04/12/2014 10:33 GMT+7

Hào khí Đồng Nai - những khám phá thú vị

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Tập sách tuyển chọn các bài viết của cố GS Ca Văn Thỉnh vừa được gia đình thực hiện mang tên Hào khí Ðồng Nai.

Sách do NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội cấp phép - Ảnh: L.Điền

Buổi tọa đàm giới thiệu tuyển tập này sẽ được khoa văn học và ngôn ngữ Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức vào sáng 5-12.

GS Ca Văn Thỉnh quê Bến Tre, thời Pháp từng làm đốc học tỉnh Bến Tre, sau theo cách mạng, ra Bắc, từng tiếp quản thư viện của Trường Viễn Ðông bác cổ cũ, cải tạo và xây dựng thành thư viện của Ủy ban Khoa học nhà nước.

Sau ngày 30-4-1975, ông vào Nam, là viện trưởng và là một trong những người sáng lập Viện Khoa học xã hội miền Nam.

Là một trí thức Tây học, lại thông thạo Hán văn cùng với lòng yêu nước nhiệt thành, những bài viết của GS Ca Văn Thỉnh như những công trình khảo cứu, khám phá, có lúc bổ chính những khiếm khuyết của người đi trước, có chỗ gợi mở cho học giới về sau.

Trong tuyển tập này, phần lớn bài viết đều có nội dung gắn với Nam bộ, như những dòng chảy quyện trong “hào khí Ðồng Nai”.

Người đọc có thể tìm kiếm ở đây những tư liệu về nhân vật, sự kiện trong lịch sử hình thành mảnh đất phương Nam, như khảo cứu về Nguyễn Văn Thoại và công trình đào kênh Vĩnh Tế, nghiên cứu về Khổng học ở đất Ðồng Nai, tài liệu về Mạc thị gia phả với trận Rạch Gầm - Xoài Mút trong phong trào Tây Sơn, viết về Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thông…

Ðặc biệt có những khảo cứu mang tính khám phá thú vị rất cần cho học giới như bài “Ðền Ðế Thiên đối với tiền nhơn ta”.

Ðọc ông, người đời nay có thể hình dung rõ nét một nhà khảo cứu tỉ mẩn dò tìm những dính dáng của người Việt ta với kỳ quan Angkor (Ðế Thiên đế thích) của Campuchia. Vì thế giới biết đến Angkor Wat (Ðế thiên đế thích) từ sự phát hiện của Henri Mouhot (người Pháp) năm 1860, ông Ca Văn Thỉnh đặt vấn đề: Từ thế kỷ 17, tiền nhân chúng ta đã giao thiệp với người Cao Miên, có biết Ðế Thiên Ðế Thích và có biên chép vào sách vở nào không?

Trước cả người Pháp, người Việt ta có ai từng đặt chân đến chỗ Ðế Thiên Ðế Thích hay chưa? Câu trả lời cũng chính là một đề tài khảo cứu mới: Có thể đoán định Trịnh Hoài Ðức từng đặt chân đến Angkor Wat khoảng năm 1786, tức trước khi người Pháp “phát hiện”.

Nếu chịu khó tìm hiểu những di sản tri thức từ các bậc túc nho yêu nước như cố GS Ca Văn Thỉnh, học giới ngày nay có lẽ còn nhiều việc thú vị phải làm. 

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên