21/03/2013 10:39 GMT+7

Harlem Shake: tập thể hơn và vô nghĩa hơn

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Không biết phải gọi Harlem Shake là trò chơi hay là điệu nhảy, nhưng sức nóng của nó đã lan tỏa nhanh chóng đến nhiều quốc gia. Nếu theo dõi điệu nhảy này trên mạng, ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy giới trẻ VN đã tham gia một cách sớm sủa không ngờ.

y04oyMwL.jpgPhóng to
Harlem Shake được giới trẻ hưởng ứng với những mức độ đáng ngạc nhiên về số lượng người và quy mô trong những buổi diễn chỉ có 30 giây - Ảnh: double3cream.com

Cơ hội cho những kẻ vô danh

Harlem Shake là một cái tên có thể làm người ta nhầm lẫn nhiều thứ. Người ta có thể kể ra điệu nhảy cùng tên này có nguyên gốc từ điệu nhảy tập thể của những người Mỹ gốc Phi, xuất hiện từ năm 1981. Harlem Shake cũng là tên một bài hát nổi tiếng vào năm 2012 của Baauer (Tuổi Trẻ ngày 11-3). Nhưng thực tế, Harlem Shake là sự tổng hợp của cả hai thứ nói trên để tạo ra một thú vui mới của giới trẻ.

Nguồn gốc được ghi nhận cho đến nay là từ việc một tay chơi blog đầy máu hài hước Filthy Frank ở Mỹ cắt ghép 35 giây nhạc từ bài hát Harlem Shake, mô phỏng điệu nhảy Harlem Shake và tải lên mạng. Ngày 2-2 năm nay, năm cậu thiếu niên ở Queensland, châu Úc gửi lên hưởng ứng một bản video cho trào lưu này với cái tên là The Sunny Coast Skate. Và bất ngờ, điều không giải thích được cũng tương tự như với Gangnam Style, khắp nơi nổ ra những cuộc vui cùng Harlem Shake đến chóng mặt. Chỉ một tháng thôi, bản video từ châu Úc đã có gần 23.500.000 người theo dõi. Google cũng ghi nhận mức tìm kiếm của cái tên này tăng vọt, đến mức hôm nay chỉ cần đánh từ khóa, người ta có thể tìm thấy đến 330.000 kết quả.

Điệu nhảy này chia làm hai phần. Với 15 giây đầu, nhịp trống dồn dập giới thiệu một thành viên khởi động (thường là che mặt với mũ bảo hiểm môtô hoặc mũ phớt) giữa một nơi chừng như không ai quan tâm, nhưng với 15-20 giây cuối thì tất cả những người đó đã cùng nhảy với những cử chỉ hài hước nhất do chính họ nghĩ ra. Trang phục thì luôn luôn là sự đối nghịch với 15 giây đầu: càng quái dị, càng chướng mắt càng vui.

Harlem Shake có cái gì đó na ná như điệu nhảy Flashmob từng vang lừng vào đầu năm 2012, bởi do các thành viên tham gia đều bí mật hẹn với nhau trước đó để cùng tạo ra sự bất ngờ và hài hước. Thoạt đầu, điệu nhảy này chỉ thu hút 4-5 người cùng tham gia, nhưng có những nơi các sinh viên đã hẹn đến cả trăm người cùng tưng bừng trong nửa phút.

Dĩ nhiên cũng có nhiều người khó chịu vì sự lạ lùng của Harlem Shake và không phải ở đâu cũng chào đón cuộc vui này. Trung tâm Quốc gia chống kiểm duyệt của Mỹ (National Centre Against Censorship) cho biết đã có hàng trăm trường hợp các sinh viên nhiều trường bị phạt đình chỉ học trong một thời gian vì đã làm nhà trường kinh hoàng với điệu nhảy này. Thậm chí có 15 hành khách trên chuyến bay của Hãng Western Australia đã bị phạt tiền do tổ chức nhảy Harlem Shake giữa chuyến bay. Nhiều người yêu mến điệu nhảy Harlem Shake nguyên bản từ năm 1981 cũng bực tức nói rằng loại nhảy nhót trùng tên làm hư kỷ niệm của họ. Thế nhưng vui mới là chuyện đáng quan tâm của giới thanh niên. Mỗi lúc điệu nhảy này càng lan nhanh đến mức đáng ngạc nhiên.

Thế giới đang ngày càng có những trò chơi mang tính tập thể nhiều hơn, thậm chí là vô nghĩa hơn như dự báo một cuộc sống hiện đại quá căng thẳng, đơn điệu cần có những hành động mang tính bùng nổ để giải tỏa. Có lẽ chính vì vậy mà từ Flashmob cho đến Gangnam Style, Harlem Shake... đều thích mang điệu nhảy này ra chốn công cộng như công viên, chỗ làm việc... Thậm chí ở Canada một cú biểu diễn Harlem Shake được mấy trăm sinh viên thực hiện ngay giảng đường khiến các giáo sư phải sững sờ.

Vũ đạo chính là sự vùng vẫy

Để mô tả về điệu nhảy này, các nhà phân tích nói rằng các phương thức nhún nhảy của Harlem Shake chịu ảnh hưởng từ chuyển động của các xác ướp. Hãy tưởng tượng như mình là một người đang bị bó chặt, và khi tham gia, vũ đạo chính là những sự vùng vẫy hoặc rung lắc theo kiểu thân thể không di chuyển được. Và chính vì lẽ đó mà người xem không thể nào nhịn cười nổi. Đặc biệt là ở năm giây cuối khi âm thanh của câu nói “Do the Harlem Shake” (nhảy Harlem Shake đi) bị kéo nhão đi và chậm dần, những người biểu diễn cũng ứng biến theo tiết tấu đó.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên