22/03/2014 23:40 GMT+7

Hấp dẫn với quyền anh ngoài trời

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Đêm 21-3, khán giả đã nêm kín võ đài quyền anh ngoài trời trước nhà tập luyện thể thao Phú Thọ (TP.HCM) để xem các trận đấu chung kết quyền anh ở Đại hội TDTT TP.HCM 2014.

Phải mất gần 20 năm, hình ảnh này mới tái hiện với người hâm mộ quyền anh TP.HCM.

Dù 19g các cuộc so găng mới bắt đầu nhưng hàng giờ trước đó, khán giả đã kéo đến nêm kín ba góc khán đài dã chiến với sức chứa hơn 800 người.

Nô nức đi xem quyền anh

Để thêm “gia vị” cho đêm chung kết, ban tổ chức còn cho biểu diễn lân - sư - rồng trước giờ khai mạc. Và khi các võ sĩ nhập cuộc, khán giả vẫn tiếp tục vào sân đông vui như trẩy hội. Khi khán đài hết chỗ, họ đứng vây quanh khán đài và leo lên ngồi ở cổng nhà thi đấu. Đó là chưa kể rất nhiều người đứng bên ngoài nhìn vào. Những tràng pháo tay của khán giả vang dội khi MC xướng tên và trích ngang sở trường của hai võ sĩ Nguyễn Thành Duy (Q.Bình Thạnh) và Lê Hoàng Đức (Q.Phú Nhuận) của trận đầu tiên tranh HCV hạng 46kg nam.

Trận chung kết 45kg nữ giữa Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Q.11) và Vũ Thị Minh Trang (Q.12) càng thú vị bởi khán giả VN ít khi được xem các võ sĩ nữ thi đấu. Chị Lâm Tuyết Nương, một khán giả, cho biết: “Đây là lần đầu tôi xem các võ sĩ nữ thi đấu. Tuy không mạnh mẽ như nam nhưng các võ sĩ nữ vẫn đánh quyết liệt. Điều này khiến khán giả rất phấn khích”.

Suốt đêm thi đấu, cổ động viên luôn cổ vũ nhiệt tình cho các võ sĩ, không thiên vị bên nào. Có chăng là họ thường dành tình cảm nhiều hơn cho những võ sĩ đang yếu thế trên võ đài. Cũng nhờ thế, các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn. Bạn Nguyễn Văn Lắm cho biết: “Tôi từng xem quyền anh tại Cúp Let’s Viet nhưng xem ngoài trời không khí khác hẳn. Với tôi, các trận đấu quyền anh ngoài trời hấp dẫn hơn các trận đấu trong nhà bởi không gian thoáng hơn và người hâm mộ cũng “sung” hơn”.

Võ đài ngoài trời xưa và nay

Võ đài ngoài trời này cũng khiến nhiều khán giả nhớ lại thời hoàng kim của quyền anh VN gần 20 năm về trước. Ông Huỳnh Hữu Chí, một khán giả lớn tuổi, cho biết: “Lần cuối tôi được xem một trận đấu quyền anh ngoài trời cách đây đã 19 năm. Ngày ấy, các trận đấu quyền anh luôn máu lửa bởi các võ sĩ thi đấu vì lò võ và tên tuổi của chính mình. Do đó, ngày ấy cuộc sống còn khó khăn nhưng khán giả luôn nghẹt sân dù ban tổ chức bán vé từ 5.000-10.000 đồng/vé”.

Ông Chí nói tiếp: “Khán giả bây giờ “hiền” và cổ vũ vô tư cho cả hai võ sĩ. Ngày xưa, chúng tôi biết tên, lý lịch, sở trường từng võ sĩ và sẵn sàng chờ đợi nhiều tháng trời để đến sân xem võ sĩ mình yêu thích thi đấu”. Ngồi xem thi đấu, cựu võ sĩ lừng danh được mệnh danh “đao phủ” của thập niên 1980 Phan Văn Mười nhớ lại: “Trước đây, khán giả xem quyền anh thường không có ghế ngồi hoặc chỉ là những chiếc ghế nhựa tạm bợ. Nhưng có bao giờ họ ngồi đâu, khi trận đấu đến cao trào thì dường như tất cả cùng đứng dậy hò hét, cổ vũ”.

Theo ký ức của ông Phan Văn Mười, võ đài quyền anh được sử dụng tại VN vào thập niên 1980 không đẹp và hiện đại như bây giờ. Sàn làm bằng ván gỗ cứng chứ không được lót mút cứng êm như hiện nay. Điều này khiến không ít võ sĩ khi ngã xuống bị choáng vì đập đầu xuống sàn. Đèn thi đấu thì mờ mờ ảo ảo và chuyện các võ sĩ đánh hăng quá làm văng trụ đèn khiến trận đấu phải tạm dừng là bình thường.

Ấn tượng nhất của sự nghiệp “đao phủ” Phan Văn Mười là lần đăng quang Giải vô địch quyền anh Đông Dương 1988 tại Campuchia. Sau khi hạ knock-out võ sĩ chủ nhà ở chung kết, hàng ngàn khán giả Campuchia vây kín võ đài. Họ ném một “cơn mưa” tiền lẻ để thưởng cho ông. Sau đó, ban tổ chức đã nhặt lại và trao cho ông, số tiền đó đổi được hai chỉ vàng.

Nhưng đó là chuyện hiếm. Ông Phan Văn Mười cho biết: “Ít võ sĩ quyền anh VN nào sống được bằng nghề. Ngày xưa, một trận đấu thường người thắng chỉ được 30.000 đồng, còn thua thì được phân nửa hoặc có khi không có gì. Do phải sống nhờ các lò võ nên các võ sĩ tập luyện rất nghiêm túc. Họ thi đấu cũng hết mình vì màu cờ sắc áo và đôi khi được khán giả thưởng thêm”.

Lần đầu tiên sau gần 20 năm mới được sống lại trong không khí thi đấu náo nhiệt, ông Phan Văn Mười nói: “TP.HCM từng có nhiều lò võ danh tiếng như Kim Kê (Q.5), Mai Thế Hòa (Q.4), Nguyễn Hữu Tiết (Q.1), Minh Thành (Q.8)... Nhưng bây giờ thì chẳng còn lò võ nào tại TP.HCM. Tôi hi vọng sự kiện này là cú hích cho phong trào quyền anh sống lại”.

[box]Nếu bán vé, BTC sẽ từ hòa vốn đến có lời

Ông Trịnh Việt Hà - chủ nhiệm nhà tập luyện thể thao Phú Thọ - cho biết: “Là đơn vị đăng cai, chúng tôi mạnh dạn đưa võ đài ra ngoài trời để đưa quyền anh đến gần hơn với người hâm mộ. Trước mắt, cần phải duy trì và phát triển các trận đấu ngoài trời để lôi kéo khán giả, giúp khán giả yêu thích các võ sĩ. Với khả năng tổ chức và trình độ võ sĩ ngang tầm quốc tế như hiện nay, nếu có bán vé, ban tổ chức sẽ từ hòa vốn đến có lời vì đam mê của khán giả rất lớn. Từ đó, việc kiếm thêm tài trợ, quảng cáo cũng không khó”.[/box]

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên