![]() |
David Lamb (bìa phải) trò chuyện cùng phi công Nguyễn Thành Trung (giữa) - Ảnh: T.T.D. |
Câu chuyện này đã trở thành chủ đề của tập sách viết về VN của một người theo sát cuộc chiến VN từ những năm 1968 và sau đó trở lại để viết về những ngày mới của VN năm 1997: VN bây giờ, một phóng viên trở lại. Đó là David Lamb, phóng viên tờ Los Angeles Times, người đang có mặt tại TP.HCM.
Với tôi, VN là hai mẩu ký ức
David Lamb có dáng vẻ phong trần: áo kaki hở ngực, quần jean bạc phếch, dắt sau lưng quyển sổ quăn góc. Ông đứng bập thuốc lá một cách điệu nghệ và trò chuyện rất hào hứng với anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung tại sảnh đường UBND TP.HCM. Không rõ hai người đàn ông luống tuổi này nói gì, chỉ biết cuối cùng Lamb cười rất to: "Tôi đã thấy VN trong chiến tranh và đã cảm nhận VN trong hòa bình. Và hòa bình ở VN mới tuyệt diệu làm sao...".
Người phóng viên tóc bạc này kể về những ngày đầu năm 1968, khi ông nhận được tin nhắn của biên tập viên quốc tế Hãng UPI của Mỹ yêu cầu phải đến VN trong hai tuần. Lúc ấy chàng nhà báo trẻ măng này không biết nhiều về VN, không rành văn hóa, lõm bõm lịch sử và hơi có chút lo lắng khi lên đường. "Lúc ấy tôi thật sự không thích VN. Tôi gặp rất nhiều người nhưng không có lấy một người bạn VN. Tôi đọc rất nhiều tài liệu nhưng không thuộc bất kỳ câu thơ VN nào. Tôi nghe nhiều nhạc nhưng không phải nhạc VN...".
![]() |
Tập sách VN bây giờ, một phóng viên trở lại |
Đến năm 1997, ông quay lại VN, mở văn phòng đại diện đầu tiên của tờ Los Angeles Times tại Hà Nội "vì nghĩa vụ". Nhưng chính thời khắc ấy Lamb nhận ra có một Hà Nội, một VN hoàn toàn khác với những gì ông suy nghĩ. Hơn 20 năm không đến VN, ông đã đi qua hơn 120 nước, thực hiện phóng sự về cuộc cách mạng Iran 1979, nạn đói châu Phi, nạn diệt chủng Rwanda, cuộc chiến vùng Vịnh 1991... Chừng ấy năm để ông có thể nhìn ra được giá trị của hòa bình, của hạnh phúc mà VN đang có.
Ông nhớ lại cảm giác sung sướng của một nhà báo Mỹ được người dân mời vào nhà dùng cơm. "Đó là một gia đình đã mất hai người con trong cuộc chiến với người Mỹ. Nhưng họ rất thân thiện và xem tôi như bạn...". Bốn năm làm trưởng văn phòng đại diện ở VN, Lamb vác balô đi dọc theo chiều dài đất nước và bắt đầu xem VN là quê hương của mình. "Những người dân chưa một lần bước chân vào ngân hàng, chưa nhìn thấy thang cuốn là thế nào, thậm chí chưa biết sử dụng một nhà vệ sinh hiện đại, đã dạy tôi rất nhiều. Không ở đâu có một sự nhẫn nại, sự khoan dung, lòng hiếu khách và tình đoàn kết mạnh mẽ như những người dân VN. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn cười và làm việc...". Ông cười: "Đó là gia đình chứ còn gì nữa...".
Và người hát tình ca Hà Nội
David Lamb dịch rất sát nghĩa bài thơ của nhà thơ Phan Vũ trong phần mở đầu tập sách của mình. Ông viết rất nhiều về những ngày lang thang Hà Nội, những món ăn dân dã và những câu chuyện không đầu không cuối của những cảm nhận "rất Hà Nội".
Đó còn là câu chuyện bên chén trà giữa Lamb và nhiếp ảnh gia Trọng Thanh về kỷ niệm của những ngày chụp ảnh trên rừng Trường Sơn. Lamb thể hiện lại một cách sinh động trên những bài báo của mình nỗi nhớ thành phố, nhớ nhà của một người nghệ sĩ trẻ đang sống giữa rừng chợt nhìn thấy ba cô gái đang tắm nhưng không dám giương máy lên chụp...
Đoạn kể về câu chuyện của Lamb ngồi ăn chung với anh em kỹ sư và công nhân của cây cầu mang số 11 của tuyến đường thật sự cảm động: "Họ không ngạc nhiên khi có một người Mỹ xuất hiện. Họ mời tôi vào dùng cơm. Gian lán trại đơn sơ với ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trên, không điện, không nước... Tôi hỏi có ai trong các anh từng là lính, ba cánh tay giơ lên. Tôi lại hỏi có anh nào có cha từng tham gia chiến trận thì hầu hết mọi người đều giơ cao tay...".
Chúng tôi hỏi Lamb về kế hoạch của chuyến "về quê" lần này, ông nói chắc nịch: "Tôi sẽ viết, không chỉ cho Los Angeles Times mà còn cho nhiều tờ báo khác nữa. Tôi muốn chia sẻ với thế giới cảm nhận về VN của một người Mỹ từng ở đây 30 năm trước. Vâng, tôi sẽ đi và viết vì tôi yêu VN nhiều lắm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận