Mỹ gặp Đức vốn là một trong những cuộc đấu mà người hâm mộ bóng đá nữ thế giới... nhẵn mặt khi hầu như mỗi kỳ World Cup hai đội lại cùng tiến sâu vào giải. Nhưng ở lần đụng độ này vẫn có một chi tiết thú vị tạo nên điểm khác biệt so với những lần chạm trán trước đây giữa Mỹ và Đức, đó là sự chênh lệch tuổi tác.
Thật vậy, trong khi tuyển Đức là một trong những đội bóng trẻ trung nhất giải với tuổi trung bình 25,2 thì Mỹ là đội bóng già nhất giải với tuổi trung bình 29,37.
Cụ thể, trong 23 nữ cầu thủ mà HLV Jill Ellis mang đến đất Canada năm nay có đến 9 cầu thủ ngoài 30 tuổi. Trong đó có những “bà ngoại” như Hope Solo (33 tuổi), Carli Lloyd (sắp 33 tuổi), Shannon Boxx (38 tuổi), Abby Wambach (35 tuổi) và đặc biệt là hậu vệ Christie Rampone (40 tuổi), cầu thủ lớn tuổi nhất trong lịch sử World Cup nữ và người dự kỳ World Cup lần thứ 5 trong sự nghiệp cầu thủ. Vật lộn suốt mùa giải qua vì chấn thương và cũng đã lớn tuổi nên Rampone không giữ được vị trí chính thức ở kỳ World Cup này. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ lớn tuổi khác vẫn góp vai trò quan trọng trong đội tuyển Mỹ như Carli Lloyd, Abby Wambach hay Hope Solo.
Điển hình như Lloyd, cầu thủ mang băng đội trưởng thay Wambach trong trận bán kết. Tiền vệ sáng tạo này được FIFA bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận bán kết với việc ghi được một bàn thắng. Toàn giải, Lloyd chơi không thiếu một phút nào trong cả sáu trận đấu của tuyển Mỹ (tính đến trước trận chung kết) và ghi được ba bàn - hiệu suất thi đấu đáng kinh ngạc với một cầu thủ 32 tuổi.
Người đồng đội lớn hơn Lloyd một tuổi là Hope Solo cũng là nhân vật không thể thiếu trong hành trình đi đến chung kết của tuyển nữ Mỹ. Phong độ xuất sắc của thủ thành sẽ bước sang tuổi 34 vào cuối tháng 7 này giúp tuyển Mỹ chỉ để lọt lưới 1 bàn trong 6 trận. Thành công của tuyển Mỹ ở World Cup nữ 2015 thật sự là một bất ngờ bởi các đối thủ mà họ đánh bại đều có đội ngũ rất trẻ, khỏe như Trung Quốc với tuổi trung bình là 23. Nhưng rồi những “bà già gân” vẫn giành được chiến thắng.
Tuổi tác lớn còn đồng nghĩa với một gánh nặng khác mà các nữ cầu thủ tuyển Mỹ phải mang đến World Cup nữ 2015: nỗi lo của người mẹ. Rất nhiều nữ tuyển thủ Mỹ, đa số là các cầu thủ tuổi ngoài 30 kể trên, đã lập gia đình và có con. Hậu vệ Rampone từng khiến nhiều CĐV “phát sốt” khi đăng tải hình ảnh hai cô con gái nhỏ tuổi đáng yêu cổ vũ cho mẹ mình ở World Cup 2015 trên trang mạng xã hội.
Trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 5-7 (giờ Canada) tại thành phố Vancouver. Sẽ là món quà tuyệt vời cho các bà mẹ nếu đội tuyển Mỹ giành chức vô địch để trở thành đội bóng nữ đầu tiên trong lịch sử ba lần vô địch World Cup.
[box]Liệu pháp tâm lý hiệu quả của USSF
Để giúp các bà mẹ vượt qua nỗi nhớ con khi phải thi đấu xa nhà, Liên đoàn Bóng đá Mỹ (USSF) đưa ra một quyết định rất hợp tình người vào năm 1996: cho phép họ mang theo con vào ở ngay trong trại tập luyện của đội tuyển. Tất nhiên những đứa trẻ vẫn không thể ăn ngủ cùng mẹ mình, nhưng thay vào đó chúng sẽ được chăm sóc bởi các vú nuôi (thông thường là bạn thân của các nữ cầu thủ) do chính USSF tài trợ kinh phí hoàn toàn, từ đi lại cho đến ăn ở.
Shannon Boxx, bà mẹ 38 tuổi trong đội, ca ngợi quyết định này của USSF trên tờ USA Today (Mỹ): “Thật tuyệt vời khi có con gái của tôi ở đây chứng kiến tôi thi đấu. Đặc biệt là trong đội còn có 22 người mẹ khác sẵn sàng chăm sóc cho nó”. Bà mẹ hai con Rampone cho rằng không khí ấm áp gia đình ngay trong trại tập luyện này là một nguyên do giúp cô và đồng đội duy trì được phong độ dù tuổi tác đã lớn.
Không phải đội bóng nào dự World Cup nữ 2015 cũng được liên đoàn bóng đá nước mình ưu ái như tuyển Mỹ. Điển hình như tuyển Anh, gia đình của các nữ cầu thủ bị cấm đến khách sạn nơi họ ở, còn tuyển Nhật không có cầu thủ nào đã làm mẹ.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận