Chưa bao giờ ông Putin phải đối diện với một thử thách lớn đến thế.
Phóng to |
Theo Hãng tin RIA Novosti, ngày 10-12 khoảng 25.000-50.000 người đã đổ ra đường phố thủ đô Matxcơva (phe đối lập nói là 50.000-80.000 người). Hàng ngàn người cũng tuần hành ở khoảng 50 thành phố trên nước Nga.
Đây là làn sóng biểu tình phản đối lớn nhất tại Nga kể từ những năm 1990 đối với Thủ tướng Putin. Ông lên nắm quyền từ năm 2000, thủ tướng từ năm 2008 và vừa loan báo sẽ trở lại điện Kremlin vào tháng 3 tới.
Theo Gazeta.ru ngày 11-12, Chính phủ Nga vẫn chưa có một phản ứng gì, như tuyên bố của ông Dmitri Peskov, người phát ngôn của Thủ tướng Putin.
Phản ứng chính thức duy nhất đến lúc này là của một lãnh đạo UR, ông Andrei Issaiev, khi cho rằng con số người biểu tình “không là nhiều đối với một thành phố có nhiều triệu dân sinh sống. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân tích thấu đáo những gì đã được nói ra cũng như những lý do không hài lòng (của những người biểu tình)”.
“Đã đến lúc phải tỉnh giấc”
Báo Moscow Times cho biết tại một cuộc tuần hành ở Matxcơva, nhà báo Oleg Kashin đã đọc to lá thư của nhà hoạt động chống tham nhũng Alexei Navalny, người vừa bị giam 15 ngày vì tội biểu tình. Lá thư viết: “Vũ khí quan trọng và hùng mạnh nhất của chúng ta chính là phẩm giá. Putin và UR đã lừa chúng ta chấp nhận phải sống như gia súc câm điếc vì ổn định và tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã chịu đựng 12 năm. Nhưng chúng ta không phải là nô lệ hay gia súc. Đã đến lúc phải tỉnh giấc”.
Các nhà hoạt động đối lập khẳng định UR đã gian lận trong cuộc bầu cử Duma quốc gia ngày 4-12. UR chỉ giành được chưa đầy 50% số phiếu bầu, nhưng các đảng đối lập khẳng định con số thực tế chỉ khoảng 20%. Trong những ngày qua, nhiều người Nga đã tung hàng loạt đoạn video quay bằng điện thoại di động những cảnh bất thường trong cuộc bầu cử. “Chúng tôi có quá nhiều bằng chứng” - một người biểu tình tên Leonid Gigen khẳng định.
RIA Novosti dẫn lời một người biểu tình ở Matxcơva là luật sư Sergei Levin cho biết ông không rõ điều gì sẽ xảy ra. “Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi biết rằng mình không đơn độc”. Các nhà lãnh đạo đối lập yêu cầu chính quyền Nga phải tổ chức lại bầu cử quốc hội. Nếu không, họ sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc biểu tình với quy mô lớn hơn vào ngày 24-12.
Đáng ngạc nhiên, các đài truyền hình nhà nước đều đồng loạt đăng tải thông tin về cuộc biểu tình ngày 10-12 dù im lặng trước các cuộc biểu tình trước đó. Theo một nguồn tin của điện Kremlin được đăng trên Gazeta.ru, việc các đài truyền hình đề cập các cuộc biểu tình là theo lệnh của Tổng thống Medvedev. Ông cũng yêu cầu cảnh sát không được thô bạo với những người biểu tình. Các cuộc tuần hành đã diễn ra êm ả và cảnh sát không hề trấn áp những người biểu tình mặc dù như ghi nhận của AFP ngày 11-12, chưa từng có một sự tập trung lực lượng và xe cơ giới chống bạo động lớn như thế ở trung tâm Matxcơva. Đó là một thay đổi rất lớn bởi trong các cuộc biểu tình trước đó, cảnh sát chống bạo động đã thẳng tay đàn áp và bắt giữ hơn 1.000 người khắp cả nước.
Ông Putin sẽ làm gì?
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là Thủ tướng Putin sẽ làm gì trước làn sóng phản đối chưa từng có này. Trước đó, ông Putin đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau giật dây người biểu tình. Theo báo Moscow Times, nhiều người biểu tình ở Matxcơva đã cười nhạo luận điệu này. “Chúng ta đến đây là vì (Ngoại trưởng Mỹ) Hillary Clinton gửi tin nhắn cho chúng ta ư?” - một diễn giả đặt câu hỏi trước đám đông biểu tình và những tràng cười bùng lên.
Rõ ràng người Nga đang đánh mất sự kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, luật pháp bất minh... Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây và phần lớn các chuyên gia chính trị Nga nhận định khó có khả năng Thủ tướng Putin sẽ bị lật đổ, bởi ông vẫn là nhà lãnh đạo có uy tín nhất nước Nga trong thời điểm này. Vào thời điểm này, phe đối lập ở Nga, lực lượng kêu gọi các cuộc biểu tình, còn rất manh mún, thiếu tổ chức nên làn sóng phản đối này sẽ nhanh chóng hụt hơi.
Moscow Times dẫn lời nhà phân tích chính trị Liliya Shevtsova nhận định ông Putin có thể vượt qua các cuộc biểu tình và thắng cử tổng thống Nga vào tháng 3-2012. Bởi người dân Nga chẳng biết sẽ phải bầu cho ai khác. Tuy nhiên, uy tín và quyền lực của ông sẽ tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng nếu ông không thực hiện những bước cải tổ mạnh mẽ. Cuộc bầu cử đã như “một giọt nước tràn ly” từ sự không hài lòng ngày càng tăng của người dân trước những bất công và nạn tham nhũng, như đánh giá của E.Gontmakher thuộc Viện Phát triển đương đại. “Người dân đã nói với ông ấy rằng chúng tôi không chấp nhận những gì đang diễn ra” - nhà phân tích Vladimir Pozner nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận