29/08/2016 08:58 GMT+7

Hàng long não còi cọc tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - NKKN

ĐỖ HÀO (TP.HCM)
ĐỖ HÀO (TP.HCM)

TTO - Nhiều người dân hằng ngày đi trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa 
(TP.HCM) không khỏi xót xa khi hàng cây trồng hai bên đường cứ còi cọc, không phát triển được và thậm chí là khô héo, chết dần.

Hàng cây long não còi cọc trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi
Nghĩa (TP.HCM) Ảnh: Đỗ Hào
Hàng cây long não còi cọc trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: ĐỖ HÀO

Mặc dù đã được trồng gần chục năm nay, kể từ khi tuyến đường cửa ngõ từ sân bay vào trung tâm thành phố này được đầu tư mới, hơn 600 cây trên đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dài khoảng 3km từ ngã tư Hoàng Văn Thụ đến đường Võ Thị Sáu, đa số vẫn chỉ thấp lè tè, khẳng khiu.

Chiều cao của nhiều cây chỉ khoảng 3m, tán chỉ đạt đường kính gần 2m, lá vàng úa, thậm chí là chết khô, phải đào bỏ trồng đi trồng lại.

Loại cây trồng trên tuyến đường này là cây long não, được biết đến là loại cây trồng nhiều trong đô thị ở khu vực Đông Nam Á, với ưu điểm là cây chứa tinh dầu nên thanh lọc khí tốt, dáng cây và tán lá đẹp.

Tuy nhiên, về mặt sinh học cho thấy những ưu điểm trên của cây long não chỉ có thể phát huy đầy đủ nếu trồng ở nơi có không gian thông thoáng, ít bị xâm hại. Thực tế cho thấy cây long não trồng trên tuyến đường này có mật độ dân cư hai bên đường dày đặc, người dân hai bên đường thường đổ nước rửa chén, hóa chất, nước lau nhà, xà bông... vào gốc cây nên cây không phát triển được, lại thường xuyên bị ngoại lực làm trầy xước, tróc vỏ cây dẫn đến còi cọc, tán xấu, thậm chí chết héo.

Quan sát dọc tuyến đường thấy rõ hơn phân nửa số cây là loại nhỏ, mới được trồng thay thế cây chết, không có sự tương đồng về kích thước, chiều cao, bóng mát, trông rất thiếu thẩm mỹ và không phát huy tốt tác dụng về cảnh quan và tạo bóng mát cho tuyến đường.

Chỉ một số ít cây trồng trên đoạn đường không có nhà dân trổ cửa ra vỉa hè thì phát triển tốt, tương đối đồng đều như đoạn ven công viên Hoàng Văn Thụ trên đường Phan Đình Giót từ Quân khu 7 đến đường Nguyễn Lan Khanh, đoạn trước Viện Pasteur TP.HCM...

Trong khi đó, dù chỉ mới được trồng gần 2 năm nay nhưng loại cây giáng hương lá lớn trên vỉa hè đường Trường Sơn lại phát triển rất xanh tốt, rợp tán rất nhanh, tạo cảnh quan rất đẹp trên tuyến đường này.

Cho đến nay hầu như chưa có cây nào kém phát triển hoặc chết vì thời tiết hoặc tác động từ sinh hoạt của người dân, thậm chí đơn vị quản lý cây xanh phải thường xuyên cắt tỉa bớt cành để tạo thoáng cho cây và đường Trường Sơn, mặc dù đây là tuyến đường có cư dân hai bên đường sinh sống rất nhiều.

Tôi cho rằng nên thay cây trồng khác cho tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa để đảm bảo hiệu quả xanh hóa các tuyến đường của thành phố và yếu tố kinh tế. Theo tôi, hoàn toàn có thể sử dụng loại cây giáng hương lá lớn như đã trồng trên đường Trường Sơn để trồng lại cho tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tạo sự thống nhất về loại cây của trục cửa ngõ từ trung tâm thành phố đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là loại cây trồng cho bóng mát rộng, phát triển nhanh, tỉ lệ sống rất cao, dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, tự nhiên. Hơn nữa, loại cây này còn cho gỗ quý, có giá trị kinh tế cao khi đạt đến kích thước nhất định, có thể khai thác kinh tế và thay thế cây trồng mới.

ĐỖ HÀO (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên