Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, một người dân sống trong hẻm, cho biết hơn hai năm trước do không chịu nổi mùi hôi thối, người dân đã kiến nghị mỗi hộ trong hẻm góp 750.000 đồng/mét ngang mỗi căn nhà để nâng cấp hẻm, nếu thiếu thì phường sẽ hỗ trợ. Sau hơn hai năm quyên góp tiền, đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND phường nhưng phường trả lời chờ ngân sách của quận.
Ông Đỗ An Nhàn, phó chủ tịch UBND P.16, Q.Gò Vấp, cho biết đã có kế hoạch nâng cấp và làm cống thoát nước cho hẻm trên, nhưng do kinh phí đóng góp của dân không đủ nên phải chờ quận cấp ngân sách. Dự tính trong năm 2013 sẽ hoàn thành xong việc nâng cấp hẻm. Tin vui cho người dân là quận đã đồng ý chi 100% ngân sách để làm cống thoát nước và trải nhựa đường hẻm nên số tiền người dân đóng góp không sử dụng đến. Hiện nay số tiền 180 triệu đồng này được bà Nguyễn Thị Kim Tới, tổ trưởng khu phố, gửi tại một ngân hàng (lãi hằng tháng sẽ được cộng dồn vào vốn). Sắp tới phường sẽ yêu cầu bà Tới trả lại số tiền này cho người dân đã đóng góp.
Hút cát làm mất bến sông Hàng trăm hộ dân ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang “kêu trời” vì việc hút cát trên sông Dinh làm lở mất bến sông ở xã này, gây khó cho sản xuất nông nghiệp. Ông Trịnh Thiệu, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, bức xúc: “Nhà tôi có 2ha đất trồng mía và bắp bên kia sông. Từ khi có hai công ty khai thác cát, cát bị tụt hết còn trơ đá, nước sâu không thể qua sông chăm sóc cây trồng được. Để vận chuyển nông sản phải đi vòng lên Phước Vinh, Phước Sơn xuống Phan Rang - Tháp Chàm rồi vòng về xã Mỹ Sơn với đoạn đường hơn 30km”. Ông Nguyễn Thành Khải, chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, cho biết bến sông không còn trong khi bên kia sông có khoảng 20ha đất trồng mía, bắp và thuốc lá (chiếm gần 50% đất nông nghiệp của xã). Ông Hồ Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận, cho biết Công ty Thuận Tiến đang thực hiện công trình nạo vét lòng sông phục vụ thủy lợi, do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép, Sở Tài nguyên - môi trường chỉ cấp phép tận thu khoáng sản. Nếu nạo vét lòng sông ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, sở sẽ đề nghị UBND tỉnh xem lại dự án này. Riêng khu vực Công ty Sơn Long Thuận đang khai thác cát, sở cũng sẽ cho kiểm tra và có biện pháp điều chỉnh. * Quốc lộ 1 hư hỏng nặng. Quốc lộ 1, đoạn qua TP Phan Thiết (Bình Thuận), đã xuống cấp nặng từ nhiều năm nay gây khó khăn cho xe cộ qua lại. Nhiều đoạn đường xuất hiện ổ gà dày đặc khiến xe lưu thông qua đây tìm cách tránh ổ gà dễ gây tai nạn với xe chạy chiều ngược lại. Gần đây cơ quan chức năng đã tu sửa mặt đường nhưng tiến độ thi công diễn ra rất chậm. Một số đoạn đường xe chỉ lưu thông được một bên, phía còn lại bị rào để thi công nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ông Nguyễn Tấn Lê, cán bộ Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, cho biết đoạn quốc lộ 1 qua TP Phan Thiết đã hư hỏng từ lâu. Hiện nay đoạn đường này đang được Khu Quản lý đường bộ 7 tổ chức sửa chữa, nguồn kinh phí được cấp từ Tổng cục Đường bộ. Dự kiến đến tháng 12 sẽ sửa xong đoạn đường này. (NG.NAM) * Vì sao cấm đậu xe trên vỉa hè đường Thùy Vân? Một bạn đọc thắc mắc: “Gần đây, trên vỉa hè đường Thùy Vân (Bãi Sau, TP Vũng Tàu) xuất hiện các biển cấm đậu xe, gây khó cho du khách đến tắm biển”. Về việc này, bà Trương Thị Hường, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết qua khảo sát thực tế giữa Công an và Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu, ngày 1-11, Phòng Quản lý đô thị đã có công văn đề nghị được cắm sáu biển cấm dừng và đỗ xe trên đường Thùy Vân. UBND TP đã đồng ý với đề nghị này vì các lý do: việc đậu xe trên vỉa hè làm mất trật tự an toàn giao thông, lối đi của du khách và mỹ quan đô thị, đồng thời làm hư hỏng gạch con sâu. Ôtô chở du khách đến Bãi Sau có thể cho khách xuống, rồi đậu xe ở bãi đậu xe mà thành phố đã bố trí tại chợ Du lịch TP Vũng Tàu (165 Thùy Vân). Người kinh doanh dịch vụ lưu trú ở đường Thùy Vân phải tự bố trí chỗ đậu xe hoặc hướng dẫn du khách vào bãi đậu xe nói trên. (Đ.Hà) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận