21/03/2005 20:56 GMT+7

Hàng vạn người dự lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2005

Nhóm PV Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng
Nhóm PV Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng

TTO - Sáng 21-3, dọc hai bên triền sông Thu Bồn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) hàng vạn cư dân, du khách từ khắp nơi đổ về tham dự lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn.

gAz1oFF8.jpgPhóng to
Lễ rước nước Bà Thu Bồn bên sông Thu Bồn - Ảnh: V.Hùng

Sông Thu Bồn và lễ hội của ấm no

Đây là lễ hội đầu tiên mở màn cho một chương trình lễ hội hoành tráng và đặc sắc của “Quảng Nam- Hành trình Di sản” lần 2.

Ông Nguyễn Mười – Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội huyện Duy Xuyên cho biết : “Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 12-2 âm lịch, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX. Càng ngày lễ hội này có sức lan toả lớn, thu hút hàng vạn cư dân đến tham dự lễ, hội trong một không khí tâm linh, với hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong mùa thu hoạch mới”.

jcIFpFmj.jpgPhóng to
Hoa quả, trầu cau là những sản vật mà người dân làng Thu Bồn tế bà trong lễ tế nước - Ảnh: Đ.Nam
Dọc trên bãi bồi bát ngát phù sa của dòng sông đoạn qua làng Thu Bồn Đông, từng đoàn người náo nức kéo nhau đi hội trải dài hơn một km. Theo thông báo của BTC đã có khoảng 7.000 du khách trong, ngoài nước và cư dân địa phương tham dự các hoạt động của lễ hội.

Hơn 300 cư dân địa phương nối hàng dài thành những đội rước cờ, đội kèn, đội trống, đội kiệu, đội quạt, đội múa, các mâm quả... trong lễ rước nước càng làm cho không gian của làng quê yên ả như bừng lên một sức sống mới . Những âm thanh từ trống, từ chiêng, từ những điệu hò, những câu dân ca nối tiếp nhau dọc bờ sông Thu Bồn đã tạo nên một thứ âm thanh đầy sắc màu của sự thanh bình, no ấm.

3DmUlpcs.jpgPhóng to
Hàng vạn du khách đã đổ về đình làng nơi thờ bà Thu Bồn sáng 21-3 - Ảnh: V.Hùng
Tiếp đến là phần nghi lễ tế Bà và lễ rước nước về đền. Đền thờ Bà Thu Bồn nằm sâu trong những ruộng vườn với bát ngát của một màu xanh ngô, lúa. Tại đây những giọt nước mát lành của dòng Thu sẽ được rước về và tưới lên ruộng đồng với một ước nguyện năm mới đất trời sẽ thuận hòa. Trong tiếng trống, tiếng chiêng linh thiêng hướng về cội nguồn, những người con của vùng sông nước Thu Bồn ấy lại cầu mong cho mùa màng năm sau bội thu hơn năm trước. Có được cái phúc ấy chính là nhờ một phần lộc của Bà Thu Bồn mang lại.

Anh Hồ Dậy – Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết “Lễ bà Thu Bồn có từ xa xưa, nhưng rồi qua chiến tranh loạn lạc, nhiều tục, lễ hội của quê hương bị lãng quên trong đó có một phần hội của lễ Bà Thu Bồn. Năm nay, người dân làng Thu Bồn quyết xây dựng lại các phần lễ và hội, một phần là tưởng nhớ và ghi công Bà Thu Bồn đã gieo phúc cho làng, phần là để cho du khách gần xa biết rõ hơn lễ hội vốn rất dân dã nhưng đầy truyền thống của người Duy Xuyên.

qbq0bJfc.jpgPhóng to
"Lễ hội thì năm nào cũng diễn ra nhưng năm nay hoành tráng hơn, trang nghiêm hơn", ông Trần Quang (cầm dù đen) ở thôn 2, xã Duy Tân, Duy Xuyên nhận xét
Ngoài các phần lễ mang đậm chất tâm linh như lễ rước nước, lễ tế trâu sống, hát tuồng thì phần hội tưng bừng với hội đua thuyền Lệ Bà (nam - nữ), hội thả hoa đăng và đốt lửa thiêng ngay trên bãi bồi của dòng Thu Bồn. Hơn 10 vạn dân vùng sông nước này luôn kỳ vọng ở lễ hội bà Thu Bồn những ước nguyện tốt đẹp, an bình nhất cho cuộc sống của họ đó là cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Hội An rộn ràng đón khách

Trong khi đó, tại phố cổ Hội An đã có hơn 3.000 du khách đến và cùng tham dự các hoạt động trong Đêm phố cổ và khai mạc chợ phiên quốc tế, chợ quê Quảng Nam tại bãi bồi An Hội . Anh Trương Duy Trí, hướng dẫn viên du lịch của Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An đang đưa một gia đình du khách đi quanh phố vui vẻ thông báo: Lễ hội bước đầu thu hút khá đông du khách. Cả văn phòng chúng tôi hôm nay đều tất bật.

PkyuE04f.jpgPhóng toXZJDg35k.jpg
Rất nhiều đoàn du khách nước ngoài đã đổ về Hội An trong dịp Lễ hội - Ảnh: Đăng Nam, Hoàng Duy

Đoàn Đại học Cần Thơ “đổ bộ” vào đầu tiên với 140 sinh viên trẻ trung, náo động. Đoàn Công ty Cao su Vũng Tàu 25 người. Đoàn bóng đá Bình Dương 10 người. Anh Cư, một thành viên của Nghiệp đoàn xích lô Hội An cũng rạng rỡ nét cười cho biết: Sáng nay, chúng em đưa hơn 40 khách nước ngoài tham quan Phố cổ bằng xích lô. Buổi chiều có một đoàn Pháp gần 50 khách nữa. Ông Kitby Gendel - du khách đến từ Melbourne (Úc) cười vui : “Ôi, không khí lễ hội của các bạn thật tuyệt. Đi khắp phố tôi đều thấy được cảnh tấp nập, vui vẻ. Ai cũng thân thiện, đáng mến. Chuyến du lịch của chúng tôi quả là thích thú”.

Anh Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao Hội An cho biết: Trọng tâm của những điểm mới ở Lễ hội diễn ra tại Hội An lần này sẽ là chương trình biểu diễn thuyền buồm tại Cù lao Chàm ( ngày 25 và 26-3 ) sau đó là cuộc diễu hành trước bến Bạch Đằng và sông Thanh Hà để phục vụ du khách. 9 đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các vùng miền cả nước với 9 loại hình văn hoá văn nghệ đặc trưng sẽ là điểm mới khác mà du khách đang mong đợi.

Hiện đã có 2 đoàn là nghệ thuật dân gian Trung Quốc và Flamenco Tây Ban Nha đăng ký tham gia. Và Đêm Hội An - Ký ức thời gian do gần 100 người mẫu thể hiện 300 bộ trang phục truyền thống của cư dân phố xưa trên đường phố, trong các ngôi nhà cổ dọc tuyến đường Trần Phú ( từ Vườn hoa 138 đến Chùa Cầu) chắc chắn sẽ đem lại cho người xem những điều bất ngờ.

Truyền thuyết về Bà Thu Bồn:

Chuyện kể rằng: ngày xưa có ông phú hộ sinh được một người con gái. Khi mới lọt lòng mẹ, cô đã có một mái tóc dài ngang lưng và hai hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa. Tiếng lành đồn xa khiến nhiều người đã dồn về xem và mơ ước sau này cũng sẽ sinh hạ được một mụn con như vậy. Năm lên 5 tuổi, cô gái ấy đã biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc.

Các con bệnh nan y hiểm nghèo tìm đến đều được cô chữa trị, chóng lành lại không tốn tiền. Đến 50 tuổi, Bà được phong “Đức bà hằng cứu thế, Một ngày kia,Bà cho biết : Đến trung tuần tháng 2 là Bà sẽ đi nơi khác. Sáng hôm sau bà ngồi kiết già trước nhà mà di ngôn lại.

Bà nhập bồng lai đúng giờ Ngọ ngày 12.2 âm lịch. Theo di ngôn của Bà dân làng không dùng vải để liệm mà dùng hoa lá cây thiên nhiên quấn quanh người Bà. Đêm ấy người làng Thu Bồn không thấy Bà đâu chỉ thấy quanh chiếc quan tài ngập tràn hoa sứ trắng.

Cũng có chuyện kể rằng, Bà là công chúa vua Mây, khi bị giặc bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạng và đã ngã ngựa chết. Xác công chúa trôi về làng Thu Bồn, dân trong làng đã vớt xác Bà đem chôn.

Năm đó làng Thu Bồn có bệnh dịch đậu mùa, Bà linh ứng nhập hồn cho thuốc cứu người thoát dịch. Cũng có truyền thuyết cho rằng Bà là nữ tướng Chăm, khi chiến đấu bị bao vây nên chết, xác Bà trôi về làng Thu Bồn. Năm đó làng Thu Bồn hạn hán mất mùa, nhân dân đói khổ cơ hàn, Bà linh ứng về giúp dân chống đói, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà.

Nhóm PV Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên