18/05/2017 13:38 GMT+7

Hát giữa biển khơi

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Còn tàu mang số hiệu KN 290 chở hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20 rời cảng Cát Lái (TP.HCM) băng qua lớp lớp những con sóng, biển nước mênh mông tới Trường Sa.

Song ca cùng chiến sĩ trên đảo Phan Vinh - Ảnh: QUANG THẾ

Tàu chở đoàn công tác (chương trình do Quân chủng Hải quân tổ chức) neo lại cạnh đảo Đá Lớn B, trước mắt chúng tôi là một đảo chìm có những ngôi nhà vững chãi giữa biển trời bao la.

Võ Thị Thu Hạ (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói: “Rất vui khi được trò chuyện và hát cùng những người lính trẻ, mọi khoảng cách giữa đất liền và đảo xa đã không còn nữa. Khi được giao lưu và hát trên đảo mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn trong đất liền”.

Lê Trung Quý - đội trưởng đội văn nghệ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, là một trong những đại biểu đến Trường Sa lần đầu tiên - đã không giấu được xúc động khi đặt chân lên các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. “Cảm động nhất khi dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma và nhà giàn DK1” - Quý chia sẻ.

Có chung cảm xúc như Quý là sinh viên Hồ Thị Thùy Linh (21 tuổi) được đánh giá là giọng ca “ngọt” nhất trong đoàn văn nghệ lần này. Linh tâm sự: “Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường bám đảo, bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bao đời nay khiến những người trong đất liền cảm phục”.

Chiến sĩ Lương Kế Vương (công tác tại đảo Phan Vinh B) chia sẻ: “Công tác tại đảo điều kiện không tốt bằng đất liền nhưng anh em chiến sĩ vẫn luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ là bám đảo, bảo vệ chủ quyền. Sự động viên của đoàn văn nghệ của các bạn trẻ hôm nay như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi”.

Trong hành trình 10 ngày vượt sóng, đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà và giao lưu văn nghệ trên các đảo Đá Lớn A, Đá Lớn B, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Phan Vinh A, Phan Vinh B, nhà giàn DK1.

Đêm chia tay đảo Trường Sa Lớn đã để lại nhiều luyến thương đối với những người trẻ lần đầu tiên được đặt chân tới Trường Sa. Những cái ôm thật chặt rồi những lời dặn dò giữa đất liền với đảo xa. Và rồi đến giờ tàu phải rời cảng, họ đều không cầm được nước mắt khi phải chia tay chiến sĩ, cán bộ, người dân trên đảo.

Cũng như nhiều sinh viên khác sau khi trở về đất liền, Hồ Anh Thư (19 tuổi, ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói sẽ in lại các bức ảnh chụp con người, biển trời Trường Sa làm kỷ niệm. Và Trường Sa đã không còn xa trong lòng những bạn trẻ này.

Gởi tới Trường Sa...

Mây có ra Trường Sa

Gọi mưa về thủ thỉ

Mát lòng người chiến sĩ

Ngóng cơn mưa đầu mùa...

 

Sóng có ra Trường Sa

Mang lời ru đất mẹ

Mang nghĩa tình tựa bể

Tự thẳm sâu vô cùng...

 

Trường Sa hằng nhớ mong

Trường Sa hằng khát vọng

Nghe cồn cào con sóng

Dậy giữa lòng thương yêu...

 

Mây có ra ban chiều

Chở hoàng hôn đỏ thắm

Khói đốt đồng thơm ấm

Chút tình quê bên trời...

 

Gió vẫn gió muôn đời

Sóng dạt dào muôn thuở

Lắng nghe Trường Sa thở

Lắng nghe bao tâm tình.

 

Biển đắm đằm muối mặn

Biển tạc lời đinh ninh

Hồn cha ông đồng vọng

Sóng vỡ òa lung linh...

LÊ ĐỨC ĐỒNG

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên