![]() |
Đền thờ đức Trần Hưng Đạo tại số 36 Võ Thị Sáu, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
"Hầu bóng" (còn gọi là “hầu Thánh” hoặc “lên đồng”) - một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được Bộ Văn hóa-Thông tin cho phép tổ chức với sự tham gia của một số đoàn từ nhiều địa phương, là một sự công nhận chính thức đối với giá trị tâm linh của loại hình nghệ thuật này.
Việc Bộ Văn hóa-Thông tin cho khôi phục và tổ chức công khai các giá đồng hầu thánh có ý nghĩa tích cực, phù hợp với xu thế xã hội hiện nay. Hiến pháp năm 1992 đã quy định: người dân có quyền tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Nhưng đã có một thời gian dài, chúng ta không phân biệt rõ giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, dù thực tế có những yếu tố mê tín "ký sinh" vào "hầu bóng" như bói quẻ, xóc thẻ... Ngày nay, các nhà quản lý văn hoá đã phân biệt rõ mê tín và tín ngưỡng, cùng với tính dân chủ trong văn hoá mở rộng, vai trò các cá thể có điều kiện xuất hiện hơn, nên đã tôn vinh đúng giá trị của "hầu bóng".
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, việc công nhận "hầu bóng" có hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Vì nhận thức là cả một quá trình. Sinh hoạt "lên đồng" của nhân dân và tín đồ khác với biểu diễn của các đoàn. Nhưng các đoàn có thể khai thác chất lượng nghệ thuật của "hầu bóng" hơn là yếu tố tâm linh, vì cùng một hiện tượng văn hoá có thể khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau, không thể hạn chế tính đa dạng của văn hoá.
Từ giá trị tâm linh...
Là một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về dân gian có từ lâu đời, nghi lễ "Hầu Thánh”, ”lên đồng" có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của các vị dưới hình thức diễn xướng có nghi lễ và hát văn... Tuy nhiên, có một thời gian dài, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, điều kiện kinh tế xã hội chưa cho phép, cho nên nó chưa trở thành một hoạt động bình thường trong đời sống lễ hội ở VN.
"Hầu bóng" bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Thực chất, nó xuất phát từ thế giới quan của người Việt cho rằng mỗi thế giới hữu hình luôn tồn tại song song với một thế giới vô hình, như câu của người Việt nói rằng: "bên âm, bên dương" chứ không phải "trên dương, dưới âm" như của đạo Phật.
Người Việt cổ cho rằng có bốn thế giới: Thế giới trên trời (ở nước nông nghiệp như ta chỉ đơn thuần coi thế giới trời là nơi trú ngụ các tác nhân gây mưa); thế giới dưới nước; thế giới rừng (nơi sinh ra, nơi quần tụ của tổ tiên ta); thế giới người. Điểm đặc biệt ở VN là các thế giới này đều do các bà mẹ (Mẫu) cai quản.
Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn và với riêng Mẫu Liễu Hạnh như một sáng tạo của nhân dân thế kỷ 16 - một thế kỷ loạn lạc luôn luôn. Đức Thánh Mẫu trở thành chỗ dựa tâm linh để "cứu khổ cứu nạn cho người dân".
... đến giá trị nghệ thuật
"Hầu bóng" là một trạng thái thăng hoa của con người do tự kỷ ám thị thánh nhập vào mình, dẫn đến chỗ vô thức, tái diễn lại những cử chỉ, động tác của vị thánh đó cùng với lời hát, tiếng đàn của cung văn.
"Hầu bóng" là một phức thể văn hoá, nó tạo ra một không gian "ảo"; do đó không thể tách rời riêng từng giá trị của làn điệu, lời ca hay động tác, mà nó là một sự tổng hoà.
Đối với “Hầu Thánh”, “Lên đồng”, yếu tố chủ đạo là nghi thức nhập hồn của các vị thần linh vào ông đồng, bà đồng. Nhưng để thể hiện nghi thức ấy, cần có môi trường cho hoạt động diễn xướng. Đấy là không gian thờ cúng trang nghiêm tại các Đền, Điện thờ... Các bàn thờ phải được trang trí rực rỡ màu sắc, với những đồ thờ cúng sang trọng. Bên cạnh đó còn có âm nhạc, hát văn, múa đồng để làm nền cho lễ nghi tín ngưỡng.
Một giá đồng thực sự là một sân khấu dân gian đặc thù, một sân khấu tâm linh, một kiểu sân khấu còn ở dạng "nguyên hợp" giữa các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng...; âm nhạc, hát văn và múa thiêng không thể tách rời nghi lễ nhập hồn. Người trình diễn và người xem như là nghệ sĩ và khán giả vậy. Sự hứng khởi của người xem tác động không nhỏ đến tâm lý người hầu bóng, tạo nên sự giao tiếp đồng cảm vừa tâm linh lại vừa mang tính nghệ thuật.
Việc nhân thần hóa và lịch sử hóa các vị Thánh Tứ phủ được phản ánh trong các bài văn chầu kể lai lịch, sự tích liên quan đến các huyền thoại truyền thuyết về cuộc đời, sự nghiệp của các vị tiên hiền... Lòng yêu nước thông qua việc tôn vinh các vị thần đã được tín ngưỡng hóa, linh thiêng hóa. Tín ngưỡng Tứ phủ thông qua đó khẳng định vị thế của mình về phía dân tộc, nhân dân, một thứ chủ nghĩa yêu nước đi vào thế giới tâm linh của con người...
Nhiều vị Thánh cũng là các nhân vật lịch sử: Quan lớn Tuần Tranh là danh tướng thời An Dương Vương; Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái; Ông Hoàng Mười là quan văn thời Lê trấn giữ vùng Nghệ An... Những vị thần Tứ phủ có cả người các dân tộc vùng cao như Chầu Thác Bờ là phụ nữ Mường; Bà chúa Xứ là phụ nữ Chăm… Điều đó đã khẳng định trong tín ngưỡng Tứ phủ xa xưa người VN đã mang tinh thần đoàn kết, bình đẳng như một nhà, không hề có phân biệt đối xử hay kỳ thị.
Hát văn hầu bóng là sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ở đây, yếu tố tín ngưỡng và văn hóa đan quyện vào nhau làm cho người dự cùng lúc đáp ứng được nhu cầu tâm linh và nhu cầu mỹ cảm thông qua hưởng thụ những giá trị văn hóa nghệ thuật của diễn xướng dân gian... Điều đó lý giải vì sao “hầu Thánh” vẫn là sinh hoạt không thể bị loại bỏ khỏi đời sống hiện đại.
* Liên hoan Diễn xướng dân gian “Hầu Thánh”: cần "gạn đục khơi trong"
Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: "Năm nay là năm đầu thực hiện "Đề án Lễ hội" đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt nhằm nâng cấp lễ hội này thành Lễ hội quốc gia. Do đó, việc tổ chức thử nghiệm “Festival Hầu Thánh” nhằm khẳng định bản sắc độc đáo của Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đồng thời, qua mẫu hình “Hầu Thánh” được tổ chức có bài bản, có hướng dẫn sẽ hạn chế những yếu tố mê tín dị đoan, hạn chế những mặt tiêu cực của nghi lễ này. Phần liên hoan “Hầu Thánh” có sự phối hợp nghiên cứu chỉ đạo của Viện Văn hóa, Bộ Văn hóa-Thông tin. Kịch bản và đạo diễn lễ hội do Viện Văn hóa đảm nhiệm".
Theo ông Minh, Lễ hội mùa Thu và những nét mới như vậy chắc chắn thu hút nhiều người quan tâm. Chính vì thế, tại Côn Sơn - Kiếp Bạc, những ngày chính hội, công tác an ninh trật tự được chú ý tăng cường để bảo đảm lễ hội lành mạnh, trang nghiêm...
Diễn xướng dân gian “Hầu Thánh” vẫn tồn tại trong dân gian và sẽ sai lầm nếu không có sự quan tâm của cơ quan chức năng. Tổ chức “Liên hoan Hầu Thánh” ở Kiếp Bạc lần này có thể nói là một Liên hoan độc đáo để bảo tồn một di sản phi vật thể; đồng thời "gạn đục khơi trong" làm cho sinh hoạt này lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận