Những bồn nitơ lỏng ở nhiệt độ -126oC, nơi cư trú của hàng ngàn "em bé tuyết" - Ảnh: MERCURY NEWS
Hàng ngàn "em bé tuyết"
Kelly Burke, 45 tuổi, nói về đứa con của mình: "Nó là đứa bé xinh đẹp nhất. Nó hạnh phúc, khỏe mạnh, lí lắc và thông minh".
Cách đây hai thập kỷ, một cặp vợ chồng tại Oregon, Mỹ thực hiện thụ tinh nhân tạo và sinh ra một cặp sinh đôi. Họ còn giữ lại một phôi thai đông lạnh để phòng trường hợp muốn có thêm con. Nhưng cuối cùng, cặp đôi này tặng phôi thai đông lạnh cho Kelly Burke. Phôi thai đông lạnh đó chính là Liam Burke.
Cũng như Liam Burke, mỗi năm có khoảng 10.000 phôi thai đông lạnh – hay còn gọi là "em bé tuyết" đang chờ tìm được cha mẹ để chào đời. Trong năm 1985, cả nước Mỹ chỉ có 285 phôi thai đông lạnh. Giờ đây, trên toàn nước Mỹ có khoảng 400.000 đến 600.000 "em bé tuyết".
Sở dĩ các nhà khoa học gọi những phôi thai đông lạnh là "em bé tuyết" là vì những phôi thai 5 ngày tuổi với khoảng 150 đến 200 tế bào được giữ lạnh ở nhiệt độ -126oC trong các bồn nitơ lỏng. Ở nhiệt độ này, về lý thuyết, sự phát triển dừng hẳn. Chi phí để giữ phôi thai đông lạnh vào khoảng 400 USD/năm.
Giáo sư Deborah Wachs nói: "Không phải là phát triển, cũng không phải là thoái hóa, đơn giản là các phôi thai dừng lại với thời gian".
Hank Greely, giám đốc Trung tâm Luật và Khoa học sinh học tại Đại học Stanford, nói: "Hãy tưởng tượng 1.000 năm nữa, có người thụ thai một ‘em bé tuyết’ chỉ để coi con người vào thế kỷ 20, 21 trông như thế nào".
Về lý thuyết, "em bé tuyết" trường tồn với thời gian. Cho tới thời điểm hiện tai, "em bé tuyết" lớn tuổi nhất chào đời được ghi nhận vào tháng 12-2017.
Chào đời sau 24 năm ngủ đông
Emma trong vòng tay cha mẹ 'nuôi' Benjamin và Tina Gibson - Ảnh: SOUTHERN CHARM PORTRAITS
Ngày 25-11-2017, ngay trước lễ Tạ ơn, Emma Wren Gibson chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng thật ra, Emma đã có mặt trên trái đất vào ngày 14-10-1992 và đã sống 24 năm dưới hình hài "em bé tuyết".
Người hạ sinh Emma là Tina Gibson chỉ… 25 tuổi, lớn hơn Emma một tuổi. Tina ngạc nhiên nói: "Bạn có biết là tôi mới chỉ 25 tuổi. Phôi thai này và tôi đáng lẽ là một cặp bạn thân".
Benjamin Gibson, 33 tuổi, chồng của Tina, chia sẻ: "Emma là điều kỳ diệu ngọt ngào. Cô bé trông khỏe mạnh sau khi sống đông lạnh ngần ấy năm".
Việc Emma đến với vợ chồng Gibson cũng cực kỳ tình cờ bởi Tina và Benjamin gần như chưa bao giờ nghĩ đến việc nhận "em bé tuyết".
Khi kết hôn, Tina biết rằng Benjamin không thể có con do bị chứng xơ vữa cơ. Cả hai vui vẻ chấp nhận tình trạng này và nghĩ đến chuyện nhân con nuôi. Trong thời gian chờ nhận con nuôi chính thức, cặp đôi này nhận trông những trẻ lang thang theo định kỳ.
Một lần, trong khoảng nghỉ giữa hai lần nhận trông trẻ lang thang, vợ chồng Gibson đi du lịch. Trong khoảng thời gian này, ba của Tina gợi ý việc sinh "em bé tuyết" khi đọc thấy tin này trên báo.
"Tôi phản ứng lại kiểu như, à vậy hả ba, nhưng con không thích lắm. Tụi con đang ổn với việc trông trẻ lang thang và chờ nhận con nuôi", Tina kể lại. Nhưng trong suốt chuyến đi, ý tưởng tự mình sinh con cứ lởn vởn trong đầu Tina. Cuối cùng, Tina và Benjamin quyết định chọn phương pháp này.
Tương tự như nhận con nuôi, cặp đôi muốn sinh "em bé tuyết" phải làm đầy đủ các thủ tục pháp lý cũng như kiểm tra sức khỏe. Các nhân viên xã hội cũng đến nhà, kiểm tra tình trạng sống của vợ chồng Gibson trước khi đồng ý.
Tiếp theo là giai đoạn Tina và Benjamin chọn lựa trong số 300 phôi thai hiến tặng, tìm ra đứa bé giống họ nhất về mặt sinh học như chiều cao, cân nặng, màu tóc… Cuối cùng, Tina được cấy vào người ba phôi thai có cùng cha mẹ và cuối cùng sinh ra Emma.
Và cũng chỉ khi được cấy phôi thai vào cơ thể, Tina mới biết rằng mình đang mang thai "em bé tuyết" già nhất thế giới.
Tina nói: "Tôi không quan tâm đây có phải kỷ lục thế giới hay không. 24 năm rưỡi trước, Thượng đế biết rằng con bé sẽ là một phần của gia đình tôi và tôi ứa nước mắt sung sướng nghĩ rằng nó là một ân sủng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận