Hành khách làm thủ tục cho chuyến bay số hiệu QH9732 tại sân bay quốc tế Nội Bài ngày 6-12, chuyến bay thẳng đầu tiên của Hãng Bamboo Airways từ Hà Nội đi Thiên Tân (Trung Quốc) - Ảnh: Q.H.
Theo các hãng bay, vào năm 2019 tỉ lệ du khách Trung Quốc chiếm 32,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyến bay đến Trung Quốc chiếm tới 25% lượng khai thác của ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet ở thời điểm trước dịch.
Chuẩn bị trở lại thị trường tỉ dân
Chuyên nhập linh kiện, phụ tùng động cơ đốt trong máy móc từ Trung Quốc, ông Nguyễn Hoàng Thông - giám đốc một công ty tại TP.HCM - cho biết đang trông ngóng các chuyến bay của Việt Nam trở lại Quảng Châu. Sau ba năm làm việc online với đối tác, công việc của ông không được suôn sẻ như mong muốn.
Khi nghe tin Trung Quốc nới lỏng phòng chống dịch, hàng không sẽ bay trở lại, ông Thông rất phấn khởi. "Tôi lên mạng tìm vé của Vietnam Airlines, giá vé tới 31 triệu đồng (một chiều) là khá đắt. Tuy nhiên có còn hơn không, phải chấp nhận giai đoạn đầu khó khăn về cách ly nhưng được qua làm việc trực tiếp sẽ tốt hơn", ông Thông nói.
Các hãng bay Việt Nam cũng cho biết đang xúc tiến kế hoạch khai thác thị trường Trung Quốc. Ngày 9-12 Vietnam Airlines sẽ nối lại chặng bay Hà Nội - Thượng Hải, TP.HCM - Quảng Châu, Thượng Hải với tần suất 1-2 chuyến/tuần. Bamboo Airways cho biết ngày 6-12 hãng đã có hai chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đến TP Thiên Tân, vận chuyển gần 400 khách.
Ông Hoàng Ngọc Thạch - giám đốc cấp cao khối thương mại Bamboo Airways - cho biết hãng hoàn tất chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội, TP.HCM tới Thiên Tân với hơn 400 khách. Đây sẽ là bước tạo đà quan trọng để hãng tiến tới khai thác các đường bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco, làn sóng khách quốc tế sẽ bùng nổ trong năm 2023 khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch. Do đó ngay từ tháng 12, công ty này đã mở tới hai phòng chờ với diện tích hơn 400m2, trong đó một phòng dành riêng cho khách theo đạo Hồi.
Ông Nguyễn Đình Hùng - tổng giám đốc Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) - cũng cho rằng tín hiệu mở cửa của Trung Quốc sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023, dự báo sản lượng khách quốc tế sẽ tăng trưởng, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực phục vụ.
Chưa thể bung tần suất ngay
Dù kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách chống dịch nhưng đối với hàng không, thủ tục khách đi và đến Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn.
Các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc suốt thời gian dài đã khiến các hãng bay chuyển sang hoạt động ở những nơi khác.
Với nhiều hãng hàng không ở châu Á, chính sách nới lỏng lần này của Trung Quốc chưa đủ cơ sở để đưa ra những thay đổi lớn. Như Hãng Malaysia Airlines hiện chỉ có hai chuyến bay mỗi tuần đến Quảng Châu với sức chứa hạn chế, dù đây từng là thị trường hàng đầu của họ.
Theo đơn vị cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OAG Aviation, dù Trung Quốc nới lỏng phòng chống dịch là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa đủ để các hãng bay triển khai một đợt khôi phục lớn về năng lực bay lúc này.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không cho rằng từ quý 2 hoặc quý 3-2023, Trung Quốc sẽ "thoáng" hơn trong việc phòng chống dịch, du khách nước ngoài có thể không còn phải cách ly.
Vì sao thời điểm này hàng không Việt tìm cách nối chuyến lại Trung Quốc? Theo các hãng bay, việc đẩy mạnh khai thác thị trường tỉ dân này không dễ dàng với hàng không Việt Nam.
Với các chuyến bay thường lệ, các hãng bay lớn của Trung Quốc thuộc nhóm Big4 như China Southern Airlines, Air China, China Eastern Airlines và Hainan Airlines sẽ được tăng tải với slot rồi mới đến các hãng bay Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet...
Vẫn còn một số quy định phòng dịch
Đại diện một hãng bay cho biết việc trở lại thị trường Trung Quốc chỉ mới bắt đầu nên vẫn còn hàng rào về phòng chống dịch, khách tới đây vẫn phải cách ly.
Theo đó, ngoài găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn, nhân viên phi hành đoàn có thể phải dùng thêm đồ bảo hộ. Hãng khai báo hải quan điện tử tổ bay, gửi danh sách khách khởi hành từ Hà Nội, TP.HCM trước 30 phút sau khi cất cánh đến địa chỉ sân bay đến.
Hành khách phải có kết quả xét nghiệm COVID PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước giờ bay; có mã xanh của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, khi đến nơi phải cách ly năm ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày.
Du lịch Việt sẵn sàng đón khách Trung
Ông Từ Quý Thành, tổng giám đốc Công ty Liên Bang Travel chuyên thị trường các nước nói tiếng Hoa, cho biết việc Trung Quốc thông báo nới lỏng các biện pháp chống dịch đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch.
Theo ông Thành, vẫn còn nhiều thủ tục và cần thời gian để có thể kết nối, hồi phục thị trường du lịch giữa hai nước nhưng sự chuẩn bị từ bây giờ là hết sức cần thiết.
Trong quá trình này, các hãng hàng không sẽ phải đi trước vì đây là điều kiện kết nối vật lý đầu tiên, ban đầu tần suất bay sẽ hạn chế và có thể tăng dần để giảm bớt giá vé…
"Kinh nghiệm cho thấy để phục hồi một thị trường du lịch cần phải ít nhất 3 đến 6 tháng, trước đó là quá trình khảo sát, đánh giá của các công ty du lịch về những điểm đến ở Trung Quốc, sự sẵn sàng về dịch vụ lưu trú, nhà hàng…
Chúng tôi dự đoán tháng 3-2023 sẽ có những đoàn famtrip như thế", ông Thành kỳ vọng. "Famtrip" là tắt của cụm từ familiarization trip, thuật ngữ trong ngành du lịch để nói về một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị.
Dù thừa nhận vẫn sẽ còn phải chờ đợi thêm cho tới khi mọi thủ tục đi lại được cởi mở và thuận tiện hơn nữa, song nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng cần sẵn sàng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngay từ bây giờ để đón khách Trung Quốc nếu không muốn đánh mất cơ hội.
N.BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận