08/02/2011 23:22 GMT+7

Hành trình... "hành xác" cuối năm

LÂM TÍ BỜM (TP.HCM)
LÂM TÍ BỜM (TP.HCM)

TTC - X a quê hương... nhớ mẹ hiền, nỗi niềm này phải những ai đang là lao động nhập cư nơi các thành phố lớn mới biết thế nào là... thê hỏi thảm. Vì vậy, cứ mỗi khi năm hết Tết đến, giá nào người lao động xa xứ cũng phải bươn về quê một chuyến.

Chuyện này gần như đã thành truyền thống, nhưng không hiểu nhà tàu mần ăn cách sao, mà cứ mỗi năm khi “truyền thống” đến là y như rằng cái khúc nhạc kinh hoàng: “Hết vé ngày cao điểm Tết!” lại ngân nga y như... nhạc hiệu buổi sáng của nhà đài. Nhạc hiệu thì du dương, chớ cái khúc nhạc “hết vé” này nghe như sấm rền lỗ tai.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

PeQFpKkT.jpgPhóng to

Những năm trước nhà tàu bán vé tại ga, 1 người - 1 giấy CMND - 1 vé. Rằng hay thì thật là hay, nhưng Bờm tui tham gia xếp hàng chờ mua vé tàu mới thấy “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”, vì chưa có nơi đâu mà “thượng đế” lại bị “đao giá” (down - xuống giá) tệ hơn phường “con đỏ” như ở chỗ mua vé tàu.

Xếp hàng từ 5 giờ sáng, đoàn người nhìn từ xa cứ như bọn trẻ con chơi rồng rắn lên mây, nhích từng bước, đến khi nhìn thấy cái ô cửa nhỏ xíu của quầy vé và cô bán vé thì cũng kịp nghe: “Hết vé cho ngày..., bà con về. nghỉ, ngày mai mới bán vé cho ngày...”.

Khi cùng mọi người thất thểu ra về, Bờm tui tưởng đến mai mình lại tiếp tục cơn ác mộng: “Xếp hàng chờ hết... vé!”, nhưng không! Chỉ rời khỏi đó khoảng chừng trăm mét, thì đã gặp ngay “thiên đàng” 1 cửa 1 “giấu”... vé, hiện ra với nhạc hiệu loại khác: “Vé tàu Tết lấy không anh Hai/chị Hai/ cô Ba/bác Tám? Đảm bảo vé thiệt chăm phần chăm...”.

Và dĩ nhiên ở thiên đàng này, thượng đế đúng là Thượng Đế, nên ngoài phần được “đảm bảo chăm phần chăm”, thượng đế còn được “hưởng” mức giá đúng tầm “nhà trời”... Lạ kỳ là không biết “người của thiên đàng” này xếp hàng hồi nào, có bao nhiêu chứng minh thư mà sẵn vé cả xấp như vé số vậy?

2 năm gần đây thì nhà tàu áp dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết áp lực vé tàu Tết cho bà con mà nói túm gọn là bán vé tàu qua... “anh tẹc nét” (internet). Viễn cảnh nhà tàu “vẽ” ra trước hội đồng nhân dân đó là: Bà con chỉ ngồi nhà bấm máy, không phải xếp hàng cực khổ, vé tự động được ghi nhận đúng đối tượng... Nghe thì mê, nghĩ kỹ mới tái tê.

Người có nhu cầu mua vé tàu Tết như Bờm tui, đa phần là người lao động phổ thông, trình độ văn hóa “có chừng”, ăn lương công nhật và bằng tiền mặt. Chữ ở đâu mà ngồi gõ bàn phím mua vé, cho dù có ít chữ giắt cạp quần thì tài khoản đâu mà chuyển tiền vé cho nhà tàu?

Ngay công ty nào tử tế, cho bộ phận vi tính đăng ký vé giùm công nhân qua mạng, thì cũng không thoát khỏi “nghịch cảnh” khác: Kẹt mạng! Sập mạng! Khỏi nói cũng nhỡn tiền cái chuyện... bán vé tàu qua mạng, mà thực chất là... văng mạng, này chỉ giỏi làm giàu cho bọn đầu cơ vé có trình độ Ai-Ti (IT). Người lao động vẫn phải tiếp tục mua vé tàu với giá trên trời cho... xứng tầm... Thượng Đế.

Cái khó bao giờ cũng làm ló cái khôn. Năm rồi, sau khi gặp thất bại trong “dự ớn” mua vé tàu, Bờm tui bèn chuyển sang “dự ớn 2” nghĩa là “đu” xe đò về quê. Hic, bây giờ tỉnh táo lại, Bờm tui thực sự không tin rằng mình đang còn... thở mà ngồi... viết “tường thực” này cho Tuổi Trẻ Cười...

Sáng cận Tết, trời còn tối hù, Bờm tui đã ra Xa Cảng. Vừa nhảy từ trên xe ôm xuống chưa kịp định thần, thì cái túi xách đã bị nhiều bàn tay lông lá... à không “âu yếm” lôi đi. Bờm tui lúp xúp chạy theo cái túi với cái tay đó, sau có thêm cái miệng: “Xe này nè anh Hai... xe này của em bảo đảm đón khách ngon lành, hông bán tài, hông bán khách... đi đến nơi, về đến chốn... giá mềm...”.

An vị trên xe rồi, tỉnh hồn dòm lại Bờm tui mới hỏi anh “lông lá” lúc nãy - giờ biết là lơ xe: “Xe này về đâu anh? Tui đi...”. Lập tức nhận ngay một cái nạt: “Cha nội, cha nội về miền... phải hông? Xe nào ở Xa Cảng này cũng về miền... đó hết, có đi khắc có đến...” và “có đi khắc có đến” đó với Bờm tui là một hộp cá mòi Xì-pring-tơ 24 chỗ (Sprinter) mà chứa trên 40 người.

Cái hộp cá mòi này dường như là “hộp trung chuyển”, nên đi được khoảng 30 cây số với tốc độ mà “tàu cao tốc” phải gọi bằng đại ca thì nó ngừng ngay giữa... rừng cao su bạt ngàn. Hành khách trên xe bị mời xuống và chuyển sang một chiếc xe đò đời... “vua Bảo Đại tắm truồng”.

Số khách mới với số khách ngồi sẵn trên xe đếm sơ sơ chỉ khoảng... trăm người. Chủ xe vừa thu tiền vừa trấn an: “Xe tốt, xe tốt bà con yên tâm. Xài cái vỏ cũ, để lỡ công an có vịn cũng phạt nhẹ, chứ máy xe tui là máy xe đua đó... đảm bảo...”.

Và trên đoạn đường gần ngàn cây số sau đó, chủ xe đã chứng minh thế nào là “máy xe đua” khi liên miệng thúc hối tài xế “vượt mặt” xe khác. Bờm tui cùng hàng trăm “phụ đua” trên xe, chỉ còn biết... niệm kinh cầu an rân trời! Con nít, phụ nữ thì khỏi nói, “hò” liên tục và chắc số bao nilon tiêu thụ cũng lên đến cả ký chớ hông chơi.

Tới lúc thả hành khách xuống điểm đến, nghe chủ xe chửi tài công mà chúng tôi lạnh hết sống lưng: “Mẹ, cái thằng này, chạy gì rề rề, giờ quay đầu xe sao kịp, đã nói mày hông có bằng lái, sợ gì bấm lỗ mà hông nhấn lút ga cho tao...”.

Bờm tui thấy bài toán giao thông công cộng năm nào cũng được dư luận đưa ra cho các cấp chức năng giải đáp. Nhưng thấy phần giải... thích thì nhiều, chớ phần đáp ứng thì sao mà... ít thấy thương!

Cho nên năm nay, khi thấy... trên không bàng bạc những đám mây, lá ngoài đường không còn rụng nữa (vì cây bị chặt hết rồi) là Bờm tui lại ớn óc nghĩ đến việc “luyện công” chuẩn bị tham gia vào “chuyến hành trình vô tận vé và tàu xe Tết” lần nữa... mà không biết khi nào thì “hành trình” này sẽ... tận!

mAHbwpJd.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 421 (01-02-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

LÂM TÍ BỜM (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên