Hayaho Miyazaki - ông vua của hoạt hình châu Á
TTO - Hơn 20 năm qua, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim hoạt hình 3D do “đại gia” Pixar sản xuất, dòng phim hoạt hình vẽ tay (2D) của châu Á vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với toàn thế giới qua những tác phẩm của đạo diễn kỳ cựu Hayao Miyazaki.
Bộ phim Laputa: castle in the sky (1986) là bộ phim đầu tiên được sản xuất bởi Hãng Ghibli và gắn liền với tên tuổi Miyazaki từ đó - Ảnh: Guardian |
Không phải là người tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình ở Nhật Bản, nhưng tên tuổi Miyazaki cùng Hãng studio Ghibli là cái tên quen thuộc không chỉ trong giới hoạt hình Nhật Bản mà còn với khán giả toàn cầu.
Thế giới thiền trong thiên nhiên
Hayao Miyazaki nhận tượng Sư tử vàng Thành tựu trọn đời tại LHP Venice năm 2005 - Ảnh: Guardian |
Cho dù là động vật hay quái thú thì ông luôn thổi vào đó những hình ảnh mang dáng dấp con người - đó là những hồn ma sầu muộn, những con mèo, con heo và cóc biết nói trong Spirited away (2001), là tinh linh lửa chịu trách nhiệm sưởi ấm cho cả tòa lâu đài trong Howl’s moving castle (2004), là con côn trùng khổng lồ Ohmu trong Nausicaä of the valley of the wind (1984)... Điểm chung làm nên điều tuyệt vời nhất trong các bộ phim chính là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Miyazaki không cố gắng “nhồi nhét” người xem bằng góc nhìn theo chủ đề nào, mà ông thường giới thiệu cách tiếp cận đầy tính triết lý qua mỗi tác phẩm. Những bộ phim như Howl’s moving castle, Nausicaä hay Princess Mononoke mặc dù lấy bối cảnh Nhật Bản thời Trung cổ, những năm thế kỷ 19 ở châu Âu hay mang dáng dấp những câu chuyện viễn tưởng của Jules Verne và H.G Wells… đều để lại cái nhìn sâu sắc về cuộc sống ở thời hiện tại.
Princess Mononoke (1997), một tác phẩm của Miyazaki về cuộc chiến đấu giữa loài người chống lại linh hồn của rừng xanh - Ảnh: Guardian |
Dấu ấn phản đối chiến tranh trong Howl’s moving castle hoặc cuộc chiến bảo vệ sinh thái trong Nausicaä và Princess Mononoke đều chỉ ra rằng: chính sự chạy đua kỹ thuật, tham vọng chính trị là nguồn gốc thật sự của mọi tội lỗi.
Chủ nghĩa thoát ly thế giới hiện đại
Những hình ảnh bay bổng lên không trung cũng rất được Miyazaki ưa chuộng khi thể hiện ý tưởng của mình. Những nhân vật chính của ông, thường là các bé gái hay thiếu nữ, thường sống bên những ngôi làng ven đồi hoặc một khu phố cổ với những căn nhà bằng gỗ dọc theo những con đường sỏi trải dài. Họ sử dụng cán chổi bay như trong Kiki’s delivery service (1989), tòa lâu đài biết bay trong Howl’s moving castle và gần đây nhất là đàn cá bay lên trong Ponyo on Cliff by the sea. Theo Miyazaki, sự bay lên của ông mở ra một tầm nhìn mới, mang tính toàn cảnh cho hình ảnh của đất và nước.
Có người cho rằng bộ phim của Miyazaki thường thoát ly khỏi thực tế, nhưng cũng rất nhiều người khác ủng hộ triết lý của ông. Thoát ly khỏi một xã hội đầy rẫy những tiếng ồn, những mâu thuẫn thời hiện đại là điều mà ai cũng mong muốn!
Một số ý kiến lại cho rằng phim của Miyazaki mang màu sắc ảm đạm, như cuộc chiến đấu của công chúa Mononoke trong Princess Mononoke (1997); cô bé bị lạc gia đình và tràn ngập trong một thế giới linh hồn như Spirited away… Nhưng những bộ phim đó chính là những câu chuyện cổ tích và luôn có kết thúc tốt đẹp.
Do vậy, có thể nói so với những bộ phim có các nhân vật 3D uyển chuyển, đường nét sống động, mềm mại như Cars, Toys… của Pixar thì chính thế giới thiền về cái đẹp và sự tĩnh lặng của thiên nhiên trong mỗi tác phẩm đã làm nên sức hút cho phim của Miyazaki.
Hình ảnh giọt nước rơi trên tảng đá phủ rêu xanh hay một đoàn tàu lướt nhẹ trên bãi biển lúc nhá nhem chiều (Spirited away)… thật sự là những hình ảnh giản dị đầy ấn tượng có thể khiến khán giả lặng người.
Spirited Away (2001) kể về cuộc hành trình giải cứu bố mẹ của một cô bé khi lạc vào một thế giới linh hồn khác lạ - Ảnh: Guardian |
Luôn quan tâm đến thế hệ trẻ
Với những nỗ lực sáng tạo không ngừng trong nghề nghiệp, cùng với tâm hồn luôn trân trọng và quan tâm đến sự phát triển thế hệ trẻ, Miyazaki được cả thế giới kính trọng. Năm 2005, Hayao Miyazaki được trao tặng tượng Sư tử vàng thành tựu trọn đời tại LHP Venice. Năm 2006, ông cũng được tạp chí Time tôn vinh là một trong 100 người ảnh hưởng nhất châu Á trong vòng 60 năm qua. |
Phát biểu trên báo The Guardian, ông nói: “Chúng ta cần phải giải phóng trẻ em khỏi chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Chính những cái nhìn cục bộ đã mang đến nhiều vấn đề, điều đó thậm chí có thể biến đất nước mà chúng ta yêu quý trở thành hiểm họa cho thế giới. Đó là điều mà chúng ta học được từ quá khứ và mãi mãi không thể quên”.
Ông luôn quan tâm đến việc nuôi dạy trẻ em của đất nước thời hiện đại. Theo ông, hiện nay mọi gia đình có lẽ đã bảo vệ con cái của họ quá mức vì lo sợ những điều không may. Miyazaki nói: “Khi bọn trẻ chạy nhảy trong vườn, chúng có thể nhanh chóng thích nghi và chủ động. Mặc dù có nhiều mối đe dọa nhưng chúng vẫn không khóc. Đó quả là điều đáng để xem và suy ngẫm”. Bộ phim Spirited away nổi tiếng nhất của ông đã thể hiện cái nhìn này, với hình ảnh một cô bé từ nhút nhát đã dũng cảm đương đầu với mọi thử thách để giúp hóa giải lời nguyền bị biến thành lợn của cha mẹ mình.
My neighbor Totoro (1988), một bộ phim hoạt hình nhẹ nhàng, vui tươi của Miyazaki dành cho trẻ em được đánh giá cao - Ảnh: Guardian |
Trong năm nay, Disney quyết định đầu tư vào một bộ phim mới nhất của Miyazaki, Ponyo on cliff by the sea, dựa trên cảm hứng về câu chuyện cổ tích của Andersen Nàng tiên cá. Xem Ponyo, có thể nói từ sau My neighbor Totoro (1988) thì đây mới thật sự là một bộ phim hoạt hình đúng nghĩa dành cho trẻ em của Miyazaki. Ponyo on cliff by the sea kể về cuộc hành trình của cô cá vàng Ponyo vượt lên mặt biển, tìm đến thế giới loài người và gặp cậu bé Sosuke... Ở phiên bản tiếng Anh của bộ phim, Franlie Jonas - thành viên trẻ nhất của nhóm nhạc pop đang được yêu thích The Jonas Brothers - sẽ lồng tiếng cho nhân vật Sosuke. Noah Cyrus, em gái của ngôi sao Hannah Montana - Miley Cyrus, sẽ lồng tiếng cho cô bé cá vàng Ponyo.
John Lanssester - giám đốc sáng tạo của Pixar, người được trao tặng tượng Sư tử vàng thành tựu trọn đời tại LHP Venice lần 66 vừa qua - tỏ ra cực kỳ lạc quan vào dự án mới này. Trả lời phỏng vấn AP, ông chia sẻ: “Tôi muốn Disney sẽ là kênh phân phối tất cả các bộ phim của Miyazaki đến với mọi khán giả (Bắc Mỹ) bởi vì chúng thật sáng tạo, đầy mê ly và kỳ thú”. |
CẢNH TOÀN (Theo NY Times, Time, Guardian, Hollywood Reporter)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận