Hành vi cố ý sửa đổi dấu vân tay xuất hiện gần như cùng lúc với lịch sử nhận dạng dấu vân tay.
Bác sĩ gian tham tiếp tay bọn cướp sừng sỏ
Một buổi sáng trời mưa gió tháng 3-1934, sau khi ăn sáng trong nhà tù hạt Lake tại Crown Point (bang Indiana, Mỹ), tên cướp ngân hàng khét tiếng John Dillinger được chuyển đến hành lang mở để ra tập thể dục với các phạm nhân khác. Khi giám thị cầm chìa khóa mở cửa khu phòng giam, Dillinger ấn khẩu súng gỗ vào bụng giám thị uy hiếp rồi vượt ngục.
Đây là một trong những vụ vượt ngục táo bạo nhất lịch sử nước Mỹ theo bình luận của báo The Times of Northwest Indiana, bởi trước đó chưa ai đào thoát thành công khỏi nhà tù hạt Lake.
Dillinger nằm trong số những tên giang hồ cộm cán bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ. Tên tuổi và hình ảnh của hắn xuất hiện thường xuyên trên các báo suốt thập niên 1930. Để che giấu nhân dạng, hắn sẵn sàng chi 5.000 USD nhờ cậy bác sĩ buôn ma túy Wilhelm Loeser người gốc Đức sửa đổi khuôn mặt và các dấu vân tay.
Loeser đã cắt bỏ lớp da bên ngoài các đầu ngón tay của Dillinger, sau đó xử lý bằng axit hydrochloric rồi cạo hết các đường vân tay còn lại có thể nhìn thấy. Để chỉnh sửa khuôn mặt và làm phẳng cái cằm chẻ đặc biệt của Dillinger, Loeser lấy gân chuột túi kangaroo kéo căng da ra.
Mặc dù chỉ mới làm thử cách này nhưng Loeser tự tin sẽ thành công vì lần đầu tiên đã thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Sau ca phẫu thuật, hai bàn tay Dillinger không thể cử động bình thường nhiều ngày song rốt cuộc dấu vân tay vẫn mọc trở lại gần như nguyên vẹn.
Phần giữa dấu vân tay tuy bị mờ nhưng vẫn có thể nhận ra các đường vân. Cuối cùng, ca phẫu thuật chẳng giúp được gì cho Dillinger. Hắn bị các đặc vụ FBI bắn chết ở Chicago vào ngày 22-7-1934.
Bác sĩ Joseph Moran chuyên hành nghề khâu vết thương, mổ lấy đầu đạn và xóa dấu vân tay cho bọn giang hồ. Năm 1933, hai tên cướp Fred Barker và Alvin Karpis cầm đầu băng Barker-Karpis tìm đến Moran. Tay nghề bác sĩ này ngon lành đến mức dù đường vân tay của Karpis còn thấy lờ mờ nhưng hàng chục năm sau Karpis vẫn gặp khó khăn trong lúc xin hộ chiếu khi muốn trở về thăm quê hương Canada.
Bác sĩ Moran không nhận ra mình đang chơi với quỷ. Hắn cứ tưởng đã nắm thóp mấy tên trùm xã hội đen nên đi "nổ" tùm lum mình biết rành rẽ chuyện làm ăn của băng Barker-Karpis. Một ngày tháng 9-1935, xác Moran dạt vào bờ biển Crystal Beach ở Ontario (Canada). Thi thể không có bất kỳ dấu vân tay nào vì... tay và chân đều bị chặt.
Hoạt động buôn lậu bùng nổ trong thời kỳ cấm rượu ở Mỹ vào những năm 1930, do đó bọn cướp có máu mặt sẵn sàng thay đổi khuôn mặt hoặc xóa dấu vân tay để dễ dàng làm ăn. Theo trang The Mob Museum của Bảo tàng quốc gia về tội phạm có tổ chức và thực thi pháp luật (Mỹ), xu hướng phổ biến vào thời đó là cắt, chà nhám, đốt, châm thuốc lá vào các đầu ngón tay hay nhúng vào axit.
Tên cướp ngân hàng Gus Winkler giết người như ngóe thường làm ăn chung với trùm mafia Al Capone. Năm 1933, hắn đã khá thành công khi cố xóa dấu vân tay bằng cách rạch lên đường vân. Dù dấu vân tay vẫn còn nhìn thấy nhưng một dấu vân tay đã đổi thành hình vòng lặp thay vì vòng xoáy.
Đủ kiểu làm biến dạng dấu vân tay
Chuyện sửa đổi dấu vân tay nhằm che giấu danh tính vẫn tiếp tục đến ngày nay. Theo trang web của Đại học quốc gia Michigan (Mỹ), vào năm 1995, một người đàn ông khai tên Alexander Guzman đã bị bắt ở Florida vì sử dụng hộ chiếu giả. Kết quả điều tra phát hiện hắn có dấu vân tay giả.
Sau hai tuần khôi phục lại chỉ bản dấu vân tay bị hư hỏng theo cách thủ công và tra cứu cơ sở dữ liệu của FBI, cơ quan điều tra kết luận dấu vân tay đó của tên buôn ma túy Jose Izquierdo đang đào tẩu. Cách sửa dấu vân tay của hắn gồm ba bước: tạo vết cắt hình chữ Z trên đầu ngón tay, bóc da ra và áp hai mảng da hình tam giác vào rồi may lại.
FBI ghi nhận hiện tượng sửa đổi dấu vân tay rộ lên trong những năm 2010 chủ yếu nhằm mục đích nhập cư lậu hoặc buôn ma túy. Tháng 2-2008, bác sĩ Jose Covarrubias đã bị tòa kết án 18 tháng tù. Covarrubias là công dân Mỹ cư trú tại thị trấn Nogales (bang Arizona), giáp giới Mexico, nhưng hành nghề tại Mexico.
Y đã phẫu thuật lấy da lòng bàn chân thay vào dấu vân tay của tên buôn ma túy Marc George người Jamaica với tiền công 20.000 USD. Marc George bị bắt vào tháng 9-2005, tại cửa khẩu Nogales. Do hắn băng bó và đi khập khiễng nên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chú ý. Sau khi bị tóm, Covarrubias đã thỏa thuận hợp tác điều tra đường dây ma túy ở Harrisburg.
Theo trang web FBI Law Enforcement Bulletin, kết quả khảo sát của FBI vào năm 2014 ghi nhận những người cố ý sửa đổi dấu vân tay bị bắt có liên quan đến ma túy, nhập cư bất hợp pháp, trộm cắp và tội phạm bạo lực. Hầu hết có nhiều tiền án và nhiều lần chạm trán với các cơ quan thực thi pháp luật.
Những hình thức sửa đổi dấu vân tay phổ biến lần lượt là cắt hoặc lát mỏng theo chiều dọc, cắt hình chữ Z và đốt. Vết cắt hoặc vết lát dọc để lại sẹo làm biến dạng dấu vân tay. Trong một số trường hợp, phần da gần vết cắt được kéo căng ra theo nhiều hướng nhằm tạo dấu vân tay khác thường. Vết cắt kiểu chữ Z hoặc sử dụng nguồn nhiệt và hóa chất để đốt đầu ngón tay nhằm tạo sẹo, làm biến dạng hoặc xóa dấu vân tay tự nhiên.
Một số người phạm tội còn dùng nhiều chiêu quái đản hơn. Năm 2007 ở Mỹ, một người đàn ông bị giam giữ về tội trộm xe hơi đã cố chặt các đầu ngón tay để tránh bị nhận dạng. Năm 2015, một người đàn ông ở Florida đã nhai các dấu vân tay trong lúc ngồi sau xe tuần tra cảnh sát. Có người đã cắn nát đầu ngón tay hoặc dùng giấy nhám loại bỏ đường vân tay...
Tuy nhiên, hầu hết các tên tội phạm dù rất tinh quái này đều không thoát được lưới pháp luật.
Ghép da mới vào đầu ngón tay
Cuối tháng 1-2019, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ một tên buôn ma túy có bốn lệnh bắt giữ ở thành phố Getafe. Tên này đã sử dụng giấy tờ giả dưới danh nghĩa công dân Peru và Croatia để đi đây đi đó, đồng thời sửa dấu vân tay để tránh tầm nã suốt 15 năm.
Sau khi cắt và đốt các đầu ngón tay, hắn đã dùng các mảnh ghép da cực nhỏ ghép vào đầu ngón tay để thay đổi hình dạng đường vân tay và che giấu sẹo. Cảnh sát nhận định đây là thủ đoạn rất tinh vi cần có chuyên môn và thực hiện nhiều năm mới đạt được mục đích.
--------------------------
Chỉ vì các giám định viên xác định sai dấu vân tay, sự nghiệp của nữ cảnh sát Shirley McKie sụp đổ. Vụ án McKie đặt ra nghi vấn về "tính không thể sai lầm" của dấu vân tay.
Kỳ tới: Dấu vân tay có thể nói dối?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận