09/03/2019 09:56 GMT+7

Hãy 'máu lửa' theo nghĩa tích cực

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Có cần đá thô bạo để ngăn chặn đối phương hay không? Dù chơi ở vị trí "lá chắn" trước khung thành nhưng cả ba trung vệ lừng lẫy một thời của bóng đá VN Lê Khắc Chính, Đỗ Khải, Nguyễn Mạnh Cường cùng trả lời ngay: Không.

Hãy máu lửa theo nghĩa tích cực - Ảnh 1.

Thêm một lần nữa, Quế Ngọc Hải (3) lại có một cú vào bóng thô bạo ở V-League - Ảnh: ANH HOÀNG

Nói đến ba trung vệ Lê Khắc Chính (Tổng Cục Đường Sắt), Đỗ Khải (Hải Quan), Nguyễn Mạnh Cường (Thể Công), nhiều người hâm mộ vẫn bày tỏ sự mến mộ về tài năng, phong cách đĩnh đạc khi thi đấu trên sân cỏ.

Dù cùng lối chơi càn quét mạnh mẽ, cùng có sở trường tung người xoạc bóng để ngăn chận pha tấn công của tiền đạo đối phương... nhưng hiếm khi họ gây chấn thương hoặc bị cầu thủ nổi nóng dẫn đến hành vi trả đũa trên sân...

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, cả ba cựu danh thủ này cùng cho rằng kỹ năng chơi bóng họ đạt được là kết quả của sự mày mò học hỏi từ các bậc đàn anh kết hợp với sự khổ luyện riêng sau buổi tập chung với toàn đội.

Và kỹ năng thực hiện những động tác vào bóng chính xác giúp họ không gây thương tổn cho đôi chân các đồng nghiệp trong những pha đối mặt "một mất, một còn".

“Dù bảo vệ mành lưới đội nhà nhưng cũng rất cần trân trọng, bảo vệ đôi chân của đồng nghiệp, đó mới là cầu thủ chuyên nghiệp.

Cựu danh thủ LÊ KHẮC CHÍNH

* Cựu danh thủ Lê Khắc Chính: Hãy thể hiện mình bằng tính chuyên môn

Ở Giải bóng đá toàn quốc đầu tiên năm 1980, đội Tổng Cục Đường Sắt đoạt chức vô địch. Trong cả mùa giải, không biết bao lần tôi xoạc bóng, đoạt bóng trong chân đối thủ nhưng tôi chỉ bị phạt đúng một thẻ vàng do lỗi vụng về tung người đánh đầu để bóng chạm tay.

Nói tóm lại, cách chơi của chúng tôi ngày trước là chinh phục, đánh bại nhau bằng tài nghệ.

Nói thì dễ, nhưng để tung người phá bóng mà không bị trọng tài phạt lỗi 12 hay phạt thẻ là rất khó. Nó đòi hỏi người trung vệ phải chọn vị trí, chọn thời điểm chính xác bởi chỉ cần chậm một tích tắc sẽ tự gây chấn thương cho mình hoặc làm đau đối thủ.

Muốn có kỹ năng như vậy đòi hỏi cầu thủ phải hội tụ các yếu tố về sức mạnh, sức nhanh lẫn kỹ thuật hoàn hảo.

Trở lại với cú vào bóng của Quế Ngọc Hải (CLB Viettel) với Văn Kiên (CLB Hà Nội) vừa rồi, tôi cho rằng cần có cái nhìn thấu đáo hơn. Do lối chơi quá máu lửa, thiếu tính toán, cộng với một chút chậm chạp nên Hải chọn phương án xử lý gây chấn thương cho đối phương.

Trong quá khứ, Hải từng khiến Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) phải giải nghệ sớm. Cái sai ấy vẫn đeo đuổi Hải nên khi cậu ta gây lỗi với Văn Kiên thì lập tức hứng phải búa rìu dư luận.

Tranh chấp trong bóng đá, thắng - thua được phân định chỉ trong một tích tắc. Trong một cái chớp mắt đó hoặc là được khen hoặc là phải hứng chịu chỉ trích. Mặt khác, tính quyết liệt là điều không thể thiếu trong bóng đá nên đòi hỏi cầu thủ phải giữ cho được cái đầu lạnh khi thi đấu.

* Cựu danh thủ Đỗ Khải: Cần chất nghệ sĩ và nghệ thuật

Người giữ vai trò trung vệ phải biết phân định 1/3 chiều dài của sân gần cầu môn đội nhà là khu vực quan trọng để tránh gây lỗi. Ngả người phá bóng, xoạc bóng mà gây lỗi dẫn tới bị phạt trực tiếp, phạt đền và thua trận thì có ích gì?

Cầu thủ mang chủ đích đá xấu, triệt hạ đối phương nhiều khả năng sẽ bị thẻ. Một khi thẻ vàng thứ hai treo lơ lửng trước mặt sẽ kéo theo tâm lý dao động, còn đâu tỉnh táo để truy cản. Cho nên lối chơi của một cầu thủ chuyên nghiệp đòi hỏi phải có "chất" của một nghệ sĩ trên sân cỏ.

Đó cũng là cách chơi bóng "hào hoa" của cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang mà tôi từng chọn để noi theo hơn hai thập niên trước. Quyết liệt, dứt khoát nhưng ông Tam Lang luôn tạo được sự tán dương của khán giả, sự nể phục của đối phương.

Có thể nói hình ảnh đầy nỗ lực của Quế Ngọc Hải ở AFF Cup 2018 hay VCK Asian Cup 2019 đã trôi sạch trong tâm trí người hâm mộ qua hành vi vào bóng hết sức nguy hiểm với Văn Kiên.

Nói vậy bởi đó là pha bóng diễn ra trên phần sân đội Hà Nội, không có khả năng làm tung lưới Viettel thì tại sao Hải lại cố tình tung thẳng chân vào người Văn Kiên?

Chỉ có dân trong nghề mới cảm nhận hết sự may mắn của Kiên: nếu cầu thủ này đứng và có chân trụ thì chắc chắn "hình ảnh Trần Anh Khoa" sẽ tái hiện.

* Cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Cường: Hãy thi đấu thật bình tĩnh

Bóng đá là cuộc chơi đối kháng không khoan nhượng, đòi hỏi cầu thủ phải luôn thể hiện sự khát khao cống hiến, chen lẫn vào đó là tinh thần quyết đấu đầy máu lửa.

Nhưng cần phải hiểu chữ máu lửa theo ý nghĩa tích cực nhất, chỉ cần nhìn phong cách thi đấu trên sân thì khán giả thừa sức nhận ra rằng đâu là cầu thủ chơi đầy nhiệt huyết và đâu là người vin vào yếu tố máu lửa để dằn mặt, làm chấn thương đối thủ, thể hiện sự khác người của mình trước đám đông...

Tôi thật sự ngao ngán khi bắt gặp những hình ảnh bạo lực trên sân cỏ. Là người đi trước, tôi chỉ muốn nhắn nhủ: cuộc đời cầu thủ ngắn lắm và cũng nhiều người thành công trong việc chọn bóng đá là nghề nuôi sống mình, gầy dựng tương lai cho gia đình.

Vậy hãy thi đấu thật bình tĩnh trên sân cỏ để đừng buộc đồng nghiệp của mình phải đoạn tuyệt với cuộc đời đá bóng mà điển hình là chấn thương ghê rợn của Anh Khoa cách đây vài năm.

-------------------

* Mời bạn đọc theo dõi video những lần bạo lực khiến V-League rúng động trên thethao.tuoitre.vn để hiểu rõ thêm vấn nạn bạo lực ở V-League.

Ngọc Hải lại vào bóng thô bạo Ngọc Hải lại vào bóng thô bạo

TTO – Trong lần đầu tiên trở lại khoác áo tuyển quốc gia sau khoảng thời gian gần 6 tháng bị treo giò vì pha vào bóng thô bạo với Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), hậu vệ Quế Ngọc Hải lại có pha vào bóng thô bạo khó chấp nhận trong trận VN gặp Đài Loan trên sân Mỹ Đình tối 24-3.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên