Quy trình vay và cho vay lại vốn ODA hiện nay và sửa đổi áp dụng từ 1-1-2017 - Đồ họa: Như Khanh |
Tại cuộc họp báo về vốn vay ưu đãi (ODA) ngày 22-3, ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết tới đây, các địa phương phải vay lại vốn ODA từ Chính phủ, thay vì được cấp phát như hiện nay.
Theo ông Long, việc cho các địa phương vay lại vốn ODA nhằm nâng hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, dự án chậm tiến độ và đội vốn đang diễn ra phổ biến tại các địa phương như thời gian qua.
Vay lại và lo trả nợ
Ông Long cho biết trước những năm 2000, do khả năng đầu tư vào hạ tầng kinh tế của các thành phần kinh tế còn hạn chế, trong khi VN lại có nguồn ODA dồi dào, lãi vay rất ưu đãi (dưới 0,7%/năm) và thời hạn lên tới 30-40 năm, nên ngân sách nhà nước đã rộng tay cấp phát vốn ODA cho các địa phương.
“Trong 15 tỉ USD vốn ODA dành cho dự án, chương trình của các địa phương, có đến 92,2% số vốn này (gần 14 tỉ USD) được Chính phủ vay và cấp phát lại. Với cơ chế bao cấp vốn này, nhiều địa phương ỷ lại, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, hàng loạt dự án chậm tiến độ, đội vốn diễn ra phổ biến” - ông Long nói.
Năm 2016: phải trả khoảng 150.000 tỉ đồng nợ công Bộ Tài chính cho biết như trên, gồm cả nợ gốc và lãi, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu cộng cả 95.000 tỉ đồng đảo nợ, tổng số nợ phải trả lên đến khoảng 245.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 24% tổng thu ngân sách. |
Tuy nhiên, từ năm 2011, lãi suất vay ODA tăng lên, thời gian vay bị rút ngắn và từ tháng 7-2017 VN có thể không còn được vay ODA nữa mà phải vay thương mại. Ngay cả nguồn vốn vay ODA đã vay cũng bị rút ngắn thời hạn trả nợ hoặc tăng lãi suất lên 3,5%/năm.
Mặt khác, từ năm 2017, theo quy định Luật ngân sách mới, ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là được vay nợ và phải có nghĩa vụ trả nợ.
“Cơ chế mới này sẽ giúp tách bạch quyền và nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, góp phần quản lý nợ công” - ông Long khẳng định.
Cũng theo ông Long, tới đây Nhà nước sẽ chỉ tập trung vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm. Các địa phương có tiềm lực tài chính tốt, nộp ngân sách về trung ương phải chia sẻ trách nhiệm về gánh nặng nợ qua việc cho vay lại.
Theo đó, 50 địa phương khó khăn, nhận trợ cấp từ trung ương sẽ vẫn được Nhà nước hỗ trợ 70-90% vốn đầu tư, 10-30% còn lại phải vay và tự cân đối trả nợ.
Ngoại trừ TP.HCM và Hà Nội phải vay lại 80% (cấp phát 20%), 11 địa phương còn lại do có tiềm lực tài chính tốt hơn cũng phải vay lại 50% từ nguồn ODA, Nhà nước hỗ trợ 50% còn lại.
“Với cơ chế mới này, dù không làm giảm nợ công nhưng sẽ tăng tính hiệu quả của khoản vay bởi chắc chắn các địa phương sẽ cân nhắc vay và sử dụng vốn ODA” - ông Long khẳng định.
Vẫn chưa an tâm
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Việt Đức - vụ phó Vụ Ngân sách nhà nước, dù các địa phương được phép bội chi ngân sách, tức được phép vay, nhưng không phải muốn vay bao nhiêu cũng được. Bởi theo quy định, Hà Nội và TP.HCM chỉ được vay tới 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, các địa phương còn lại chỉ được vay 20-30%, chưa kể các địa phương còn bị khống chế mức bội chi hằng năm, do Quốc hội quyết số tuyệt đối.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, vẫn bày tỏ băn khoăn với cơ chế các địa phương tự vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ, bởi nguy cơ nợ công các địa phương sẽ tăng mạnh như diễn ra ở Trung Quốc.
“Cần phải làm rõ cơ chế trách nhiệm trong quyết định các dự án đi vay ODA và người ký đề xuất vay ODA. Nếu vẫn là cơ chế cấp ủy hay hội đồng nhân dân thông qua, tức trách nhiệm tập thể, sẽ không thể quy được trách nhiệm” - ông Thái nói.
Ông Thái đề nghị phải có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn về trách nhiệm cũng như cơ chế bố trí vốn trả nợ, bởi dù cho địa phương vay lại nhưng cuối cùng Nhà nước cũng sẽ phải trả nợ nếu các dự án không đạt hiệu quả và địa phương không trả được nợ...
Cũng theo ông Thái, để tăng hiệu quả và trách nhiệm trong sử dụng vốn ODA, bên cạnh việc trao trách nhiệm cho địa phương, cần tăng cường cơ chế phản biện, giám sát, đánh giá cho người dân. “Trách nhiệm và những chế tài cần được quy định rõ hơn bởi hiện nay nó chưa thật sự được minh định” - ông Thái nói.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng nếu có chuyển giao trách nhiệm một phần từ trung ương về cho địa phương bằng cơ chế cho vay lại vốn ODA cũng không làm tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn.
“Bản chất của vốn này là vốn đầu tư công, không phải là tiền của họ. Hơn nữa, ngân sách của VN là ngân sách lồng ghép nên trường hợp địa phương không trả được nợ thì trung ương sẽ phải lo trả nợ” - ông Ánh cảnh báo.
Nợ vay của TP.HCM sẽ tăng nhanh Một lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho rằng với cơ chế vay lại vốn ODA, khoản nợ bằng vốn vay ODA của TP.HCM dự báo sẽ tăng nhanh, bởi các dự án sử dụng vốn ODA có tổng mức đầu tư lớn, thời gian kéo dài. Trong khi đó, với cách tính trần nợ mới, TP.HCM nhiều khả năng không được vay dù có khả năng trả nợ do khoản vay của các dự án ODA đã đụng trần. Ngoài ra, nhiều khả năng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương sẽ giảm dần, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cũng như việc đảm bảo cân đối chi đầu tư. Đến cuối năm 2015, số nợ của TP.HCM vào khoảng 18.000 tỉ đồng, trong đó nợ trái phiếu chính quyền địa phương là 12.500 tỉ và nợ vay lại của trung ương từ các nguồn vốn vay ODA hơn 5.000 tỉ, tăng gấp năm lần so với năm 2010. Theo tiến độ các dự án đang triển khai, đến cuối năm 2020 số nợ vốn ODA tăng khoảng năm lần, khoảng 25.000 tỉ. Trong khi đó, tình hình trả nợ vay lại của TP.HCM còn rất thấp do các dự án ODA này vẫn đang trong chu kỳ ban đầu (ân hạn), chỉ chiếm 2% trong tổng dư nợ xây dựng cơ bản của TP. Vay sẽ trả nên phải sử dụng hiệu quả Ông Trần Văn Sơn, giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, cho biết từ năm 2017 TP Đà Nẵng sẽ phải trả khoản nợ 1.500 tỉ đồng, hiện địa phương đang tích lũy nguồn thu hằng năm để trả nợ các khoản đã vay đầu tư xây dựng cơ bản các công trình cầu đường lớn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận