13/10/2020 11:09 GMT+7

Hậu Giang cần xác định rõ ‘tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội’

LÊ DÂN
LÊ DÂN

TTO- Ngày 13-10, đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc với sự tham gia của 349 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 33.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Hậu Giang cần xác định rõ ‘tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội’ - Ảnh 1.

Đại biểu dự đại hội tham quan triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang - Ảnh: QUỐC TRUNG

Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương đến dự và chỉ đạo đại hội.

Báo cáo với đại hội, ông Đồng Văn Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã phát huy mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, hoàn thành và vượt 16/18 chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết Đại hội lần XIII Đảng bộ tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khá, bình quân 6,3%/năm, quy mô kinh tế tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, từng bước xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng bình quân gần 10%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò trụ cột. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người.

Hậu Giang cần xác định rõ ‘tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội’ - Ảnh 2.

Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa XIV - Ảnh: DUY KHƯƠNG

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Phạm Minh Chính lưu ý Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững lấy nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi làm căn cứ phát triển. 

Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước. 

Từ đó, cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xác định công nghiệp là động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế, trong đó phát triển công nghiệp chế biến các nông sản có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

"Phát triển nông nghiệp xanh, sạch theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng, các viện, trường, các nhà khoa học", ông Chính đồng thời lưu ý Hậu Giang cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhất là lao động ở nông thôn.

LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên