27/10/2019 17:54 GMT+7

Hàng nghìn người dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ngày 27-10, hàng ngàn tăng ni, phật tử từ nhiều tỉnh thành đã tụ hội về Học viện Phật giáo Việt Nam (Hà Nội) tham dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân - một "hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam" - viên tịch.

Hàng nghìn người dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch - Ảnh 1.

Hàng nghìn tăng ni, phật tử cả nước đã tham gia đại lễ tưởng niệm ni sư Diệu Nhân - "một hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Đại lễ do Phân ban Ni giới trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức.

Dự đại lễ có hòa thượng Thích Đức Nghiệp - phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hòa thượng Thích Thiện Nhơn - chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, các chư tôn đức giáo phẩm và đông đảo phật tử.

Tại đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu, phật tử đã cùng dâng hương tưởng niệm và ôn lại cuộc đời, đức độ, quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các phật tử, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

Hàng nghìn người dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết khẳng định sư ni mà được nối dòng thiền thì duy nhất chỉ có Diệu Nhân - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm - phó trưởng ban thường trực Phân ban Ni giới trung ương, trưởng ban tổ chức đại lễ - cho biết ni sư Diệu Nhân (1042-1113) thế danh là Lý Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Càn Vương - Lý Nhật Trung, là cháu nội vua Lý Thái Tông và là con nuôi vua Lý Thành Tông.

Ni sư xuất gia tu Phật, làm đệ tử của thiền sư Chân Không (1046 - 1100) nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi; là người tu hành đắc đạo, tài đức vang dội triều dã, công đức sánh ngang với hàng tăng chúng; xứng danh là vị tổ sư ni tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam - Phật sử Trung Ni, vô song hào kiệt.

Trước đó, tại buổi họp báo về sự kiện này, thượng tọa Thích Thanh Quyết khẳng định sư ni mà được nối dòng thiền thì duy nhất chỉ có Diệu Nhân, nên đây là một "hiện tượng đặc biệt của Phật giáo Việt Nam".

Bà là một người nữ xuất gia tu hành, thành đạo, trở thành bậc tổ sư ni và thiền sư ni người Việt đầu tiên trên đất nước Việt Nam.

Hàng nghìn người dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch - Ảnh 3.

Đại lễ được tổ chức trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Hàng nghìn người dự đại lễ tưởng niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch - Ảnh 4.

Hàng nghìn phật tử từ nhiều tỉnh thành cùng về dự đại lễ tưởng niệm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tại đại lễ, ban tổ chức đã tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học Việt Nam.

Trước đó, trong khuôn khổ sự kiện này, ngày 26-10, một hội thảo khoa học với hơn 100 bản tham luận về ni sư Diệu Nhân đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều tăng ni, phật tử, nhà nghiên cứu.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên