10/11/2017 15:10 GMT+7

Hẹp bao quy đầu – bệnh lý không nên chủ quan

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng

Tình trạng bé trai bị hẹp bao quy đầu hiện nay khá phổ biến, nếu cha mẹ không có những can thiệp kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Hẹp bao quy đầu – bệnh lý không nên chủ quan - Ảnh 1.

Bệnh hẹp bao quy đầu là gì và dấu hiệu để nhận biết

Hẹp bao quy đầu (tiếng Anh là phimosis) chỉ trường hợp bao da quy đầu không tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được. Điều này khiến việc vệ sinh sẽ khó khăn, dễ dẫn đến các viêm nhiễm ảnh hưởng da bao quy đầu (tạo sẹo). Hẹp bao quy đầu còn gây ra tình trạng nghẹt da quy đầu, thường xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo ngược ra sau nhưng rồi không lấy trở lại được.

Hẹp bao quy đầu sinh lý là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh nam. Khi trẻ nam mới sinh ra, chưa có khả năng tự bảo vệ quy đầu dương vật, lúc này lớp bao da bọc ngoài quy đầu có chức năng bảo vệ quy đầu dương vật. Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên, lớp bao da quy đầu sẽ tự tuột xuống, để lộ ra quy đầu dương vật.

Các triệu chứng hẹp bao quy đầu thường là tình trạng đỏ, sưng, sờ vào thấy đau. Thời kỳ đầu bao quy đầu có thể sưng đỏ, nghiêm trọng thì có những chất tiết ra như dịch mủ, có thể thấy sốt… Khi tích nhiều bựa sinh dục, có thể nhìn thấy được những hạt màu trắng ở đầu bao quy đầu. Tất cả các trường hợp hẹp bao quy đầu đều cần phẫu thuật để cắt da bao quy đầu.

Nguyên nhân bệnh hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu không chỉ gặp ở nam giới trong độ tuổi sinh sản mà ngay cả trẻ sơ sinh, bé trai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu thường gặp do:

- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Khi trẻ mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Khi trẻ lên 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Là hẹp thực sự với sự hiện diện của sẹo xơ. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do nhiễm khuẩn vì mất vệ sinh.

Những nguy hiểm và tác hại nếu không chữa trị kịp thời

Bệnh hẹp bao quy đầu nếu không có những can thiệp kịp thời có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ.

- Gây viêm quy đầu: Khi bị hẹp bao quy đầu, dưới lớp bao da quy đầu luôn tiết ra tế bào chết, kết hợp với các chất cặn bã trong quá trình đi tiểu không được thoát ra ngoài sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, sưng đỏ, mọng nước ở đầu dương vật.

- Gây viêm nhiễm niệu đạo: Nếu bao quy đầu hẹp không được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Các vi khuẩn này rất dễ xâm lấn sang niệu đạo và gây viêm nhiễm do bị cặn bẩn tích tụ lâu ngày kèm theo các chất bài tiết dễ hình thành bựa sinh dục. Bựa sinh dục này kích thích lên đầu dương vật gây ra các viêm nhiễm trên quy đầu và dương vật. Khi viêm nhiễm xâm nhập vào bên trong có thể dẫn đến viêm bàng quang, viêm thận.

- Gây nghẹt quy đầu: Thường xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo ngược ra sau nhưng rồi không lấy trở lại được. Khi dương vật cương cứng, da quy đầu vẫn phủ căng vòng quanh dương vật, gây nghẹt quy đầu, khiến máu không lưu thông sinh ra sưng phù nề bao quy đầu, nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử quy đầu.

Làm gì khi trẻ mắc hẹp bao quy đầu

Thường khi trẻ vài ba tháng tuổi thì chưa cần quan tâm lắm đến vấn đề này nhưng bé từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ cần lưu ý. Bạn có thể phát hiện bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao (nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tè, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn bé bị bệnh này).

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em nếu không được xử lý sớm sẽ khiến trẻ đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần hình thành nên bựa sinh dục, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục của trẻ.

Để khắc phục tình trạng này, khi bé 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể khiến bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường.

Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà tình hình không cải thiện hoặc do lỗ quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Thường bác sĩ chỉ cần nong và tách phần da quy đầu bị hẹp rồi hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc bé sau đó. Trẻ lớn 5-6 tuổi trở lên vẫn bị tật này thì thường phải can thiệp bằng tiểu phẫu cắt bao quy đầu.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên