30/11/2009 10:47 GMT+7

Hành trình hạt gạo việt - Kỳ 4: Đánh thức ruộng đồng

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - “Năm 1988, chính sách đổi mới trả lại đất đai cho nông dân. Cả nhà tui lăn xả ra đồng làm cật lực. Anh em tui thường nói với nhau ruộng cày trở lại tay mình rồi, làm trúng thì hưởng, làm thất ráng chịu, không ỷ lại hay đổ lỗi cho ai nữa. Từ mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa năng suất có 15 giạ/công, tụi tui nâng lên làm hai vụ với năng suất hơn 20 giạ/công. Nhà dư lúa ăn, lúa bán. Cuộc sống dễ thở hơn”.

Ông Trần Văn Trợ, phó chủ tịch Hội Nông dân Hậu Giang, cười hào sảng nhớ lại thời kỳ đầu đổi mới.

dbUv3GJA.jpgPhóng to

Ngày 16-6-2006 tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Cách mạng tổ chức trưng bày cuộc sống thời bao cấp, giới thiệu các tư liệu, hiện vật trong khoảng thời gian 1975-1986. Trong ảnh: mô hình cảnh xếp hàng mua gạo. Ảnh nhỏ: sổ mua lương thực thời bao cấp

Còn ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, kể ruộng đồng địa phương như một đại công trường trong thời gian đó. Chỉ nhìn nông dân vui vẻ đổ mồ hôi và ruộng đồng được san ủi, sửa sang lại bờ thửa (đã bị phá từ hồi tập đoàn) là biết trước vụ mùa bội thu.

“Lựa chọn sinh tử”

Năm 1989, VN đã dư gạo ăn để xuất khẩu được 1.420.000 tấn với kim ngạch trên 290 triệu USD. Sản lượng lúa ở VN liên tục tăng nhanh, từ xấp xỉ 19 triệu tấn năm 1989 lên đến 31,4 triệu tấn năm 1999.

Đến giờ ông Nhị vẫn nhớ trong một đại hội nông nghiệp trước đổi mới, có vị lãnh đạo đứng lên nói: “Dù trả ruộng cho nông dân họ cũng không nhận. Nông dân muốn làm chung cho vui”. Một số người vỗ tay nhưng nhiều đại biểu ngồi lặng trân suy tư.

Từng ăn dầm nằm dề với nông dân, ông Nhị thấu nỗi niềm của họ và ruộng đồng khác hẳn lời phát biểu đó. Mười nông dân được hỏi thì mười người đều trả lời thiệt bụng muốn được tự chủ ruộng cày. Ông Nhị cũng hiểu đó là lối thoát cho tình trạng mùa màng thất bát, thiếu hụt lương thực. Giai đoạn chuẩn bị đổi mới, nhiều tập đoàn ở miền Nam chỉ còn hình thức, một số địa phương và nông dân đã lặng lẽ “xé rào” từ trước.

Ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM) hồi làm đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc VN, rồi phụ trách nông hội, cũng nhớ mãi chuyện nông dân xin ra tập đoàn. Mỗi lần ông từ Hà Nội về TP.HCM, nhiều người kéo đến tận nhà ông để xin lấy đất khỏi tập đoàn. Họ chua xót nói: “Sao tụi tui bỏ đất vào tập đoàn mà lấy ra không được?”. Một buổi tối, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu ông Mười Thơ vào phòng, nói ngay: “Anh báo cáo tình hình nông dân cho tôi nghe”.

Ông Mười Thơ trình bày rất nhiều, nhất là khó khăn về đời sống kinh tế của nông dân. Tổng bí thư trầm ngâm và nói không còn cách nào khác phải phục hồi nền kinh tế nông thôn, phải “cởi trói” cho nông dân. Một câu nói của Tổng bí thư làm ông Mười Thơ nhớ mãi: “Anh thương dân, thương nước. Anh phải đi cởi trói cho nông dân”.

Sau đó, ông Mười Thơ về một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hỏi lãnh đạo địa phương: “Anh Linh biểu cởi trói cho nông dân để phát triển sản xuất, vậy cởi trói cái gì?”. Một người trả lời: “Trói nông dân bằng giữ đất của nông dân đưa vô tập đoàn, nay họ muốn lấy đất để làm chủ sản xuất mà không được”.

Ông Mười Thơ hỏi lại: “Anh em cởi trói được không?”. “Được, nếu được chỉ đạo”. Gặp nông dân ông cũng hỏi câu này, họ sang sảng thiệt bụng: “Vỗ cả hai tay hai chân để ủng hộ luôn. Cứ trả ruộng lại để tụi tui làm, bảo đảm không chờ Nhà nước cứu đói nữa”. Ông Mười Thơ ứa nước mắt hiểu đây là “vấn đề sinh tử” của nông dân.

Niềm vui đổi mới

Trước thực tế đó, nghị quyết 10/NQ - TW (còn gọi là khoán 10) ra đời tháng 4-1988 đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới của Đại hội 6. Nó như dòng nước ngọt tưới lên đồng ruộng. Nông dân không chỉ cật lực đổ mồ hôi trên ruộng đồng mà còn hưng phấn đi mở mang đất hoang hóa. Diện tích gieo trồng lúa cả nước tăng gần 11%, lên đến xấp xỉ 6.304.000 ha chỉ trong ba năm đầu đổi mới, từ 1988-1991. Sản lượng lúa cũng nhảy vọt từ 17 triệu tấn năm 1988 lên gần 19 triệu tấn năm 1989 và xấp xỉ 19,6 triệu tấn năm 1991.

Nhớ giai đoạn ruộng đồng được đánh thức thời điểm 1988, ông Nhị có nhiều kỷ niệm với đổi mới ở An Giang. Ông Sáu Hơn, nguyên bí thư tỉnh ủy, trước đó là thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, thấu hiểu tình cảnh bức bối của nông dân. Về làm bí thư An Giang, ông Sáu Hơn tổ chức đại hội, thống nhất phải “xé rào” ngay cả trước khi có chính sách.

Giải pháp đầu tiên mà tỉnh này quyết liệt làm là giải tán các trạm kiểm soát để nông sản tự do lưu thông, phải quyết đầu ra để nông dân có động lực sản xuất. Thực tế giá lúa bán ra chợ tự do đã vọt lên cao gấp mấy lần giá chỉ định thu mua của Nhà nước trước đó. Sau đó họ thực hiện tiếp các chính sách liên quan trực tiếp đến nông dân như trả lại đất đai, máy móc sản xuất, cho vay vốn ngân hàng…

Thời điểm này việc trả đất cũng có một số lấn cấn. Chủ cũ nhận lại đất, người vô tập đoàn tay không, được giao đất của người khác để sản xuất, giờ không còn đất nên xảy ra mâu thuẫn. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khác như Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang... Chính quyền địa phương phải vận động giải quyết theo hướng thuận lợi cho cả đôi bên.

Dần dần công cuộc đổi mới nông nghiệp cũng ổn định và hiệu quả rõ rệt. Năm 1992, nông dân tỉnh An Giang sản xuất được gần 1,8 triệu tấn lúa, cao gấp ba lần năm 1976 và gấp đôi năm 1987. Ở Cần Thơ, nguyên bí thư tỉnh ủy Lư Văn Điền nhớ lại: “Năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói lời giao ước như là chỉ thị: khi nào địa phương đạt sản lượng 2 triệu tấn lúa, tôi sẽ vào ăn chén cơm mừng”.

Suốt từ năm 1976-1988 lời giao ước đó chưa thể làm được. Nhưng chỉ bốn năm sau đổi mới nó đã thành hiện thực vào năm 1992. Trước đó, cuối năm 1988, ở An Giang, Tổng bí thư Trường Chinh về thăm cũng khen nông dân được tự buôn bán nông sản của mình là “mua đúng, bán đúng”, còn địa phương thì gọi là “mua cao, bán cao”. Đó chính là nguyện vọng hàng đầu của nông dân.

Quyết định đổi mới được ban hành từ trên cao đã đem lại hứng khởi làm việc cho từng thân phận nông dân và trên mỗi luống cày, thửa ruộng. Lão nông tri điền Mười Tho ở kênh 7, huyện lúa Tân Hiệp (Kiên Giang), xúc động kể cha con ông mừng rơi nước mắt khi được Nhà nước trả lại ba mẫu ruộng mà họ đã bỏ công khai hoang từ năm 1954. Vụ lúa “đổi mới” đầu tiên năm 1989, họ lại khóc khi ăn miếng cơm vào miệng mà không còn lo dè sẻn cho bữa đói. Và đó cũng là niềm vui của hàng triệu nông dân VN.

Từ đây, đồng ruộng lại được đánh thức. Câu chuyện hạt gạo và người nông dân đã bước sang buổi bình minh mới.

------------------------------------

Từ kẻ buôn lậu gạo bị công an vây bắt, thương lái đã trở thành người hàng xáo lanh lợi gắn liền với nông dân. Chính tự do thông thương đã xuất hiện nhiều thương lái để cạnh tranh nhau và nâng giá trị hạt gạo.

Kỳ tới: Thương lái ra đồng

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những dòng sông mở vựa lúa Kỳ 2: Những vụ mùa thất bát Kỳ 3: Hạt gạo thời ngăn sông cấm chợ

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên