01/07/2007 04:00 GMT+7

Hậu Giang: "rồng con" chuyển mình

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TTCT - Nếu ĐBSCL là vùng đất chín rồng thì Hậu Giang được ví như một con “rồng con” vì là tỉnh “đàn em” do mới chia tách từ Cần Thơ cách nay ba năm rưỡi.

iKgGz4DK.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu biển lớn nhất khu vực ĐBSCL tại Khu công nghiệp sông Hậu (Hậu Giang) của Tập đoàn Vinashin

Tỉnh Hậu Giang được chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ) vào năm 2004. Thời điểm đó, nơi đây còn “hoang”. Mọi thứ dường như không có gì đáng kể, từ hạ tầng cơ sở, giao thông, thủy lợi, chợ búa, bệnh viện... Nó chỉ là cơ sở được để lại từ thị xã Vị Thanh của tỉnh Cần Thơ (cũ).

Quốc lộ 61 là tuyến đường duy nhất nối với Hậu Giang được thông thương, tuy nhiên tuyến này vừa hẹp vừa xấu. Còn đoạn nối với Kiên Giang bị cách trở đò ngang. Có thể gọi Hậu Giang là tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng trũng của đồng bằng cũng không có gì quá đáng. Nghèo. Đó là từ gọi xác đáng nhất đối với tỉnh này lúc bấy giờ. Thiếu mọi thứ, trong khi kinh tế chính lại là nông nghiệp thì làm sao phát triển! Cái trăn trở đó cứ day dứt trong đầu các cấp lãnh đạo tỉnh. Người “nặng đầu” nhất chính là ông Nguyễn Phong Quang, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Khi được trung ương điều động từ Cần Thơ về, ông đang giữ chức chủ tịch UBND tỉnh. Có thể nói ông là người “hiểu” và “đọc” được vùng đất này khi về làm lãnh đạo tại đây.

Day dứt cái nghèo

* Khi về nhận nhiệm vụ, điều gì khiến ông quan tâm nhất?

94A6q7KE.jpgPhóng to

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang

- Ông Nguyễn Phong Quang: Đó là đời sống người dân. Hậu Giang được tách ra từ những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cần Thơ (cũ), điều kiện mọi thứ không thuận lợi. Kinh tế chủ yếu cá thể, tập trung vào nông nghiệp như lúa, trái cây, thủy sản... nhưng rất manh mún và nhỏ lẻ. Chính vì thế, đại đa số bộ phận nông dân đời sống còn nghèo, thiếu thốn. Học hành của con em cũng không bằng các huyện khác gần giáp với trung tâm Cần Thơ. Cũng vì vậy nên khi về đây, lãnh đạo địa phương cứ day dứt mãi chuyện xóa nghèo, tìm cách tạo dựng các mô hình kinh tế, hợp tác hỗ trợ người dân làm ăn. Cốt làm sao để đời sống người dân ngày một cải thiện. Kế đến là xây dựng cơ sở vật chất cho một tỉnh lỵ mới.

Ban đầu mọi thứ đều khó khăn, nguồn vốn eo hẹp nên tỉnh cho xây dựng một khu hành chính làm việc mang tính tập thể. Trụ sở các ban ngành được xây dựng tập trung một chỗ, liền kề bằng vật liệu lắp ghép để đỡ tốn kém. Khi nào tỉnh có tiền thì cho xây dựng mới, nề nếp hơn. Điều quan trọng hơn đó là đời sống cho cán bộ, công nhân viên được điều động từ Cần Thơ xuống công tác; tỉnh cho xây dựng nhiều khu nhà tập thể, hỗ trợ tiền trọ, chi phí hằng tháng cho đối tượng này yên tâm công tác và từng bước tạo chỗ ở ổn định lâu dài cho họ...

* Thuần nông là một vấn đề rất gian nan đối với tất cả những nhà lãnh đạo muốn đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Tỉnh ông đã chọn giải pháp gì trong những năm đầu ấy?

- Lúc đầu lãnh đạo cũng băn khoăn và lúng túng. Không ai nghĩ có thể “thoát” khỏi nông nghiệp một cách nhanh chóng như thế. Chính vì thế mà thời gian đầu chúng tôi đã tập trung toàn lực chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình đã được đưa ra, chọn lựa những thế mạnh sẵn có, đồng thời khuếch trương thương hiệu, tạo được thị trường trong cũng như ngoài nước. Đó là các sản phẩm lúa chất lượng cao, khóm Cầu Đúc, cá thác lác, bưởi năm roi, mía... Hiện tại các mặt hàng này là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương bên cạnh việc tăng cường nuôi trồng cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu. Song song với việc phát triển nông nghiệp theo định hướng, tỉnh cũng tìm cách giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, hướng đến phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư.

Thoát nông, hướng công

Tăng trưởng hơn 9%

Sáu tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang là 9,03%, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 1%. Thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đứng hàng thứ ba cả nước. Về sản xuất nông nghiệp cũng đạt được những thắng lợi lớn, sản lượng lương thực xuất khẩu ngày càng tăng, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, toàn tỉnh có 9.062 hộ (năm 2006 là 7.249 hộ) đạt doanh thu trên 50 triệu đồng/ha/năm. Trong số những hộ này có đến 949 mô hình đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm.

* Chỉ trong vòng nửa năm 2007, một tỉnh mới chia tách đã thu hút đầu tư lên đến hàng tỉ USD, trong khi Cần Thơ là một thành phố trung tâm của cả ĐBSCL lại thu hút chỉ được vài trăm triệu USD. Ông có thấy đó là một điều kỳ diệu?

- Lúc đầu tỉnh không nghĩ và cũng không dám nghĩ rằng sẽ phát triển công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư với nguồn vốn lớn như vậy. Đó là điều ngoài sự hình dung của mọi người. Như tôi nói, khi đang làm nông nghiệp thì tỉnh cũng chú trọng đến công nghiệp. Phương châm của chúng tôi là xác định dự án tốt, vị trí xây dựng khu công nghiệp tốt. Và từ đó đã qui hoạch được các khu công nghiệp cặp ven sông Hậu, cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh (Châu Thành A) và khu công nghiệp của thị xã Vị Thanh.

Từ đầu năm 2007 đến nay, đã có sáu công ty trong nước đến đầu tư là Vinashin (1.735 tỉ đồng), Công ty CP thủy sản Minh Phú (1.450 tỉ đồng), Camimex (Cà Mau, 400 tỉ đồng), Caseamex (Cataco, 150 tỉ đồng), Công ty Tân Tạo (300 tỉ đồng) và Công ty TNHH Nam Châu (150 tỉ đồng). Phía nước ngoài có Tập đoàn giấy Lee & Man đầu tư 1,2 tỉ USD (khoảng 19.200 tỉ đồng). Tổng số các công ty đầu tư trên địa bàn lên đến khoảng 23.385 tỉ đồng. Hiện tại, các doanh nghiệp trên đã ứng trước 114 tỉ đồng để đền bù giải tỏa. Tập đoàn giấy đã ký vùng nguyên liệu 100.000ha với tỉnh Kiên Giang để trồng tràm và với tỉnh Cà Mau 50.000ha.

* Để làm được điều đó chắc hẳn phải có “bí kíp”, thưa ông?

- Chúng tôi chỉ nắm bắt tốt cơ hội. Tất cả đều khởi nguồn từ khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lãnh đạo địa phương xác định đây chính là thời điểm tốt để thu hút, kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp. Vì thế tỉnh đã dốc toàn lực để tranh thủ kêu gọi đầu tư, tìm đối tác đáng tin cậy, uy tín, có tiềm lực mạnh.

* Nhiều người cho rằng làm được việc đó là do ông giỏi “tranh thủ” với trung ương, chứ cán bộ khung bên dưới khó có thể đảm trách được?

- Tôi thừa nhận là khi chia tách tỉnh, đội ngũ cán bộ được điều động về toàn là “hạng A2”, có nghĩa là chỉ cấp phó sở, trưởng phòng, hoặc phó phòng... Công việc ban đầu còn bỡ ngỡ, nặng nề, chưa trôi chảy. Chúng tôi phải tổ chức, sắp xếp lại bộ máy để hoạt động cho tốt. Bố trí người có tâm, có tầm vào đúng vị trí, đồng thời đưa đi đào tạo. Vì thế mà đội ngũ cán bộ hiện nay vừa có năng lực lại có thực tiễn. Việc điều động, thay đổi cán bộ cũng thường xuyên được duy trì, một năm bố trí mà làm không tốt thì phải thay người khác, bố trí lại để có thể nắm bắt thời cơ tốt hơn.

Còn khi VN mới gia nhập WTO, chúng tôi đã chỉ đạo hình thành nhóm chuyên viên sâu để đón đầu, bằng cách thành lập BQL các khu công nghiệp, chọn nhóm cán bộ có năng lực làm nhóm tư vấn giúp các nhà đầu tư nước ngòai. Nhóm này chuyên lo mọi mặt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong cũng như ngòai nước. Cấp phép cho nhanh để nhà đầu tư khỏi chờ đợi vì họ ngại nhất là chuyện này. Với nhóm này, nếu nhà đầu tư vướng chỗ nào thì họ đến gõ cửa từng sở, ngành để đốc thúc giải quyết nhanh gọn. Có lẽ vì thế mà nhà đầu tư thích đến với Hậu Giang.

* Như ông nói, đó mới chỉ là “bí kíp” nắm bắt cơ hội. Còn cách để thu hút đầu tư tốt nhất không hẳn là như thế, phải không?

- Chúng tôi xác định để thu hút đầu tư tốt nhất phải xác định vị trí khu công nghiệp, đất “sạch”, đất “phát” và chọn cán bộ có tâm, có tầm và có năng lực thật sự. Ngoài ra còn phải tính đến cơ chế thông thoáng, giấy tờ nhanh chóng. Như khu công nghiệp sông Hậu, đây là vị trí rất tốt, nằm trên thành phố Cần Thơ từ hướng hạ lưu sông Hậu. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu và cho rằng đây là vùng đất “phát”, có thể làm ăn lâu dài, hiệu quả. Tỉnh không có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng... nên phải áp dụng những cơ chế chính sách “mềm” nhưng không sai những qui định của nhà nước. Tỉnh kêu gọi nhà đâu tư đưa tiền trước để giải phóng mặt bằng, tỉnh không thu một phần phí nào hết, chỉ thu thuế. Đảm bảo đúng qui hoạch và qui định. Ngoài ra còn tuyên truyền tốt để người dân đồng lòng với chính quyền xây dựng khu công nghiệp vì lợi ích chung.

Tăng trưởng "nóng"

XmgWCRCo.jpgPhóng to
Thị xã Vị Thanh
* Thu hút đầu tư của Hậu Giang hiện nay có phải là số một ở đồng bằng sông Cửu Long và thuộc hàng “Top Teen” của cả nước?

- Tôi chưa có điều kiện so sánh. Nhưng với số vốn đầu tư như thế là quá lớn đôi với một tỉnh như Hậu Giang. Nhưng con số không chỉ dừng lại ở đấy, mới đây, Tập đòan giấy cho biết có thể mở rộng đầu tư lên đến 1,7 tỉ USD và một số doanh nghiệp khác sẽ còn tiếp tục đến đầu tư trong thời gian tới. Ngòai ra, tỉnh đang kêu gọi đầu tư nhà máy điện than. Tập đòan điện lực của Pháp đang làm phương án nghiên cứu tiền khả thi. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì vốn đầu tư sẽ là 3,2 tỉ USD, đặt tại khu công nghiệp sông Hậu.

* Vốn đầu tư lớn như vậy đối với một tỉnh nhỏ bé thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào trong những năm tới?

- Đến 2010, con số tăng trưởng GDP có thể đạt 20%/năm. Đây là một con số tăng trưởng dữ dội.

* Cầu Cần Thơ, luồng Quan Chánh Bố và cảng hoàn thành có tác dụng thế nào không với phát triển của Hậu Giang?

- Tác dụng nhiều. Các dự án sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, nhà đầu tư sẽ đến vùng đất “phát” đông hơn. Như thế qui mô khu công nghiệp sẽ được qui họach đến 3.200ha, gỉai quyết cho 10.000 lao động có việc làm.

* Ông có nghĩ việc Hậu Giang làm đang cạnh tranh với các địa phương khác?

- Chúng tôi chỉ nghĩ rằng làm sao vực dậy cho vùng đất nghèo của chúng tôi phát triển.

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên