TT - "Người không chân" Oscar Pistorious đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ qua email trước khi anh bước vào cuộc tranh tài ở Olympic London 2012.
Oscar Pistorious được xem là VÐV đặc biệt nhất ở Olympic London 2012 vì anh sẽ thi đấu với đôi chân giả làm bằng sợi cacbon. VÐV người Nam Phi này sinh ra không có xương mác ở cả hai chân. Bác sĩ đã buộc cưa chân anh tới tận đầu gối. Với những nỗ lực phi thường, anh đã giành được quyền tham dự thế vận hội (TVH) dành cho người bình thường tại Olympic London 2012.
"Tôi may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới và thi đấu ở những nơi tuyệt vời. Một ngày nào đó tôi mong muốn được đến VN" OSCAR PISTORIOUS |
- Thông điệp của tôi là các bạn phải luôn duy trì thái độ tích cực và duy trì nỗ lực làm việc. Phương châm sống của tôi là "Không để cuộc đời bạn bị tật nguyền bởi sự tật nguyền của bạn. Và hãy đạt được những ước mơ bằng khả năng bạn có". Mỗi ngày có rất nhiều người sử dụng năng lực của mình để sinh tồn và họ đang đạt được những thành tích vĩ đại. Hãy sống với giấc mơ của mình và đừng bao giờ bỏ cuộc.
* Anh bị buộc phải cưa chân trước khi anh tập đi. Thời điểm đó anh có bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành VÐV?
- Khi còn nhỏ, tôi chơi rất nhiều môn thể thao ở trường học. Môn thể thao yêu thích của tôi là môn bóng bầu dục. Tôi thích chơi môn thể thao có tính tập thể nhưng không may tôi dính chấn thương. Sân điền kinh đã giúp tôi phục hồi chức năng. Ở đó, tôi nhận ra mình chạy rất tốt và thế là tôi tiếp tục... Bây giờ bạn đã thấy tôi chạy tốt thế nào.
* Khi còn bé, anh có mặc cảm so với những đứa trẻ bình thường khác? Có bao giờ anh bị tổn thương? Ðộng lực nào để anh vượt qua khó khăn?
- Tôi chưa bao giờ bị phân biệt đối xử ở trường học. Bạn học của tôi có thể làm những chuyện tôi không làm được, nhưng ngược lại tôi cũng có thể làm những điều mà bạn học lành lặn cơ thể không làm được. Mẹ tôi luôn cư xử giữa tôi với anh trai tôi giống nhau. Trước khi chúng tôi đến trường, bà ấy nói với anh tôi: "Con hãy mang giày vào" và nói với tôi "Con hãy gắn chân vào". Tôi luôn có động lực và tham vọng, điều đó giúp tôi rất nhiều trong tập luyện và thi đấu để tôi có thể trở thành VÐV như ngày hôm nay.
* Chúng tôi còn nhớ đến phiên tòa anh đấu tranh để giành quyền tham dự TVH dành cho người bình thường. Cuối cùng anh đã chiến thắng. Một người khuyết tật đã chiến đấu để giành quyền dự Olympic dành cho người bình thường. Ðiều này có ý nghĩa thế nào với anh?
- Ðể được chọn vào đội điền kinh Nam Phi dự Olympic London 2012 với hai nội dung chạy 400m nam và 4x400m tiếp sức nam là niềm hãnh diện lớn lao. Tôi hạnh phúc vì những năm lao động cật lực, lòng quyết tâm và sự hi sinh - tất cả đã được đền đáp. Tôi đang hướng tới hai cuộc tranh tài hấp dẫn: Olympic và Paralympic (TVH dành cho người khuyết tật) London 2012. Còn đối với phiên tòa, đó là thời điểm khó khăn. Nhưng điều quan trọng là tôi đã biết và chứng minh rằng mình không có lợi thế khi thi đấu.
* Cảm giác của anh thế nào khi biết mình có tên trong đội điền kinh Nam Phi dự Olympic London 2012?
- Tôi không nói nên lời và rớt nước mắt. Cảm giác hạnh phúc hiện tại vẫn còn trong tôi. Tôi hãnh diện vì là người Nam Phi. Khoảnh khắc thật khó quên khi bạn có cơ hội được đại diện quốc gia đi thi đấu. Lúc đó, bạn chỉ muốn cá nhân mình, những người xung quanh, các ủng hộ viên càng thêm tự hào.
* Anh có nghĩ rằng sự hiện diện của mình tại kỳ tranh tài thể thao lớn nhất thế giới sẽ thúc đẩy những người khuyết tật trên khắp thế giới nỗ lực hơn?
- Olympic và Paralympic luôn đặc biệt. Kinh nghiệm từng tham dự Paralympic cho tôi biết khoảnh khắc bạn thi đấu ở các cuộc tranh tài này sẽ in sâu vào tâm trí bạn suốt cuộc đời. Nói về cảm hứng, nếu tôi có thể truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, để chơi thể thao ở bất kỳ cấp độ nào thì tôi đã cảm thấy thỏa nguyện với tư cách là một VÐV.
* Nếu được chọn làm một người khuyết tật có những khát vọng đẹp đẽ và một người bình thường thiếu khát vọng sống và ý chí vươn lên, anh sẽ chọn thế nào?
- Tôi không nhận ra cái mình có mà người khác không có. Tôi không nhìn cuộc sống này theo kiểu mình có gì và không có gì. Tôi được những người xung quanh truyền cảm hứng. Rất nhiều người đã truyền cảm hứng cho tôi và nếu tôi có thể truyền cảm hứng cho trẻ em dù tôi có tật nguyền hay không để các bạn trẻ trở nên năng động và mạnh mẽ thì tôi sẽ cảm thấy rất vui.
* Ai là người trong gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời anh? Cha mẹ anh có khóc không khi thấy anh ngã trong lúc tập chạy?
- Cha mẹ luôn ủng hộ, động viên tôi và các con trong nhà. Nếu tôi ngã, họ bảo tôi đứng dậy và cố gắng làm lại. Tôi mang ơn cha mẹ và ông bà vì đã giúp tôi có cái nhìn tích cực về cuộc đời. Tôi khuyến khích các bậc phụ huynh dù sinh ra con khuyết tật hay lành lặn hãy để con mình tìm con đường đi, sửa chữa sai lầm, tự đứng bằng đôi chân của mình và nỗ lực làm lại.
* Sau Olympic London 2012, mọi người sẽ thấy Oscar Pistorious của ngày nào hay một Oscar Pistorious khác?
- Tôi luôn là chính mình. Tôi quyết tâm cống hiến cuộc đời cho thể thao. Tôi là một đối thủ mạnh mẽ, điều đó sẽ không bao giờ biến mất. Nó luôn tồn tại trong tôi.
* Cảm ơn anh và chúc những điều tốt đẹp nhất đến với anh.
DUY BÌNH thực hiện
Oscar Pistorious và cuộc đấu tranh dự Olympic dành cho người bình thường
Oscar Pistorious sinh ngày 22-11-1986 tại Johannesburg (Nam Phi). Năm 16 tuổi, Pistorious bị dính chấn thương đầu gối nặng khi chơi môn bóng bầu dục. Do chấn thương, Pistorious đã phải tìm đến môn điền kinh trong quá trình hồi phục chức năng.
Tại đây, anh phát hiện mình có năng khiếu chạy. Chỉ tám tháng sau khi làm quen với môn chạy, Pistorious đã giành HCV đầu tiên nội dung 200m và HCĐ 100m tại Paralympic Athens 2004. Bốn năm sau anh giành ba HCV chạy 100m, 200m và 400m loại thương tật T43/T44 tại Paralympic Bắc Kinh.
Ngày 14-1-2008, Oscar Pistorious bị Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) cấm tham dự các giải đấu dành cho người bình thường trong đó có cả Olympic Bắc Kinh 2008. Lệnh cấm này dựa theo khoản 2, điều 144 Luật IAAF về việc cấm sử dụng thiết bị kỹ thuật hỗ trợ thi đấu. Bởi theo phân tích của các nhà khoa học, Pistorious lợi thế hơn VĐV bình thường nhờ đôi chân hình chữ J bằng thép cacbon và ở mỗi bước chạy, VĐV này được trả lại nhiều hơn 25% năng lượng.
Nhưng với quyết tâm theo đuổi giấc mơ được tham dự Olympic, Pistorious đã gửi đơn kiện lên Tòa án thể thao thế giới (CAS). Tháng 5-2008, Pistorious được CAS tuyên bố thắng kiện, đồng thời cho phép anh được thi đấu tại các giải điền kinh dành cho người bình thường.
Đáng tiếc là sau đó Pistorious lại không đạt chuẩn dự Olympic Bắc Kinh 2008. Khi ấy IAAF từng muốn tặng cho Pistorious suất đặc cách để dự giải nhưng VĐV này đã từ chối với lý do muốn “giành suất tham dự nhờ năng lực bản thân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận