29/11/2009 08:38 GMT+7

Hành trình hạt gạo việt - Kỳ 3: Hạt gạo thời ngăn sông cấm chợ

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - “Bận đó, tui đang làm phó bí thư Huyện ủy Phú Tân, An Giang. Nhà thiếu thốn lương thực quá, tui phải mượn 2,5 công đất để trồng lúa cải thiện. Ban ngày bận việc cơ quan, đến đêm tui mới có thời gian rảnh để cùng vợ chống xuồng lúa về nhà. Đang đi thì nghe tiếng súng lên đạn rôm rốp. Du kích, công an quát rần rần đòi còng cổ thằng chở lúa lậu. Tui không dám nói thiệt mình là phó bí thư. Sợ đêm tối họ không tin cán bộ đi làm mà nghi mạo danh lãnh đạo thì bắn què giò. Tui phải xuống nước năn nỉ cực khổ, rồi lật mấy bao lúa thất ướt nhẹp họ mới chịu cho qua”.

Kỳ 1: Những dòng sông mở vựa lúa Kỳ 2: Những vụ mùa thất bát

f2AWjvNT.jpgPhóng to

Xếp hàng ở cửa hàng bách hóa mua một ít hàng Tết bằng tem phiếu vào những ngày cận Tết Tân Dậu 1981 ở Hà Nội - Ảnh: EVA LINDSKOG

Đến giờ ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, vẫn chưa quên kỷ niệm bị chặn bắt xuồng lúa do chính mình làm ra. Nhưng chuyện buồn của ông chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt của thời hạt gạo bị ngăn sông cấm chợ.

Hạt gạo bị trói

Ông Nhị nhớ hồi đó cũng có những vụ mùa một số địa phương, tập đoàn làm trúng lúa và không thiếu gạo. Nhưng chính tình trạng ngăn sông cấm chợ làm hạt gạo không lưu thông được đã dẫn đến thiếu đói trầm trọng. Ngay ở quê ông, những huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn lúc đó thường xuyên mất mùa vì đất phèn xấu. Ngược lại cũng có những huyện như Chợ Mới, Phú Tân vẫn bảo đảm được gạo ăn. Chỉ cách nhau con sông, dân bên này được đỏ lửa nồi cơm, dân bên kia đói rã bụng suốt mấy tháng giáp hạt.

Ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, ông Huỳnh Văn Thới, cựu trưởng ban lương thực xã Quyết Thắng, kể nông dân nghèo lách ngăn sông cấm chợ bằng cách “ăn trộm” lúa của chính mình. Họ giấu vô cây rơm để đến đêm lén vác đi bán với giá cao gấp mấy lần Nhà nước thu mua. Chính quyền địa phương cũng rành rẽ chuyện này. Tới mùa gặt, du kích kiểm tra từng chiếc ghe. Ghe nào của dân hàng xáo mua gạo lậu là họ bắt lên bờ giữ hết để mất phương tiện chuyên chở. Nông dân chạy trời cũng khó tìm được người mua. Ngay cả nông dân chở lúa của mình đến nhà máy chà gạo ăn cũng phải xin chữ ký tập đoàn trưởng, rồi trưởng ấp xác nhận. Thiếu những chữ ký này thì gạo ăn cũng là gạo lậu và sẽ bị tịch thu.

Tình trạng chặn bắt lúa gạo lưu thông gay gắt đến mức có lần ông Thới chở mấy bao lúa giống từ Phụng Hiệp về làm ruộng cũng bị bắt. Du kích đang tắm sông thấy ghe lúa liền nhảy ào lên bờ, mặc quần xà lỏn cầm súng AK đòi tịch thu. Ông nói căng đây là lúa giống, nếu bị tịch thu, không gieo sạ được, ông không thực hiện nổi nghĩa vụ thuế nông nghiệp với địa phương thì họ chịu trách nhiệm. Nhưng hai bên vẫn giằng co suốt cả ngày ghe lúa giống mới về được đến ruộng.

Tình trạng nhiều địa phương lạm quyền làm khó luôn cả người nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Ông Nhiên, ba ông Thới, đến mùa gặt lọm khọm phơi phóng, sàng sảy rồi chống ghe lúa đi đóng cho Nhà nước. Cán bộ xã liếc qua nói lúa ướt không thu. Thế là cha con họ còng lưng chống xuồng lúa về. Bất ngờ sáng sau, cán bộ xã, tập đoàn trưởng, du kích lại vác súng đến tận nhà họ đòi giao lúa. Ông Nhiên giận quá cự: “Lên tận nơi đóng không nhận. Giờ ai muốn thu thì tự vác lúa về”. Du kích xã lên đạn, đòi “còng ông già cứng đầu”.

Nhớ lại thời kỳ hạt gạo bị ngăn sông cấm chợ, nhiều người vẫn cười mếu kể lại kỷ niệm. Ông Võ Sên, doanh nghiệp xây dựng ở Long Xuyên, An Giang, nhớ mãi những lần mang 16kg gạo lên cho con ăn học ở TP.HCM mà phải chờ đợi... gõ cửa chính chủ tịch tỉnh để xin chữ ký và xác nhận: “Đồng chí Ba Sên là cán bộ, mang gạo đi cho con ăn học”. Không có “lá bùa” này, ông không cách nào qua được hàng loạt trạm gác lúc đó. Có lão nông Long An mang 10kg gạo lên TP.HCM cho con ăn thì bị chặn bắt ở trạm Tân Hương. Giận quá ông đổ bao gạo ra đường, nói: “Con lão không ăn được thì cho chim, chuột ăn!”.

Gạo chợ trời cứu đói

Chính vì lưu thông bị kiểm soát gắt gao nên hạt gạo từ đồng đến được “chợ trời” rất khó khăn và đội giá kinh khủng. Cả nông dân lẫn người phải mua gạo ăn đều khổ. Nông dân Cao Văn Hùng, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành (Trà Vinh), kể năm 1980 đang vác mía thì một chủ ghe lấm lét đến hỏi đường ra sông Cổ Chiên, tránh trạm kiểm soát qua Bến Tre.

Ông nói có năm bao gạo 20kg, nếu ông Hùng vác lọt thì trả tiền mỗi bao bằng 5kg gạo. Ông Hùng nhận lời. Du kích ấp đuổi theo bắn chỉ thiên đùng đùng. Ông Hùng cắm đầu chạy liều, đến khi giao được gạo ở bờ kênh mới thấy đau chân vì đạp nọc tre. Kỷ niệm đưa gạo ra chợ của ông Hùng là một chiếc sẹo dài ba phân ở chân và đạn AK bắn sát rạt trên đầu.

Ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM) là người có rất nhiều kỷ niệm về hạt gạo vừa thừa lại vừa “hiếm như vàng thời ngăn sông cấm chợ”. Những năm làm Thành ủy TP.HCM, rồi cán bộ ở Hội Nông dân trung ương, nhà ông hay có đồng đội cũ ghé thăm nên cũng thường thiếu gạo. Thấy ông lo, anh em len lén nói: “Xuống chợ Trần Chánh Chiếu”.

Ông bận đồ cà tàng, đi một mình xuống xem thì thấy gạo thúng liền thúng từ nhà ra đường. Ông hỏi: “Sao Sài Gòn thiếu ăn, đây nhiều gạo quá?”. Họ trả lời thiệt bụng: “Gạo đi bằng thúng mà anh. Đi xe, đi ghe lúc nào cũng thiếu gạo”. Ông ngẩn người hiểu đây là gạo lậu. Chính cấm lưu thông gạo đã dẫn đến ngay ở TP.HCM mà có nơi đầy gạo, nơi lại thiếu gạo ăn.

Ông Mười Thơ đi Thanh Hóa thấy chiếu tốt của dân không được chở đi bán, trong khi dân thiếu đói, ra chợ thấy có người ngồi lượm từng hạt gạo. Ông bảo địa phương cho dân đem chiếu và tiền vào TP.HCM mua gạo, nhiều người lo sợ đi không lọt. Ông nói: “Tôi gửi thư cho Huyện ủy Bình Chánh dự trữ gạo để bán cho dân đói miền ngoài vào mua. Nếu ai làm khó cứ nói đây là ý kiến của đại diện đoàn cứu đói trung ương. Nếu họ vẫn cản trở thì báo cho tôi biết, tôi sẽ đi đến đó...”. Ít hôm sau ông ra quốc lộ 1 đón đoàn người Thanh Hóa vô Nam mua gạo về.

Gặp ông, họ chỉ gạo chất đầy xe rồi vừa cười vừa khóc vì mừng: “Chúng tôi vô đến An Lạc, gặp chính quyền huyện nói được thư bác rồi. Họ chỉ gạo cho chúng tôi mua. Họ nói biết trách nhiệm của mình trong cứu đói, cứ chất gạo lên xe đi...”. Khoảng tuần sau hạt gạo miền Nam “xé rào” lưu thông đã góp phần làm giảm cảnh thiếu hụt lương thực ở Thanh Nghệ Tĩnh. Đó cũng là những chuyến buôn gạo xuyên Việt hiếm hoi của thời ngăn sông cấm chợ.

Nhớ lại thời kỳ hạt gạo bị phong tỏa này, ông Mười Thơ vẫn trầm ngâm nói nông dân tập đoàn đã không hết lòng đổ mồ hôi trên thửa ruộng chẳng phải của mình. Khi làm được hạt gạo, họ lại không được quyền tự do bán thành quả mồ hôi theo giá thị trường nên chẳng mấy ai cày cấy thiệt tình. Làm cật lực cho nhiều lúa để bán giá chỉ định của Nhà nước thì từ huề vốn đến lỗ. Thôi thì cứ vác cuốc làm tà tà đủ gạo ăn khỏi đói là được rồi.

Đó là nỗi niềm của hạt gạo và người nông dân trong những đêm trước đổi mới.

-------------------------------------------------------

Được trả lại ruộng, được tự chủ sản xuất, nhiều nông dân đốt đuốc làm thêm ban đêm. Họ làm trúng ăn, thất chịu, không ỷ lại hay đổ thừa ai nữa. Chỉ vài năm đầu đổi mới, đất nước từ thiếu ăn đã dư thừa gạo.

Kỳ tới:Đánh thức ruộng đồng

QUỐC VIỆT - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên