08/01/2010 08:00 GMT+7

Hào hùng thời "Xếp bút nghiên"

TS PHAN VĂN HOÀNG
TS PHAN VĂN HOÀNG

TT - 60 năm trước, sự kiện “đám tang trò Ơn” thắp lên ngọn lửa cho phong trào học sinh sinh viên, thổi bùng tinh thần nhiệt huyết dấn thân “xếp bút nghiên lên đàng” khi “sơn hà nguy biến”. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống HS-SV, Tuổi Trẻ mời bạn đọc trở về với những ký ức không thể quên của 60 năm trước.

Kỳ 1: Bảo Đại và “cuộc đón tiếp quái dị”

m8E1ufd9.jpgPhóng to
Quang cảnh sân Trường Pétrus Ký tháng 1-1950

Ấy là cuộc đón tiếp mà nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn dành cho quốc trưởng Bảo Đại khi ông lần đầu tiên từ Đà Lạt về tới Sài Gòn.

“Lá bài Bảo Đại”

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, người dân Nam bộ chỉ được hưởng độc lập tự do chưa tròn một tháng. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ (nay là trụ sở UBND TP.HCM), mở đầu cho công cuộc đặt lại ách thống trị nước ta.

Lúc đó người Pháp thường kháo với nhau: “Người Việt Nam nhát gan lắm. Chỉ cần tỏ ra cứng rắn và rút cây gậy ra thì chúng sẽ chạy trốn như vịt” (trích Philippe Devillers trong quyển Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952 - lịch sử VN từ 1940-1952, xuất bản ở Pháp năm 1952). Nào ngờ họ vấp phải cuộc kháng chiến kiên cường của một dân tộc đoàn kết trong truyền thống chống ngoại xâm.

Để thoát khỏi nguy cơ ngày càng lún sâu vào vũng lầy không đáy của cuộc chiến tranh hao người tốn của và vô vọng, Pháp sử dụng “lá bài Bảo Đại” (la carte Bao Dai).

Họ giả vờ trao trả “độc lập” cho Bảo Đại (lúc đó sống lưu vong ở Hong Kong), tuyên bố từ nay không còn chiến tranh tái chiếm thuộc địa nữa. Thay vào đó là cuộc chiến giữa người Việt Nam “quốc gia” do Bảo Đại cầm đầu chống lại những người Việt Nam kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pháp chọn Bảo Đại đứng đầu phe “quốc gia” vì ông ta - như nhận xét của nhà sử học người Pháp Philippe Devillers là “nhu nhược, không ý chí, dễ sai khiến”.

Ngày 1-7-1949, Bảo Đại được đưa lên làm quốc trưởng kiêm thủ tướng quốc gia Việt Nam. Đây là một nhà nước có nhiều cái “không” như Philippe Devillers nhận định: “Quốc gia Việt Nam này không phải là một nước quân chủ, cũng không phải là một nước cộng hòa, không có cơ sở nhân dân, không có quốc hội - dù chỉ là một quốc hội mang tính chất tư vấn, không có hiến pháp và trong nhiều năm không có ngân sách... Nó hoàn toàn lệ thuộc vào quân đội, cảnh sát và kho bạc của Pháp” (Theo Philippe Devillers, sách Paris - Saigon -Hanoi, xuất bản ở Pháp).

Sử gia Mỹ Jerald A. Combs kết luận: “Quốc gia Việt Nam chỉ là “chế độ thuộc địa của Pháp được ngụy trang một cách sơ sài do ông vua bù nhìn Bảo Đại đứng đầu” (theo sách Lịch sử chính sách ngoại giao Mỹ, Nhà xuất bản McGraw-Hill, năm 1997).

Đây là một âm mưu vô cùng thâm độc, một mặt “nội chiến hóa” chiến tranh, đẩy người Việt Nam vào chỗ chém giết lẫn nhau, mặt khác “quốc tế hóa” chiến tranh, đưa vấn đề Việt Nam vào quỹ đạo chiến tranh lạnh của Mỹ. Washington sẽ là chính phủ đầu tiên trên thế giới công nhận “quốc gia Việt Nam”. Viện trợ đôla và súng đạn cũng như cố vấn quân sự sẽ được gửi sang giúp Pháp - Bảo Đại chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Ấy là lý do cho một cuộc chiến tranh kéo dài và ngày càng tàn khốc.

“Nghênh giá hồi loan” thất bại

Ngày 28-4-1949, Bảo Đại trở về VN sống tại Đà Lạt. Ngay lập tức truyền đơn, khẩu hiệu chống “lá bài Bảo Đại” xuất hiện khắp nơi. Báo Tổ Quốc Trên Hết, cơ quan ngôn luận của Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn, ra số đặc biệt với 3.000 bản, vạch trần âm mưu nói trên của thực dân Pháp, đồng thời lên án Bảo Đại.

Ngày 19-5, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, một phái đoàn trí thức gồm kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo... vào dinh Norodom (nay là hội trường Thống Nhất) trao cho cao ủy Đông Dương Léon Pignon và đại tướng Georges Revers (tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, đang làm việc ở VN) bản tuyên ngôn mang chữ ký của khoảng 1.000 trí thức Nam bộ yêu cầu Pháp phải mở ngay các cuộc thương thuyết với Chính phủ VN Dân chủ cộng hòa - để sớm chấm dứt chiến tranh ở VN. Bản tuyên ngôn không đếm xỉa tới “lá bài Bảo Đại”.

Chủ nhật 13-6, từ Đà Lạt, Bảo Đại xuống Sài Gòn lần đầu tiên. Bất chấp lệnh “nghênh giá hồi loan” của nhà cầm quyền, người dân Sài Gòn - Chợ Lớn “đón tiếp” Bảo Đại bằng cách đóng cửa im ỉm, không ra đường, không họp chợ, không mở tiệm... khiến đường sá Sài Gòn vắng tanh. Người ta bảo đó là cách “biểu tình thụ động”.

Các nhà sử học phương Tây ghi nhận: “Chuyến trở lại Sài Gòn của Bảo Đại ngày 13-6 bị dân chúng tẩy chay gần như hoàn toàn” (Joseph Buttinger, tác giả sách Viet Nam: A dragon embattled, xuất bản năm 1967 ở Mỹ). “Chẳng thấy một bóng người dân đâu cả. Thật là một cuộc đón tiếp quái dị” - Bernard Fall (tác giả quyển The two Viet-Nams, xuất bản năm 1963 tại Mỹ) viết.

Bảo Đại định tới thăm hai trường trung học lớn nhất thành phố là Pétrus Ký và Gia Long để kêu gọi học sinh ủng hộ “quốc gia”, tẩy chay Việt Minh. Học sinh hai trường “chào mừng” Bảo Đại bằng việc rải truyền đơn, viết khẩu hiệu lên án kẻ phản quốc hại dân. Nữ sinh Gia Long còn khóa cổng trường, khiêng bàn ghế chặn lối ra vào... Bảo Đại phải hủy bỏ hai chuyến thăm.

Pháp - Bảo Đại phản ứng bằng cách tăng cường bắt bớ. Dược sĩ Phạm Hữu Hạnh, chủ tịch Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn, cùng các ủy viên ban chấp hành và nhiều hội viên tích cực của hội bị bắt. Sau đó hai nữ sinh và ba nam sinh cũng bị giam ở khám lớn. Đó là Kim Khánh (Trường Huỳnh Khương Ninh), Đỗ Thị Kim Chi (Trường Gia Long), Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Văn Nhiễu và Trần Văn Tự (Trường Pétrus Ký).

Học sinh gửi kiến nghị, yêu cầu trả tự do cho năm học sinh nói trên. Chính quyền Pháp - Bảo Đại không đáp ứng. Học sinh chuyển sang hình thức phản đối cao hơn: bãi khóa có thời hạn (1-2 ngày).

Ngày 24-11, nhà cầm quyền Pháp - Bảo Đại ra lệnh đóng cửa vô thời hạn trường học và khu nội trú, lùng bắt những học sinh tích cực đấu tranh.

Đảng - Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn nhận định: một mặt, phải hành động nhằm chặn đứng bàn tay khủng bố của nhà cầm quyền. Mặt khác, để địch không có cớ đàn áp phong trào, học sinh chỉ nêu hai yêu sách: một là trả tự do ngay cho các học sinh đang bị giam cầm, đảm bảo an ninh cho học sinh để không ai bị bắt bớ nữa; hai là mở cửa các trường và các khu nội trú để học sinh có chỗ ăn ở và học hành.

Ngày 24-12, hai yêu sách ôn hòa và thiết thực đó được báo Sài Gòn Mới đăng tải và nhanh chóng được phụ huynh, thầy cô giáo cũng như mọi giới đồng bào đồng tình ủng hộ.

Nhà cầm quyền vẫn không giải quyết. Đảng - Đoàn học sinh quyết định tổ chức một cuộc tập hợp trước Nha học chánh Nam Việt vào sáng thứ hai 9-1-1950.

____________________

Ấy là ngày giới trẻ Sài Gòn đối diện chất vấn gay gắt với giám đốc Nha học chánh và thủ hiến Nam Việt, ấy cũng là giờ phút họ đối diện với cả sự đàn áp để đi đến những hành động mang tính lịch sử cho ngày 9-1.

Kỳ tới: Ngày lịch sử

TS PHAN VĂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên