạt nhân hay CHDCND Triều Tiên ký thỏa thuận giải trừ hạt nhân với Mỹ. 

Một hiệp ước mới đa phương thay thế hiệp ước INF song phương của Mỹ - Nga sẽ không bao giờ thành hình vì các nước châu Á và Trung Đông không tham gia.

Ngày 31-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận đa phương hóa hiệp ước INF. 

Ngoài ra sau cái chết của INF, không có gì chắc chắn Mỹ và Nga sẽ nhất trí kéo dài hiệp ước START III (cắt giảm vũ khí chiến lược) sau khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2021.

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ cuối: Không để Trung Quốc đắc lợi - Ảnh 4.

Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thường niên Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-12-2018: “Nhiều nước sở hữu tên lửa tầm trung lại không phải là nước thành viên INF” - Ảnh: en.kremlin.ru

Mỹ muốn triển khai nhanh tên lửa ở châu Á

Ngày 3-8, tức một ngày sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cảnh báo Mỹ muốn nhanh chóng triển khai tên lửa mới ở châu Á, có thể trong những tháng tới để ngăn chặn Trung Quốc.

Ông giải thích Mỹ đã nêu vấn đề từ lâu và giải thích: "Tôi muốn nhấn mạnh 80% kho tên lửa Trung Quốc thuộc các loại bị cấm theo hiệp ước INF. Vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi cũng muốn xây dựng năng lực tương tự".

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 1: Châu Âu căng thẳng năm 1983 Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung - Kỳ 1: Châu Âu căng thẳng năm 1983

TTO - 10 năm trước khi Liên Xô và Mỹ ký kết INF tháng 12-1987, tình hình đối đầu hai nước hết sức căng thẳng, có lúc tưởng chừng bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba. Nguyên nhân xuất phát từ vụ khủng hoảng tên lửa châu Âu và cuộc tập trận của NATO.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên