Libya tiếp tục căng thẳngRead this on Tuoitrenews.vn
Phóng to |
Phóng to |
Những công dân Tunisia sơ tán rời khỏi Libya - Ảnh: AFP |
Đó là thông tin do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho Tuổi Trẻ biết chiều 24-2. Tại cuộc họp báo đột xuất chiều qua, cục cho biết đến thời điểm hiện tại các đối tác sử dụng lao động Việt Nam đã xúc tiến đưa khoảng 2.000 lao động sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia... để từ đó đưa về Việt Nam.
Chiều 24-2, tham tán Lê Hữu Hùng từ Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Tripoli cho Tuổi Trẻ biết một trong các phương án mới là tìm kiếm sự trợ giúp của các nước khác như Anh, Pháp, Đức... để đưa người Việt rời đất nước Bắc Phi này. “Chúng tôi đang xin chỉ thị của lãnh đạo về việc này” - ông Hùng nói. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn AFP, ông Hùng nói: “Đến nay, chưa có ai bị thương nhưng họ đang ở vào tình thế khó khăn, thiếu thực phẩm, nước uống và các phương tiện giao thông. Sứ quán đang cố gắng sơ tán họ bằng mọi biện pháp”. Còn cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập - một trong những nước có biên giới chung với Libya - cho hay Đại sứ quán đã cử một đoàn cán bộ tới cửa khẩu Salloum để tiếp đón một số lao động Việt Nam làm thuê cho một doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Cục cũng cho biết Bộ LĐ-TB&XH chủ trì thành lập Ủy ban khẩn cấp để hỗ trợ lao động Việt Nam. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ cử một số nhóm công tác sang các quốc gia láng giềng của Libya, nơi lao động Việt Nam có thể đi bằng đường bộ, đường biển sang, để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo đảm an toàn cho họ. Bộ LĐ-TB&XH đã bàn với các bộ, ban, ngành liên quan về những giải pháp đón lao động Việt Nam về nước. Vietnam Airlines cũng đã tính đến các phương án đưa chuyên cơ hay liên kết với các hãng hàng không của các quốc gia khác để đưa người lao động Việt Nam về nước.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc sơ tán và hồi hương công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Libya, ngày 24-2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga thông báo: “Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Libya và các nước trong khu vực. Kể cả sơ tán công dân Việt Nam bằng đường bộ, đường biển và đường không ở những nơi cần thiết”.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo đại sứ quán tại Libya tiếp tục theo dõi sát tình hình và tình trạng an toàn của từng nhóm lao động để kịp thời đưa nhóm lao động ở những nơi không đảm bảo an ninh đến nơi an toàn.
Đẩy nhanh di tản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Đại Thành, chủ tịch HĐQT Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona, thuộc Bộ LĐ-TB&XH), cho biết khoảng 700 lao động Việt Nam đã bắt đầu rời khỏi Libya từ ngày 24-2 đến trú tránh tại Ai Cập và đảo Malta.
Đây là những lao động Việt Nam đầu tiên được di tản bởi các đối tác của Sona là các chủ người Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil... thực hiện di chuyển bằng chuyên cơ và tàu thủy. Ông Thành khẳng định ngoài 700 lao động này, khoảng 1.500 lao động còn lại của Sona sẽ tiếp tục được di tản trong những ngày tới, tùy tình hình và sự trợ giúp của các chủ sử dụng lao động. Theo ông Thành, hiện toàn bộ lao động của Sona tại Libya đã được tập trung ở những nơi an toàn để chờ di tản. Tất cả vẫn được đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại hàng không (Airseco), cho biết 200 lao động của Airseco vẫn an toàn và đang chờ đợi được di tản. Theo ông Vui, dù là một trong những đơn vị có phương án di tản lao động sớm nhất nhưng do đối tác, chủ sử dụng lao động là người Trung Quốc nên việc di tản lao động Việt Nam còn phụ thuộc phía họ.
Đến chiều tối qua, đại diện các doanh nghiệp cho biết lao động đã tập trung ở những nơi an toàn và cơ bản được các chủ sử dụng cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men. Tuy nhiên đến hôm qua, việc liên lạc với cán bộ hay người lao động ở Libya vẫn vô cùng khó khăn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Libya được Bộ LĐ-TB&XH chọn là thị trường triển khai quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động (gồm 62 huyện nghèo) bởi thị trường này có mức lương hàng đầu của khu vực Trung Đông, trong khi yêu cầu về tay nghề lại đơn giản. Lao động Việt Nam chỉ mới được đưa sang thị trường này từ năm 2009.
Ngày 28-5-2010 bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành đề án đưa lao động sang Libya với mục tiêu mỗi năm đưa 5.000-7.000 lao động sang thị trường này.
Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong những công trường xây dựng lớn ở hai thành phố quan trọng nhất Libya là Tripoli ở phía tây bắc (khoảng 5.000 người) và Benghazi ở phía đông (khoảng 2.000 người), số còn lại làm việc tại các vùng khác. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đưa lao động qua thị trường này với gần 10.000 lao động. Trong đó, đông nhất là Công ty Vinaconex Mex (Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại) hơn 3.000 lao động, Công ty Sona hơn 2.000 lao động, còn lại các công ty khác từ 200-500 lao động.
Lao động Việt Nam làm việc chủ yếu trong các công trường xây dựng do các nhà thầu nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hi Lạp, Đức, Trung Quốc... trúng thầu.
Lao động Việt Nam lo âu
Khoảng 14g30 ngày 24-2 (9g sáng tại Libya), phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ được với lao động Đỗ Thanh Quang (quê Bắc Giang, do Công ty Sona đưa đi) đang có mặt tại khu vực gần sân bay quốc tế Tripoli. Theo anh Quang, lao động được yêu cầu nghỉ tại chỗ ba ngày nay và được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống. Tại khu vực của anh đang có khoảng 1.300 lao động Việt Nam và khoảng 1.700 lao động Thái Lan cùng một số lao động nước khác trú ngụ để tránh bạo loạn. Anh Quang cho biết bạo loạn cách khu vực trú ngụ này khoảng 50km nên lao động vẫn an toàn. Một số lao động mới qua làm đang rất hoang mang vì lo sợ lẫn lo lắng không có tiền trả nợ vay khi ra đi.
Một lao động khác người Quảng Bình ở khu vực này cho biết hiện các chuyến bay của Thái Lan được đáp xuống sân bay Tripoli để di tản lao động của họ. Sáng 24-2, đã có tám lao động Việt Nam được “đi ké” máy bay Thái Lan về. Và chiều cùng ngày, nhiều nhóm lao động Việt Nam khác được lên các chuyến bay của Thái Lan.
Kinh nghiệm di tản người Việt Nam ở Libăng Tháng 8-2006, khi quân đội Israel tấn công Libăng, hơn 70 trong tổng số khoảng 200 lao động VN tại Libăng đã được di tản về nước nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức di trú quốc tế (IOM). Khi đó, Bộ Ngoại giao VN đã cử ông Trần Việt Tú, tham tán sứ quán VN tại Ai Cập, sang Libăng hỗ trợ lao động VN về nước. Ông Trần Việt Tú lên danh sách những lao động VN xin về nước, chuyển cho đại diện IOM ở Beirut. Những người bị mất hộ chiếu có thể sử dụng giấy thông hành do ông Tú là đại diện ngoại giao VN cấp. IOM đã điều động xe buýt đến chở lao động VN đi đường bộ sang Syria. Từ đó, họ được IOM hỗ trợ vé máy bay về nước. HIẾU TRUNG |
Ngày 24-2, dòng người nước ngoài tiếp tục ồ ạt di tản khỏi Libya. Theo AFP, hàng ngàn người đã tập trung tại sân bay thủ đô Tripoli chờ được di tản. Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết 21 quốc gia đã yêu cầu nước này cho phép công dân nước mình đi qua Thổ Nhĩ Kỳ trên đường trở về nước. Trong ba ngày qua Thổ Nhĩ Kỳ đã di tản hơn 6.000 công dân nước mình bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy trong chiến dịch di tản lớn nhất từ trước đến nay.
Các quốc gia có ít công dân tại Libya hầu hết đều gửi máy bay đến di tản người dân. Canada cho biết đưa toàn bộ công dân đến Rome (Ý) trong ngày 24-2. Hai máy bay quân sự của Pháp chở theo 402 người từ Libya đã đáp xuống sân bay Roissy-Charles de Gaulle (Paris) hôm 23-2, Bộ Ngoại giao nước này cho biết. Đức cũng thông báo sẽ sử dụng máy bay Boeing 747-400, có khả năng chở 330 người/chuyến từ Tripoli về Frankfurt.
Tại châu Á, Trung Quốc, nước có hơn 30.000 lao động làm việc tại Libya, tiếp tục đẩy mạnh việc di dời công dân của mình. Tân Hoa xã đưa tin hai chuyến bay chở 83 người Trung Quốc trong đợt di tản đầu tiên xuất phát từ cảng Alexandria, Hi Lạp, đã đáp xuống Bắc Kinh và Thượng Hải ngày 24-2. Ngoài ra, hai tàu thủy có sức chứa hơn 2.000 người/tàu đã cập cảng ở Benghazi (Libya) và dự kiến đưa công dân Trung Quốc đến Hi Lạp trong ngày 24-2. Hơn một nửa công dân Trung Quốc sẽ rời đi bằng tàu.
Trong khi đó, báo India Express cho biết chuyến tàu đầu tiên chở 1.000 người Ấn Độ về đến nhà ngày 25-2. Những người già, bệnh tật được ưu tiên đi trước. Thêm một số chuyến tàu khác sẽ lần lượt di tản công dân Ấn Độ từ Tripoli và Benghazi đến Alexandria trước khi về nước bằng máy bay.
Bangkok Post ngày 24-2 đưa tin 600 người Thái Lan đã lên đường rời Libya và chính phủ đang lên kế hoạch di tản 9.000 người nữa đang có nguy cơ gặp nguy hiểm nhất tại Tripoli và Benghazi. Công dân Thái Lan sẽ đi từ Libya đến Malta, Athens (Hi Lạp) và cuối cùng là Rome (Ý) trước khi lên máy bay của Hãng Thai Airways.
TRẦN PHƯƠNG
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tìm phương án bảo vệ công dân Việt Nam tại LibyaHọp bàn về cuộc khủng hoảng LibyaGần 200 lao động VN tại Libya sẽ về đến Nội Bài vào sáng 25-2
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận