08/12/2006 06:05 GMT+7

Hành trình tìm... chó

THẰNG HỀ
THẰNG HỀ

TTC - Có những người trên đời khoái ăn miếng dồi chó đến nỗi nói câu nghe... rất mất vệ sinh: “Miếng dồi chó giắt kẽ răng 3 ngày vẫn còn thơm”.

Y1J4VJlS.jpgPhóng to
Cầu Kiệu (TP.HCM): Nếu mất chó, bạn nên đến đây, nơi bạn có thể gởi gắm niềm hi vọng...

Có người ăn thịt chó, nên từ đó cũng đẻ ra những lò mổ chó (tất nhiên là lậu). Lò mổ thì nhiều mà chó thì cạn nguồn, nên mới có bọn chuyên đi bắt trộm chó, mà ta gọi là cẩu tặc. Có cẩu tặc nên mới có chuyện hành trình đi tìm... chó.

“Nhà em có một con chó. Nó tên là Luki...”, thằng con tôi mở đầu bài văn về chó như vậy, nghĩa là nó rất thương con chó. Con tôi thương chó, tất nhiên là tôi phải... nuôi chó cho nó chơi. Thế rồi có một buổi chiều buồn. Đó là khi con chó biến mất như bị bốc hơi. Thằng con tôi bỏ cơm, tối nằm khóc thút thít vì nhớ chó. Còn tôi, tôi cũng buồn, vì bây giờ mỗi tối đi nhậu về không còn ai vẫy đuôi mừng rỡ, bởi vì nó là kẻ độc nhất mừng rỡ khi tôi về nhà mỗi tối (do thỉnh thoảng tôi cũng có cho nó ăn chè!). Thế là hành trình tìm chó bắt đầu...

Trước hết, tôi chạy ra khu chợ chó ở dưới chân cầu Mống (góc ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Bến Chương Dương - TP.HCM). Đây là một khu chợ chó lộ thiên với vài con chó còi cọc, ghẻ lở, cột vào gốc cây hoặc đang nằm le lưỡi trong chuồng. Không thấy bóng dáng con chó yêu đâu, tôi liền chạy vào khu bán chó có vẻ chuyên nghiệp tại đường Lê Hồng Phong (Quận 10). Tại khu chợ chó này, chó được bày bán trong những căn hộ đàng hoàng chứ không phải lộ thiên, chịu mưa chịu nắng như khu cầu Mống.

Thứ nữa, chó ở đây thuộc dạng tương đối cao cấp với những chủng loài Bắc Kinh Fox, Chi-hua-hua,... được nuôi nấng, vỗ béo bằng thức ăn “chuyên ngành cho chó”... Đi qua, đi lại 2 - 3 vòng, chẳng thấy chó đâu đành tiu nghỉu đi về. Ngồi “tám” với thằng bạn về nỗi buồn mất chó, tôi được nó “hiến dâng” một địa chỉ khá rùng rợn là đi tìm các lò mổ chó trên khu Ngã ba Ông Tạ. Nó còn hăm: “Nếu mầy không tìm lẹ lên, biết đâu bữa nào đi ăn thịt chó, mày ăn nhằm thịt chó của mày đó!”.

Tôi liền tức tốc chạy đến khu bán thịt chó Ngã ba Ông Tạ (góc Phạm Văn Hai và Cách Mạng Tháng 8). Dọc lề đường Phạm Văn Hai là những xe đẩy, những mẹt bán thịt chó đã thui, luộc sẵn, hoặc nếu khách cần, có cả thịt chó sống mang về để khách tự chế biến. Nhìn những tảng thịt đùi bóng nhẫy, lòng tôi tự mong rằng đó không phải là thịt của con Luki nhà mình.

Thấy tôi đứng xớ rớ, một anh thanh niên mặt mày khá bặm trợn tiến lại, hỏi: “Anh mua gì?”. Tôi gãi đầu: “... Tôi mất một con chó, định lại tìm thử, nếu nó còn sống, tôi xin chuộc lại...”. Tay thanh niên nói liền: - Em sẽ dẫn anh đi vô mấy cái lò mổ ở đây. Anh cho em xin 30.000 đồng. Nếu tìm được chó thì anh cho em 1 trăm nữa. OK? Tôi đồng ý liền. Thế là anh ta dẫn tôi đi vào những đường hẻm ngõ ngách của khu lò mổ này.

Nói lò cho oai, chứ thật ra là những căn nhà nhỏ được dùng để hóa kiếp cho chó phục vụ cho người. Tôi ghé vài lò mổ, đứng nhìn những con chó có cặp mắt buồn thiu, trong những căn nhà hôi hám... bụng dạ tôi thề rằng nhất định sẽ không bao giờ ăn thịt chó nữa. Đi khoảng chừng chục cái lò, nhìn ngắm chừng vài chục con chó, nhưng chẳng thấy chú khuyển nhà mình đâu.

Tôi quay qua hỏi tay dẫn mối: - Không có con chó của tôi ở đây. Có khi nào nó bị mần chưa?

- Mới bị bắt hôm qua, chắc chưa bị mần đâu. Hay là mình ra cầu Kiệu... Anh cho thằng em xin thêm 10 ngàn nữa, em dẫn anh ra mối ở cầu Kiệu...

Cầu Kiệu là một địa danh cũng nổi tiếng như Ngã ba Ông Tạ, nhưng ở đây chỉ bán lác đác vài con chó sống như cảnh chợ chiều, nhưng những tay bắt chó lẫn chuộc chó mà không biết địa danh này thì chưa “xứng danh anh hùng...”. Anh bạn dắt mối có lẽ thuộc loại người quen mặt ở khu cầu Kiệu này, nên vừa thấy mặt anh ta, đã có người chạy lại chào hỏi. Sau khi nghe anh ta giới thiệu, một người phụ nữ hỏi tôi: “Anh cho tui biết chó anh màu gì, có điểm gì để nhận ra nó không?”.

Sau khi nghe tôi kể một số thông số và “đặc điểm nhận dạng” của nó, người phụ nữ bèn móc túi lấy ra cái điện thoại cầm tay và “Alô...” một lát. “Có phải chó anh bị chặt một khúc đuôi không?”.

Tôi mừng rỡ: “Đúng... đúng...”.

“Bây giờ nó bị bắt ở tận Quận 7 lận! Nếu anh muốn chuộc, giá là 2 triệu rưỡi. Anh đưa tiền trước cho tui, nếu mang về không đúng thì tui trả tiền lại...”.

Thấy tôi ngần ngừ, anh dắt mối bảo: “Anh yên tâm. Tụi tui đầy đủ uy tín người Tiều trong nghề chuộc chó! Anh mà không ứng trước thì không tìm lại chó được đâu!”.

Tôi nghĩ mình cũng phải liều chứ biết sao, vả lại tôi nghĩ rằng khi họ sống và đặt đường dây tìm chó ở đây thì họ không thể lừa mình được. Thế là tôi đưa cho người phụ nữ đúng số tiền chuộc. Người phụ nữ đi khoảng chừng 1 tiếng sau đó quay lại, phía sau xe là một cái bao biết... động đậy. Vừa ngừng xe, bà ta tháo bao ra.

Và thiên thần thổ địa ơi... tôi không thể nhìn ra con Luki của mình nữa, mặc dù rất là mừng. Ngay cả con chó cũng cà lết, cà lết đi về phía tôi như một con chó tàn tật, chắc là nó đã bị chích điện hay uống loại thuốc gì đó để cho quên hết... quá khứ chăng? Khỏi phải nói là biết tôi vui cỡ nào khi chở chó ra về, sau khi chi đầy đủ các khoản.

Thôi biết sao được, hi sinh cho niềm vui của con vậy. Về nhà, bạn bè tôi gọi điện thoại đến hỏi, và sau khi biết tôi đã tìm được chó, tụi nó liền nói: “Thôi đi nhậu ăn mừng đi. Ghé khu Thị Nghè làm chầu thịt chó nhé...”.

THẰNG HỀ

Tuổi Trẻ Cười số 321 (ra ngày 01-12-2006) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

THẰNG HỀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên