06/07/2017 18:03 GMT+7

Hãy trân trọng và yêu thương người khuyết tật

THÁI HOÀNG (GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS -THPT BÁC ÁI, Q.TÂN BÌNH, TP.HCM)
THÁI HOÀNG (GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS -THPT BÁC ÁI, Q.TÂN BÌNH, TP.HCM)

TTO - Đọc bài báo “Con tôi đã suýt ủ dột một đời, nếu như…” của người cha Trần Văn Giáo (Bà Rịa - Vũng Tàu), hẳn không ít độc giả xót xa. Nhất là những người thầy đang công tác ở môi trường dành cho học viên khuyết tật.

“Ảnh tôi chụp chung với hai em ở nhà em Bình” Ảnh: Tác giả cung cấp
“Ảnh tôi chụp chung với hai em ở nhà em Bình” - Ảnh: Tác giả cung cấp

“Lúc trả tiền, chị bán kem không nhận. Chị nói: Chị tính biếu cho hai đứa. Chưa kịp đưa thì các em đã mua. Chị không nhận tiền đâu. Coi như chị biếu. Tôi rất vui vì chị cũng yêu thương những cô cậu khuyết tật"

Là một người thầy từng công tác ở môi trường dành cho học viên khuyết tật, là một người thầy thường dạy những chuyên đề về sống đẹp (trong đó có những chuyên đề trao yêu thương và bài học quý từ nghị lực sống của những người khuyết tật), là người từng nói lên tiếng nói của mình bảo vệ người khuyết tật, tôi rất hiểu những gì người cha đã tâm sự trong bài báo.

Những bài giảng nặng tình hơn nặng chữ

Qua bài báo, tôi cũng gửi những dòng chia sẻ sau đây tới quý báo và độc giả:

Ngày còn nhỏ, lâu lâu thấy người khuyết tật, tôi cũng như biết bao người bạn cùng trang lứa đều trêu chọc và coi đó là việc làm tạo niềm vui cho mình. Lớn lên một chút, khi đặt mình vào người khuyết tật, tôi hiểu, cảm thông, yêu thương và bảo vệ họ. Tôi tự hỏi nếu mình rơi vào hoàn cảnh như họ thì mình mong muốn điều gì. Từ đó, tôi càng yêu thương họ nhiều.

Ra trường dạy học được mấy năm, tôi biết được một trung tâm dạy học viên khuyết tật gần trường mình đang công tác (đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Tôi xin dạy thêm ở đó. Đối diện với các em, tôi thương các em rất nhiều. Bài giảng của tôi nặng tình hơn nặng chữ. Tôi luôn động viên và chia sẻ cùng các em. Qua mỗi cuộc họp, tôi luôn góp ý “đứng về phía các em”.

Với sự gần gũi, thân thiện và phương pháp dạy học “không máy móc”, tôi được các em yêu quý, kể cả những học trò lớp dưới (tôi dạy lớp 9 đến 12) do các anh chị “truyền tai”.

Muốn con hiểu, cảm thông và yêu thương người tàn tật, tôi chở con đến đây chơi. Lần đầu đến đây (cháu khoảng 5 tuổi) nhìn thấy các anh chị tật nguyền, con rất sợ. Con sợ cũng phải vì lần đầu con tiếp xúc với những con người khuyết tay, tật chân, khiếm thính, nói ú ớ... Chỉ một lúc sau nghe giải thích, con hiểu và vui vẻ chơi cùng anh chị (vốn tôi thường gieo tình yêu thương từ nhỏ cho con).

Kể từ đó, khi thấy người tàn tật con càng yêu thương họ nhiều.

Chuyện người trò cũ

Vừa rồi đi du lịch Đà Lạt. Vào một buổi chiều mưa trong khu Hội chợ thương mại - nông lâm nghiệp Tây Nguyên 2017, tôi vô tình gặp trò cũ. Nói trò cũ vậy chứ tôi chưa một lần dạy em.

Thấy hai người khuyết tật đẩy xe lăn bán vé số, tôi mua một vé và tặng một vé. Thấy cô bé ngại ngần từ chối, tôi nói: “Cháu cứ cầm đi!”. Cô bé nhận lấy và cảm ơn. Khi tôi nhìn người con trai thì thấy quen quen. Tôi vừa bước đi vừa tưởng tượng lại mình đã gặp cậu ở đâu rồi, hoặc là trò tôi từng gặp ở trung tâm mình đã dạy. Tôi quay trở lại hỏi. Cậu cho hay đã từng học ở trung tâm ấy. Cậu tên là Đỗ Ngọc Minh và người “đồng hành” bán vé số là Hoàng Thị Bình (em không học trung tâm).

Khi hỏi có nhớ tên thầy không, cậu trả lời chính xác. Dù không phải là học trò mình từng dạy nhưng nhiều học trò biết tên tôi vì thời đấy tôi hay mua bánh kẹo đến biếu từng lớp. Và tôi cũng hay hát trên sân khấu mỗi lần trung tâm tổ chức sự kiện gì đó. Tôi mời hai em ăn kem, các em ngại nên từ chối. Tôi “ép” các em ăn nên các em vui vẻ nhận lời.

Lúc trả tiền, chị bán kem không nhận. Chị nói: “Chị tính biếu cho hai đứa. Chưa kịp đưa thì các em đã mua. Chị không nhận tiền đâu. Coi như chị biếu”. Tôi rất vui vì chị cũng yêu thương những cô cậu khuyết tật.

Gia đình tôi muốn mua món quà gì đó tặng hai em nhưng không biết mua gì cho phù hợp. Chúng tôi biếu hai em món tiền nhỏ. Các em từ chối. Tôi thuyết phục, các em vui vẻ nhận lời (những gì tôi làm lúc đó cũng là dịp dạy cho con cái thêm bài học quý).

Trước lúc chia tay, tôi lấy số điện thoại của các em và ghi số điện thoại của mình cho các em. Tôi cũng động viên rất nhiều trước khi tạm biệt. Hôm sau đã thấy các em liên lạc với tôi. Tôi lại động viên các em qua điện thoại.

Ngày cuối trước lúc tạm biệt Đà Lạt, các em gọi muốn gặp tôi trước lúc tạm biệt. Tôi tranh thủ đến điểm hẹn. Chỉ gặp Minh. Em mời tôi về nhà, tôi hẹn lần sau vì sợ trễ giờ. Em rất buồn. Em nói nhà Bình gần đó và Bình đang chờ chúng tôi. Tôi đồng ý đến. Minh rất vui và chạy liểng xiểng (em bị tật cả tay, chân và nói rất khó).

Chỉ nói chuyện mấy phút thôi nhưng trong tôi đong đầy cảm xúc. Bình còn làm tặng cho tôi một món quà. Tôi hạnh phúc biết mấy những ngày ở Đà Lạt. Cảm xúc nhất vẫn là hai lần tâm sự với các em. Đối diện với các em, tôi thương các em nhiều.

Từ bài báo, tôi viết lên những dòng chia sẻ này với mong muốn chúng ta hãy trân trọng và thương yêu người khuyết tật. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ hiểu, cảm thông và biết mình nên làm gì. Cần đối xử công bằng với người khuyết tật!

Tôi cứ day dứt mãi

Đọc xong bài báo, tôi cứ day dứt, suy nghĩ mãi về việc từ chối nhận hồ sơ tuyển sinh (của một học sinh khuyết tật) của vị hiệu trưởng. Điều tôi muốn phản hồi đầu tiên là đã làm giáo dục, một nghề được tôn vinh là cao quý thì nhất thiết đừng thiếu cái “tâm” của một người thầy! Thiếu cái “tâm” nên con người, cụ thể là thầy hiệu trưởng, đã vô cảm trước nỗi đau, nỗi buồn khuyết tật của người khác.

Thay vì hỏi han, tư vấn và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em dự thi thì thầy hiệu trưởng lại tìm mọi cách trì hoãn, báo trễ ngày thi để cho em khỏi dự thi vào trường mình. Một việc làm phản giáo dục vì người làm giáo dục lại nỡ tâm từ chối vào phút chót, dập tắt mọi hi vọng của em; vốn bất hạnh nay gặp thêm điều buồn tủi.

LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG (Sóc Trăng)

THÁI HOÀNG (GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS -THPT BÁC ÁI, Q.TÂN BÌNH, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên