Theo TS Trần Bình Giang, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, với những chấn thương bụng kín, tức là thương tổn nằm bên trong bụng như ở ruột, gan, lá lách, dạ dày... lại bị thành bụng che phủ thì chẩn đoán đúng tổn thương và mức độ tổn thương rất phức tạp.
Mặt khác, hoàn cảnh cấp cứu đòi hỏi phải có quyết định nhanh, hợp lý, nên nếu phải trải qua quá nhiều loại xét nghiệm và hình thức chẩn đoán thì có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Trong ba năm (2001-2003), Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 1.200 ca chấn thương bụng kín (đa số là do tai nạn giao thông), 35,6% trong số này bị đa chấn thương, hầu hết đều phải mở bụng. Có đến 30% ca mổ mở bụng chỉ có ý nghĩa thăm dò, mổ bụng nhưng không có tổn thương gì hoặc tổn thương nhẹ không cần xử lý.
Bắt đầu từ năm 2004, Bệnh viện Việt Đức đưa kỹ thuật mới vào, đến nay đã có hơn 70 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cho chấn thương bụng kín. Không có tổn thương nào bị bỏ sót, không có mổ mở bụng không cần thiết.
Trong đó có 29 bệnh nhân được xử trí tổn thương ngay trong quá trình nội soi như khâu vỡ ruột non, khâu gan, khâu lách, khâu bàng quang... Một số bệnh nhân qua nội soi chẩn đoán sớm vỡ ruột non được mở bụng nhỏ đưa ruột ra ngoài để khâu ngay.
TS Giang cho biết qua nội soi, bác sĩ sẽ thấy đích xác bao nhiêu thương tổn nếu để theo dõi tiếp sẽ là muộn, bao nhiêu thương tổn nếu mở bụng thăm dò là không cần thiết. Những tổn thương tạng rỗng thường hiện lên rõ nét do xung quanh tổn thương luôn có tình trạng đụng dập, phù nề.
Trong hai năm qua đã có gần 60/70 bệnh nhân tránh được mở bụng nhờ phẫu thuật nội soi và sau nội soi không có ca mổ mở nào là đơn thuần mang tính thăm dò không cần thiết.
Áp dụng kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị chấn thương bụng kín còn đem lại kết quả hậu phẫu thuận lợi hơn, lưu thông tiêu hóa trở lại sớm, đau ít do tổn thương thành bụng rất nhỏ, không có biến chứng xì bụng, chảy máu sau mổ, nhiễm trùng thành bụng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận