21/05/2008 08:55 GMT+7

Hàng ngàn tàu thuyền kẹt cứng ở kênh Chợ Gạo!

 VÂN TRƯỜNG
 VÂN TRƯỜNG

TT - Từ ngày 19 đến chiều 20-5, hệ thống giao thông thủy độc đạo từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại bị tắc nghẽn ở tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang). Hàng ngàn tàu thuyền các loại bị mắc kẹt kéo dài hơn 10km trên tuyến kênh này (ảnh).

UjR2CNoO.jpgPhóng to
TT - Từ ngày 19 đến chiều 20-5, hệ thống giao thông thủy độc đạo từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại bị tắc nghẽn ở tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang). Hàng ngàn tàu thuyền các loại bị mắc kẹt kéo dài hơn 10km trên tuyến kênh này (ảnh).

Đây chính là hậu quả trực tiếp của vụ chìm tàu chở phân bón tối 17-5. Luồng kênh quá hẹp (30-40m) và khoang thông thuyền cầu Chợ Gạo lại hẹp hơn (26m) nên việc giải phóng hết số tàu bị kẹt sau tai nạn diễn ra rất chậm. Trong khi tàu thuyền bị kẹt chưa thoát ra được thì số khác từ hai phía lại liên tục đổ dồn về càng khiến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, mãi đến tối 20-5 cũng mới chỉ có thể lưu thông nhỏ giọt.

Trưa 20-5, nhiều thuyền trưởng sà lan chở gạo xuất khẩu từ miền Tây về TP.HCM nói đã gần 24 giờ mà họ di chuyển chưa được... 1km! "Từ trước tới giờ tôi chỉ thấy kẹt xe trên đường bộ, đây là lần đầu tiên có chuyện kẹt tàu trên sông khủng khiếp như thế này" - anh Châu, thuyền trưởng sà lan TG-6534, nói.

Bị "giam" suốt hai ngày

Kênh Chợ Gạo sáng 20-5 giống như một cảng khổng lồ. Tàu thuyền neo đậu san sát về cả hai phía hạ lưu và thượng lưu cầu Chợ Gạo. Hàng trăm người dân hiếu kỳ ở hai bên bờ sông túa ra xem cảnh kẹt tàu mà hơn 100 năm nay (kể từ khi có kênh Chợ Gạo) mới có lần đầu tiên. Anh Bình, chủ một chiếc ghe bầu ở TP.HCM, than thở: "Tui chở tôn fibrô ximăng từ TP.HCM về Cà Mau nhưng bị kẹt ở đây suốt từ chiều 19-5. Kẹt cứng kiểu này chẳng biết đến bao giờ mới đi được. Neo tàu sát bờ mà vẫn lo bị sà lan ủi".

Khởi hành từ TP Mỹ Tho đi TP.HCM vào rạng sáng 19-5 nhưng đến chiều 20-5, hàng chục chiếc sà lan chở gạo của HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) vẫn còn loay hoay ở gần cầu Chợ Gạo, tức chỉ mới đi được hơn 10km. Trong khi các thuyền trưởng đứng ngồi không yên thì các doanh nghiệp thuê chở gạo để giao cho tàu ở một số cảng tại TP.HCM liên tục gọi điện hối thúc và dọa đòi bồi thường.

Thuyền trưởng Châu buồn bã: "Sà lan của tôi chở 500 tấn gạo đi cảng Sài Gòn lẽ ra chỉ khoảng ba ngày là tới nhưng bây giờ đã mất hết hai ngày rồi. Chẳng biết tới bao giờ mới ra khỏi chỗ này". Ông Trần Đỗ Liêm, chủ nhiệm HTX Rạch Gầm kiêm phó chủ tịch Hội Vận tải đường sông VN, bức xúc: "HTX có hơn 200 chiếc sà lan đi tuyến này và hầu hết đang bị kẹt cứng ở đó. Tính trung bình mỗi ngày bị kẹt ở đây HTX thiệt hại hơn 500 triệu đồng".

Có thể nói hàng ngàn tàu thuyền vận chuyển gạo, thực phẩm, trái cây, vật liệu xây dựng... bị "giam" ở kênh Chợ Gạo trong thời gian dài đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường nước do dầu, nhớt của tàu thuyền và hàng ngàn con người vệ sinh tại chỗ trong mấy ngày qua.

Tình hình kẹt kênh kéo dài nhiều giờ nhưng mãi đến 9g ngày 20-5, Phòng CSGT đường thủy mới có đề nghị Đoạn quản lý đường sông (QLĐS) số 11 (Cục Đường sông VN) hỗ trợ lực lượng điều tiết giao thông. Cơ quan này đã điều ngay một canô đến hiện trường. Tuy nhiên chủ yếu cũng là ngăn chặn việc chen lấn giành luồng của một số phương tiện. Trong khi đó, tàu thuyền từ TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL do không biết thông tin ùn tắc nên liên tục đổ về.

Đã kêu cứu từ 10 năm trước

hSc14iGW.jpgPhóng to
Tàu thuyền bị kẹt trên kênh Chợ Gạo chờ được thông tuyến (ảnh chụp trưa 20-5) - Ảnh: Vân Trường

Theo ông Nguyễn Hữu Vĩnh - phó giám đốc Đoạn QLĐS số 11, sự cố ùn tắc nghiêm trọng trên kênh Chợ Gạo chỉ là "giọt nước làm tràn ly". Cách đây khoảng 10 năm kênh Chợ Gạo đã bị sạt lở và bồi cạn làm luồng hẹp lại, nhưng phương tiện thủy lại gia tăng. Khi đó Đoạn QLĐS số 11 và UBND tỉnh Tiền Giang từng cảnh báo và kiến nghị Cục Đường sông VN và Bộ GTVT phải sớm đầu tư nạo vét, làm bờ kè và xây dựng cầu mới để bỏ cầu Chợ Gạo hiện hữu (vì khoang thông thuyền quá hẹp).

Từ năm 2005 đến nay những lời cảnh báo và kiến nghị này liên tục được nhắc lại. Rất nhiều đoàn công tác của trung ương khi tới làm việc tại tỉnh Tiền Giang đã đến thị sát tuyến kênh Chợ Gạo. Thậm chí cá nhân ông Trần Đỗ Liêm đã trực tiếp "kêu cứu" với Bộ GTVT và Quốc hội về vấn đề này. Thế nhưng những kiến nghị cấp bách này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Vĩnh còn nhấn mạnh: từ khi các tỉnh miền Đông cấm khai thác cát sông, các doanh nghiệp ở đây đã đổ dồn về sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông để khai thác. Sau đó lại chở ngược về cung cấp cho TP.HCM và miền Đông. Số sà lan này chiếm hết luồng chạy tàu và là tác nhân chính của hầu hết số vụ tai nạn dẫn đến ùn tắc trong nhiều giờ. Từ đầu năm 2008 đến nay tình trạng ùn tắc cục bộ trên kênh Chợ Gạo thường xuyên xảy ra, trung bình mỗi tuần một lần. Tuy nhiên do tai nạn chìm tàu chở phân bón vào tối 17-5 nằm ngay khoang thông thuyền và chậm được giải phóng (14 giờ sau mới kéo tàu bị chìm vô rạch) nên số lượng tàu thuyền bị kẹt quá nhiều.

Ngoài ra, phải thừa nhận CSGT đường thủy đã tỏ ra kém hiệu quả trong việc điều tiết và cảnh báo cho tàu thuyền sắp vào kênh Chợ Gạo biết để tránh. Còn Đoạn QLĐS số 11 lại "vướng" qui định chỉ được cấp kinh phí điều tiết giao thông ba tháng/năm vào mùa lũ nên chỉ hỗ trợ CSGT khi được yêu cầu. Đoạn QLĐS đã có văn bản khẩn thiết đề nghị thay đổi qui định cấp kinh phí điều tiết giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Vĩnh, nhiều khả năng đề nghị này được đáp ứng trong nay mai. "Tuy nhiên, điều tiết giao thông chỉ là biện pháp chữa cháy thôi. Giải pháp duy nhất bắt buộc phải làm ngay là tiến hành nạo vét và làm kè kênh Chợ Gạo, xây cầu mới để bỏ cầu hiện hữu. Chỉ có như vậy mới giải quyết được tình trạng ùn tắc trên tuyến kênh quan trọng này" - ông Vĩnh nói.

Kênh Chợ Gạo luôn bị quá tải

Theo ông Nguyễn Hữu Vĩnh, kênh Chợ Gạo (có chiều dài 28,5km, chiều rộng trung bình 80m, luồng chạy tàu chỉ rộng 30-40m) được người Pháp đào từ năm 1877 và khai thác đầu những năm 1900. Từ đó đến nay, đây là tuyến đường thủy độc đạo từ TP.HCM về miền Tây và ngược lại. Khoảng mười năm nay số lượng phương tiện vận tải đường thủy qua tuyến này liên tục tăng, làm kênh Chợ Gạo bị quá tải nghiêm trọng. Ước tính mỗi ngày có trên dưới 1.500 tàu thuyền vận tải lưu thông trên tuyến này.

Các thuyền trưởng còn cho rằng cách đây mấy năm bề rộng sà lan (và tàu) chỉ 6-7m, nhưng hiện nay đã "nở" tới 13-14m để chở được nhiều hàng hóa hơn. Trong khi đó khoang thông thuyền cầu Chợ Gạo hiện hữu chỉ có 26m, nên hai sà lan ngược chiều không thể cùng lúc đi qua được mà phải đi hàng một. Điều này cũng làm kênh Chợ Gạo rất dễ bị ùn tắc.

 VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên