Không chỉ các thí sinh mà người coi thi cũng xem thường kỷ cương. Sự mất tính trung thực tràn lan trong xã hội phải được xem như một quốc nạn, không thua không kém tham nhũng hay những tiêu cực khác.
Thật ra nó là nguồn gốc của nhiều tệ nạn khác như gian dối lừa đảo, hàng dỏm, hàng giả... Nó làm cho con người đánh mất lương tâm và không còn biết mắc cỡ, mà một khi “đứt dây mắc cỡ” thì có thể làm nhiều thứ lắm chứ không chỉ quay cóp.
Không chỉ những kẻ hung tợn giết người mới mất tính người, những ai đánh mất lương tâm và sự tự trọng cũng đánh mất tính người vì đó là thuộc tính của con người. Xã hội ta đang nhiễu nhương mọi bề là vì cái nền tảng của đạo đức bị lung lay. Nhưng cái gì khiến sự gian dối ngự trị? Đó là một đề tài lý luận cấp quốc gia cần gấp rút thực hiện. Cải tiến cơ chế quản lý, giáo dục... đã đành nhưng hình như phải tìm cái gốc cao hơn nữa.
Hồi nhỏ tôi được gia đình dạy: làm người thì khó tránh khỏi phạm sai lầm, nhưng phải biết xấu hổ vì điều xấu đó mà sửa sai, vì người không biết xấu hổ là người bỏ đi. Lớn lên một chút tôi nhận thấy nếu biết xấu hổ tôi đã có thể tránh làm những điều xấu.
Khi còn học trung học, tôi được một chị bạn, lúc đó đang học Đại học Cần Thơ, nói rằng bạn bè của chị trên đại học sẵn sàng nộp giấy trắng khi không làm được bài chứ không hề quay cóp, vì họ xấu hổ không dám làm điều đó. Nghe thế tôi thật sự ngưỡng mộ họ. Và khi học đại học tôi đã học gương họ: biết xấu hổ nên không hề quay cóp.
Hôm nay khi đọc bài báo “Một đợt thi, hàng trăm “thí sinh lớn” quay cóp” tôi thật sự bất bình. Buồn thay có thí sinh đã hai lần quay cóp khi dự thi cao học! Tựa bài báo thật hay khi sử dụng từ lớn. Những “thí sinh lớn” này chắc chắn lớn về tuổi tác, về học vị (dự thi cao học), nhưng quá bé về nhân cách khi không biết xấu hổ.
Biết xấu hổ người ta không quay cóp, biết xấu hổ người ta không quăng rác nơi công cộng (và nếu đã lỡ quăng rác vào người khác thì người ta biết xin lỗi chứ không nhe răng cười như một bạn đọc đã kể), biết xấu hổ người ta dám từ chức khi không làm tròn nhiệm vụ... Công dụng của việc biết xấu hổ còn nhiều phải không?
Tôi muốn đề cao khả năng biết xấu hổ của con người. Khả năng đó và nhiều khả năng cơ bản làm người khác có trong chương trình giáo dục không? Nơi nào bán cái khả năng biết xấu hổ hỡi ngành giáo dục?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận