Tài xế phải có ý thức, trách nhiệm
Phóng to |
Đường sắt Thống Nhất đang bị các đường ngang - đa số là đường tự phát - “băm” nát. Đây thật sự là mối tai họa cho cả ngành đường sắt lẫn người dân. Tai nạn mới nhất ở Thường Tín (Hà Nội) làm 9 người chết và nhiều người khác bị thương là điển hình minh chứng cho sự vi phạm an toàn đường sắt.
Sau cơn hôn mê bất tỉnh, những nạn nhân trong vụ va chạm giữa tàu hỏa và ôtô trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ở Thường Tín hôm 30-3, không thể tin nổi mình đang phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn. Chỉ vì một phút bất cẩn của tài xế mà giờ đây bà Vương Thị Hay (97 tuổi, TP Thái Nguyên) phải nằm trên giường bệnh khóc thương ba người con gái, hai người con dâu và năm đứa cháu thiệt mạng.
“Lái xe đã làm khổ cả nhà tôi”
74% tai nạn xảy ra trên đường ngang tự phát Cục Đường sắt VN cho biết hệ thống đường sắt nước ta có tổng chiều dài 3.172km, trong đó có 2.682km đường sắt chính tuyến đi qua 33 tỉnh thành, 147 quận huyện, thị xã. Hiện có 330km đường sắt chạy song song liền kề với đường bộ, hành lang an toàn giao thông bị chồng lấn. Đặc biệt, có 4.725 đường ngang dân sinh (bất hợp pháp), 1.542 đường ngang hợp pháp, trong đó đường ngang có người gác là 621 đường (gần 4.000 công nhân). Tuy nhiên trong số đường ngang hợp pháp chỉ có 253 đường đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, còn lại không đảm bảo vì vi phạm các yếu tố như tầm nhìn, góc giao cắt nhỏ, độ dốc đường ngang lớn, mặt đường hư hỏng... Phân tích tai nạn từ năm 2005 đến nay cho thấy tai nạn tại đường ngang chiếm tỉ lệ 85%, trong đó đường ngang bất hợp pháp là 74%, đường ngang hợp pháp 11%. |
Đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Đàn (69 tuổi, ở phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) luôn miệng rên rỉ: “Lái xe làm khổ gia đình nhà tôi rồi. Vợ tôi bỏ tôi đi rồi, các cháu tôi cũng mất rồi...”.
Ông Đàn cho biết ông ngồi gần tài xế nên quan sát đường khá rõ, khi ôtô tiến sát đường tàu, ông đã phát hiện tàu đang lao tới và lập tức thông báo cho tài xế.
Bằng giọng nói yếu ớt, ông Đàn kể lại: “Lần thứ nhất cách đường tàu khoảng 100m tôi đã nhắc lái xe dừng lại nhưng nó không nghe. Lần thứ hai cách khoảng 50m, tôi và mấy đứa cháu trong xe quát lên lần nữa nhưng lái xe vẫn cố dấn lên vượt qua và bị tàu đâm”.
Nằm bất động trên giường bệnh với những ống truyền thuốc, đầu băng bó, tay bó bột, mặt trầy xước tím bầm nhiều chỗ, chị Hà Thị Thủy (24 tuổi, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) khóc nấc nghẹn, cả gia đình nhà chị có bảy người cùng đi trên xe thì năm người thiệt mạng.
“Bây giờ ba cái quan tài nằm ở nhà, còn tôi phải nằm một chỗ trong bệnh viện. Em gái tôi còn trẻ quá mà đã mất cả chồng lẫn con. Nhà có thằng em duy nhất, nó cũng mất rồi. Gia đình tôi khổ quá, bố mang bệnh phổi ốm yếu nằm nhà không biết có qua nổi đận này không. Mẹ làm lụng vất vả nuôi em gái ăn học, nó đang học lớp 12, giờ chưa xong đâu vào đâu thì cả mẹ và em gái cùng bỏ bố con tôi đi” - chị Thủy nói trong nước mắt.
Em trai chị Thủy là Hà Văn Thịnh (21 tuổi), đang làm thuê tại Hải Dương, bắt xe về Thường Tín ăn cưới cũng thiệt mạng. “Em trai tôi lúc chết vẫn treo lơ lửng trên hành lang cạnh đường tàu. Đến bao giờ tôi mới quên được cảnh này?” - chị Thủy hãi hùng khi nhớ lại vụ tai nạn. Sau vụ tai nạn, đứa con trai 3 tuổi của chị vẫn chưa nói lại, cứ im lặng sợ sệt, hễ có người lạ đến gần lại khóc thét.
Theo những người dân chứng kiến, khi xảy ra tai nạn, tài xế chiếc xe 16 chỗ (biển số 20L-4564) đang nghe điện thoại và vượt xe tải cách điểm giao đường sắt khoảng 50m. Dù đây là đường ngang không có rào chắn nhưng có chuông và đèn cảnh báo phát tín hiệu trước khi tàu qua. Nhiều người dân đã báo lái xe dừng lại nhưng không hiểu sao lái xe vẫn vượt đường ngang trước mũi tàu và bị tàu đâm vào.
Chiều 31-3, đội phó đội điều tra hình sự Công an huyện Thường Tín Ngô Phúc Thành cho biết tài xế chiếc ôtô gây tai nạn là Nguyễn Thế Hùng (30 tuổi, trú tại Tân Hương, Phổ Yên, Thái Nguyên) đã đến công an huyện đầu thú. Theo lời khai ban đầu, do tài xế chủ quan, thiếu quan sát nên đã xảy ra tai nạn.
Hà Nội: vô số những đường ngang hiểm họa
Từ vụ tai nạn vừa xảy ra ở Thường Tín, qua rà soát lại cho thấy Hà Nội được coi là địa phương có mật độ đường ngang băng qua đường sắt dày đặc nhất nước, năm nào cũng xảy ra tai nạn giao thông tại các điểm đen này. Chỉ riêng 14km đường sắt Thống Nhất từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có 169 đường ngang bất hợp pháp và 55 đường ngang hợp pháp. Cũng trên đoạn đường này, trong năm 2010 đã xảy ra 37 vụ tai nạn làm chết 17 người và 29 người bị thương.
Nhận thức được hiểm họa của những đường ngang trên tuyến đường Thống Nhất, ngay từ đoạn ra khỏi ga Hà Nội, ngành đường sắt đã làm lan can thép để ngăn đường sắt với đường bộ. Nhưng thực tế cho thấy từ Ngọc Hồi tới Thường Tín, dải lan can này bị người dân liên tục cắt hoặc tháo gỡ để lấy lối đi vào nhà. Đặc biệt, tại khu vực thị trấn Thường Tín - nơi vừa xảy ra vụ tai nạn làm chết chín người - rất nhiều nhà dân đồng loạt phá dỡ lan can thép, tạo vô số đường ngang băng qua đường sắt ra quốc lộ 1A. Đây là các đường ngang bêtông, ở đoạn băng qua đường sắt có rải từng bó gỗ hoặc tre tạo mặt bằng cho xe máy đi qua.
Cách đây hơn một năm, sau vụ tai nạn tàu hỏa đâm ôtô ở huyện Thường Tín làm chín người chết và 10 người bị thương sáng 22-11-2009, TP Hà Nội đã đề nghị ngành đường sắt lập rào chắn khẩn cấp tại đường ngang xảy ra tai nạn. “Từ khi có rào chắn, chỗ này không xảy ra tai nạn, trước đó thì liên tục” - chị Minh, bán hoa quả ngay gần đường ngang, cho biết. Dù đã có rào chắn nhưng nhân viên gác chắn Đỗ Thế Xuyên cho rằng đường bộ hiện thấp hơn đường sắt khoảng 1m, tạo dốc cao và cua ngắn, tầm nhìn hẹp nên chưa đảm bảo an toàn. Theo ông Xuyên, cạnh khu vực này vẫn tồn tại 3-4 đường ngang tự phát không rào chắn, điều đó đồng nghĩa với việc nguy hiểm chết người vẫn chực chờ.
Đối với các đường ngang có cảnh báo tự động bằng đèn tín hiệu và có chuông reo, dù ngành đường sắt khẳng định đây là một hệ thống hiệu quả nhưng thật ra vẫn có nhiều tai nạn giữa ôtô với tàu hỏa. Điển hình là đường ngang Thượng Thanh (quận Long Biên) ngày 16-8-2010, chiếc Toyota Camry bốn chỗ chở năm người (hai trẻ em) đã không để ý tín hiệu cảnh báo tự động cứ băng qua đường sắt, hậu quả bị tàu hất tung vào quán cháo lòng khiến hai người chết.
TP.HCM: tiềm ẩn nhiều lo ngại
Ông Nguyễn Xuân Hòa, chủ tịch Công ty một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn, cho biết ở TP.HCM cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn tại các đoạn đường giao giữa đường bộ và đường sắt. Theo ông Hòa, TP.HCM có 14km đường sắt, tình trạng đường ngang dân sinh tự phát đã cơ bản không còn, nhưng hiện còn 8/26 đường ngang ở nội thành không gắn thiết bị báo trước khi tàu tới gần. Điều đáng lo ngại là hành lang an toàn đường sắt bị lấn chiếm, thu hẹp.
Tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ ở nội ô TP.HCM cũng có nhiều vấn đề bất ổn. Chẳng hạn điểm giao cắt trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) có các thanh chắn bằng cây thô sơ, không ngăn được những người chạy xe gắn máy cố vọt qua đường ray khi tàu hỏa sắp đến.
Tại điểm giao cắt trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), thanh chắn chỉ cách tim đường ray xe lửa 2m, trong khi quy định an toàn tối thiểu là 2,5m, dù đây là một “điểm đen” nhưng đơn vị quản lý cho biết không thể mở rộng thêm vì vướng đền bù giải tỏa. Ở đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), mặt đường đi qua đường ray chỉ rộng 7m và cao hơn mặt đường Nơ Trang Long gần 1m, dòng xe cộ luôn phải chen chúc qua cái dốc bị thắt cổ chai này, rất dễ gây ùn tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, ngành đường sắt đã xóa được hai điểm đen về tai nạn giao thông trên tuyến đường ngang Cá sấu hoa cà và đường ngang chùa Ưu Đàm (Q.Thủ Đức) bằng cách mở trạm gác chắn. Tuy nhiên, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông như các đường ngang đi qua đường sắt phần lớn bị hạn chế tầm nhìn, hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong khi đó các đường ngang băng qua đường sắt đều không có cầu vượt hoặc hầm chui. “Việc xây dựng tuyến đường trên cao từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn đang là yêu cầu cấp bách” - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Lăng - phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - cũng nói đường sắt đi qua các giao cắt đường bộ trong nội ô TP.HCM là cực kỳ nguy hiểm. Đây là bức xúc lớn, đòi hỏi ngành đường sắt cần sớm triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng (ga Sài Gòn).
Biên Hòa: còn nhiều “điểm đen” đường sắt
Đánh giá về tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn Đồng Nai, Ban an toàn giao thông tỉnh cho biết trong năm 2010 tai nạn vẫn tăng hơn các năm trước đó. Các lỗi tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định khi đi qua đường ngang hoặc người bộ hành vi phạm hành lang an toàn đường sắt như chơi đùa, nằm, ngồi trên đường sắt. Mới nhất, vụ tai nạn ở cầu Ghềnh xảy ra dịp Tết Nguyên đán làm hai người chết, 24 người bị thương cũng có phần lỗi của các tài xế khi qua cầu.
Có thể nói Đồng Nai hiện còn nhiều “điểm đen” đường sắt. Hầu hết các khu vực ở TP Biên Hòa có điểm giao cắt đường ngang với đường sắt đều có tình trạng mở quán bar, họp chợ trong phạm vi rào chắn hành lang đường sắt. Nhân viên gác chắn Lê Xuân Vận nói: “Có hôm đoàn tàu sắp đi qua, cần chắn hạ xuống rồi nhưng người đi đường vẫn luồn lách để vượt qua”.
Chánh văn phòng UBND TP Biên Hòa Hồ Văn Lộc cho biết TP còn không ít điểm giao cắt với đường sắt mà Công an Biên Hòa từ lâu đã kiến nghị phải quan tâm xử lý nhưng đến nay chưa được khắc phục. Chẳng hạn như tại bốn điểm đầu cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát do cổng gác và barie lắp sát cầu, tạo nút thắt cổ chai nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Theo ông Lộc, TP Biên Hòa nhìn thấy các “điểm đen” đường sắt có nguy cơ gây tai nạn cao đã bỏ ngân sách thi công đường giao cắt, làm dàn chắn hiện đại. Tuy nhiên việc khắc phục “điểm đen” không phải dễ, vì phải xin ý kiến của ngành đường sắt. “Địa phương muốn nhanh chóng xóa bớt “điểm đen” đường sắt, bỏ vốn ra nhưng đụng đến việc này thì phải xin ý kiến ngành đường sắt và đơn vị thi công phải là của họ mới được” - ông Lộc nói.
Không thể rải người gác hết các đường ngang Đó là khẳng định của ngành đường sắt. Theo ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban an toàn giao thông đường sắt Tổng công ty Đường sắt VN, hiện nay đường sắt có 1.542 đường ngang hợp pháp, trong đó có 621 đường có người gác. Nhưng chỉ chừng đó điểm gác đã phải sử dụng gần 4.000 nhân viên gác chắn. Dù biết nguyên nhân chủ yếu của tai nạn đường sắt xuất phát từ đường ngang bất hợp pháp, nhưng nếu chỗ nào cũng lập rào chắn thì ngành đường sắt không đủ người. Ông Bình còn nói Luật đường sắt đã quy định về khoảng cách mở đường ngang qua đường tàu, nhưng các địa phương không tuân thủ. Ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - nhận định hệ thống đường sắt đang tồn tại hàng ngàn những đường mở tự phát, nếu không xây dựng đường gom để hình thành đường ngang hợp pháp thì chưa biết bao giờ mới chấm dứt được tai nạn. Ông Thuấn cho biết Bộ GTVT đã triển khai việc nâng cấp các đường ngang, tăng cường thiết bị cảnh báo ở các khu vực có đường ngang, đồng thời lập hàng rào chắn, xây dựng những đường gom chạy song hành với đường sắt để xóa bỏ những lối mở đi ngang qua đường sắt nhưng làm không xuể, làm đầu này thì dân lại tháo dỡ đầu kia. “Ngay tại Hà Nội, ngành đường sắt triển khai làm được một đoạn rào chắn đảm bảo hành lang đường sắt ở Ngọc Hồi nhưng lại gặp phản ứng của dân, họ không muốn bị cản trở lối đi”. Ông Thuấn cũng thừa nhận bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, xử phạt về vi phạm đường sắt còn hạn chế, chưa được chú trọng như đường bộ. Ông Thuấn còn nhấn mạnh các vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt hầu hết là do người dân thiếu ý thức, nhất là các tài xế, cứ cố tình vượt đường sắt khi tàu đã tới gần, điển hình là vụ tai nạn mới ở Thường Tín. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận