10/12/2013 02:25 GMT+7

Hành trang quý giá

TRẦN THỊ KIM ANH (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
TRẦN THỊ KIM ANH (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TT - Tôi còn nhớ như in những tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Hường - giáo viên ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM).

Theo chương trình, đáng ra cô sẽ dành hết hai tiết ngày thứ bảy để tổ chức các hoạt động như trong kế hoạch nhà trường phân bổ.

Nhưng hơn ai hết cô hiểu hơn 40 người con của mình đang ngồi bên dưới thiếu gì và cần gì nên thay vì chỉ sinh hoạt suông, giảng lý thuyết cho học sinh nghe, cô lại tổ chức các hoạt động nhóm để giữa cô trò và bạn bè có sự tương tác cũng như tăng khả năng suy luận, phản biện cho học sinh.

Và điều ở cô làm tôi ấn tượng nhất chính là trong chiếc cặp đen của cô ngoài giáo trình, sách giáo khoa lúc nào cũng có chiếc bìa hồ sơ đựng những bài báo mà cô đã chọn lọc rất kỹ rồi cắt ra... để dành đọc cho học trò nghe.

Có lần sinh hoạt đến chủ đề “Nghề nghiệp”, cô đọc cho cả lớp nghe một bài báo nói về tình trạng thừa thầy thiếu thợ rồi cô hỏi cả lớp: “Theo các em, lao động trí óc quan trọng hơn hay lao động tay chân quan trọng hơn?”. Sau khi thảo luận nhóm, nhiều bạn đã thống nhất với ý kiến: “Nghề nào cũng quan trọng và đáng trân trọng cả. VN là nước đang phát triển nên chúng em nghĩ còn nhiều lĩnh vực chưa thể đưa các thiết bị máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lao động tay chân đóng góp công sức không nhỏ để vận hành sản xuất. Song song đó, những người lao động trí óc sẽ dùng tri thức mình có được để có những sáng kiến, phát minh đẩy mạnh sản xuất, tạo ra năng suất hiệu quả hơn”. Khi nghe câu trả lời của học trò, cô rất xúc động nói: “Cô rất cảm ơn những suy nghĩ chín chắn của các em. Và cô hi vọng các học trò của cô sau này dù là người có địa vị trong xã hội hay là những con người lao động bình dị cũng luôn biết quý trọng nghề của mình”.

Trong một lần sinh hoạt khác, cô đọc cho cả lớp nghe tâm sự của một cô gái bị mẹ đọc trộm nhật ký và tâm sự của những bạn bất đồng quan điểm với ba mẹ trong việc định hướng ngành học tương lai. Rồi cô cho học trò suy nghĩ, nhận xét và giả định mình là nhân vật trong thư để đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý. Có lẽ vì những chủ đề cô chia sẻ quá gần gũi nên lúc nào lớp cũng sôi nổi phát biểu, chia sẻ ý kiến cá nhân. Cô luôn lắng nghe tiếng nói của từng bạn, phân tích đúng sai và hơn hết cô luôn dạy cho học sinh hiểu rằng: “Dù ba mẹ có làm gì đi chăng nữa cũng xuất phát từ tình yêu thương con. Thế nên, dù giận ba mẹ, dù suy nghĩ của hai thế hệ khác nhau không thể tìm được tiếng nói chung nhưng các em không được giận hay bốc đồng, nổi loạn để ba mẹ buồn lòng mà hãy xin ba mẹ dành thời gian lắng nghe con. Cô tin rằng ba mẹ sẽ hiểu và dành thời gian để nghe tâm tư nguyện vọng các em hơn”.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những tiết học thú vị nhưng đầy tính nhân văn mà cô đã mang đến cho lớp. Chính vì năm lớp 10 - năm đầu tiên của khối THPT - chúng tôi được học cô nên cả lớp chúng tôi rất đoàn kết, luôn nhận được lời khen từ các thầy cô giáo khác.

Những giờ hoạt động như thế không chỉ là một phần ký ức đẹp đẽ thời học sinh của tôi nói riêng và các bạn cùng lớp nói chung mà còn là hành trang quý giá để chúng tôi mang vào đời. Tôi hi vọng hình thức sinh hoạt này sẽ được nhân rộng hơn nữa để ngoài những bài học trong sách vở, học sinh biết nặng lòng với cuộc sống, biết quan tâm và sống đẹp hơn.

TRẦN THỊ KIM ANH (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên