Dự án cụm khách sạn của Công ty Du lịch Hà Nội (dự án Hà Nội - Kim Liên) chỉ có cánh cổng được xây dựng hoành tráng rồi “đắp chiếu” nhiều năm nay - Ảnh: Hồ Văn |
Từng được kỳ vọng sẽ biến thị xã Cửa Lò, Nghệ An thành một đô thị biển hấp dẫn du khách, nhưng đến nay hàng loạt dự án đầu tư vào khu vực này vẫn còn nằm trên giấy hoặc dở dang dù đã khởi động cách nay hàng chục năm.
Ngoài trục đường ven biển của thị xã Cửa Lò (phường Nghi Hòa), hàng chục dự án khác ở vị trí đất vàng tại TP Vinh, Nghệ An sau hàng chục năm được giao đất đến nay cũng chỉ mới xây hàng rào, trồng cây hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc và trở thành bãi chăn bò.
Hàng trăm dự án "đắp chiếu"
Được cấp phép từ năm 2006, dự án “Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty Du lịch Hà Nội (dự án Hà Nội - Kim Liên)” (phường Nghi Hòa) với mục tiêu xây dựng khu liên hiệp gồm tám khách sạn từ 3-7 tầng cùng nhiều biệt thự, khu phức hợp bể bơi, sân thể thao và nhà đậu xe..., dự kiến hoàn tất vào năm 2019. Tuy nhiên đến nay dự án chỉ mới xây dựng tường rào, cổng và trồng cây xanh... rồi “đắp chiếu” để đấy.
Cũng tại khu vực này còn có bảy dự án rất hoành tráng như: dự án khu du lịch cao cấp dầu khí Cửa Lò và dự án khu du lịch dịch vụ và điều dưỡng cho CBCNV và chuyên gia nước ngoài (đã bị thu hồi), dự án khu nghỉ dưỡng Sông Hồng, dự án BMC Cửa Lò Plaza cùng nhiều dự án biệt thự cao cấp khác cũng chỉ bao bờ rào, trồng cây xanh hay chỉ là những bãi đất hoang cỏ mọc cho bò gặm dù được giao đất đã nhiều năm.
Ông Phan Công Đối, trưởng Phòng quản lý đô thị Cửa Lò, cho biết các dự án này đều chậm triển khai, chậm tiến độ theo giấy phép đầu tư.
“Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhà đầu tư, có dự án đề xuất được giãn tiến độ nhưng rồi cũng cứ treo. Hiện chúng tôi đã báo cáo lên tỉnh đề nghị phải kiên quyết xử lý, có thể thu hồi dự án nếu nhà đầu tư không triển khai” - ông Đối cho hay.
Còn tại TP Vinh, hàng chục dự án quy mô lớn cũng “đóng băng” nhiều năm. Như dự án khu đô thị Smart City (phường Hưng Dũng) với tổng vốn đầu tư 2.299 tỉ đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng nhiều năm nay cũng đang “đắp chiếu”.
“Sau khi được cấp phép, nhà đầu tư đã làm việc với người dân nhưng chưa thống nhất được giá đền bù. Tuy nhiên từ hai năm nay, nhà đầu tư lẳng lặng bỏ đi trong khi đất bỏ hoang, còn người dân không có đất canh tác. Do đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thu hồi” - một lãnh đạo địa phương này cho biết.
Trong khi đó, tổ hợp chung cư, khách sạn, nhà ở cao cấp và văn phòng cho thuê (TP Vinh) do Công ty CP đầu tư và xây dựng Huy Hùng tiếp nhận và làm chủ đầu tư đến nay cũng vẫn là một bãi đất hoang.
Trước đó vào năm 2009, khu đất này được giao cho Tổng công ty Hàng hải VN đầu tư dự án trung tâm thương mại hàng hải miền Trung, nhưng đã bị thu hồi và giao lại cho chủ đầu tư mới vào năm 2013 do không được triển khai.
Tương tự, dự án nhà máy thủy điện Yên Thắng (huyện Tương Dương) cũng "đắp chiếu" sau khi nhà đầu tư đã khai thác vàng tận thu tại khu vực dự án...
Dọc trục đường chạy ven biển của thị xã Cửa Lò, nhiều dự án chỉ có hàng rào vây quanh, cỏ mọc um tùm - Ảnh: Hồ Văn |
“Xí” dự án để sang tay
Theo Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 905 dự án đã được cấp giấy chứng nhận, qua kiểm tra từ năm 2012 đến nay có tới 189 dự án chậm tiến độ, không triển khai.
Ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trong một kết luận cho rằng: “Quỹ đất sạch tại TP Vinh, thị xã Cửa Lò và các vùng đô thị rất hạn hẹp, trong nhiều dự án được giao đất nhưng không thực hiện có nơi xảy ra hiện tượng mua bán dự án bất hợp pháp, cần kiên quyết xử lý”.
Ông Hoàng Nhật An, trưởng phòng kinh tế đối ngoại Sở KH-ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng hàng loạt dự án "treo" trên địa bàn đã gây lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất sản xuất, ngân sách không thu được tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
“Trong khi nhiều dự án "treo", các nhà đầu tư có nhu cầu lại không có đất để thực hiện, nhất là đất ở các khu vực đô thị, thành phố, chưa kể đời sống của người dân trong vùng dự án cũng bị ảnh hưởng” - ông An bức xúc.
Theo ông An, ngoài việc nhà đầu tư chây ì hoặc không đủ năng lực, nhiều dự án chậm được triển khai do thủ tục pháp lý quá rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian.
Chẳng hạn, một dự án đầu tư chịu sự điều chỉnh của rất nhiều bộ luật như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng cháy chữa cháy... chưa kể các luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật có liên quan.
“Thời gian thực hiện các thủ tục của một dự án thường mất vài tháng đến vài năm khiến nhà đầu tư nản lòng, chưa kể trường hợp cơ hội làm ăn bị trôi qua” - ông An nói.
Ông Phan Công Đối cho rằng việc nhiều dự án "treo" không những làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mà cảnh quan du lịch trên địa bàn cũng bị vạ lây, cơ hội khai thác du lịch bị trôi qua hết năm này đến năm khác.
“Cần phải xử lý triệt để, thu hồi những dự án "treo" để mở đường cho các nhà đầu tư có năng lực” - ông Đối đề xuất.
Tháng 4-2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Sau kiểm tra, Sở KH-ĐT đã có báo cáo về nhiều dự án "treo" cũng như đề xuất xử lý các dự án này. Theo đó, trong những năm qua trên địa bàn có 189 dự án chậm triển khai, chậm tiến độ. Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 69 dự án "treo". Riêng năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thu hồi 6 dự án, thu hồi một phần của 2 dự án, hủy bỏ các văn bản pháp lý của 14 dự án khác và xem xét gia hạn tiến độ cho 13 dự án... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận