Đánh cá trái phép, ngư dân Trung Quốc bị bắn chết
Phóng to |
Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bắt giữ một tàu cá Trung Quốc - Ảnh: peopledaily.com.cn |
Tân Hoa xã ngày 17-10 cho biết đại sứ Trung Quốc ở Seoul Trương Hâm Sâm đã chuyển công hàm phản đối của Bắc Kinh cho phía Hàn Quốc.
Thời Báo Hoàn Cầu còn nhấn mạnh Hàn Quốc cần điều tra kỹ lưỡng vụ việc để bảo vệ “quyền đánh cá hợp pháp của ngư dân Trung Quốc” trên biển Hoàng Hải. Trong khi đó, Seoul khẳng định tàu cá Trung Quốc luôn xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Hàn Quốc.
30 tàu cá Trung Quốc lấn biển Hàn Quốc
Trong cuộc vây ráp các phần tử đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải lúc 15g10 ngày 16-10, tàu 3009 thuộc lực lượng cảnh sát biển thành phố Mokpo phát hiện 30 tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.
Khi lính tuần duyên Hàn Quốc lên một trong các tàu để kiểm tra thì một ngư dân Trung Quốc đã dùng dao tấn công buộc Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc phải nổ súng. Cùng ngày, ngư dân này đã được đưa đến bệnh viện gần đó nhưng đã thiệt mạng. Seoul cũng bắt giữ 23 ngư dân Trung Quốc để thẩm vấn.
“Lực lượng tuần duyên đã bắn đạn cao su trong khi đối mặt với phản ứng quá khích của những ngư dân Trung Quốc” - Yonhap dẫn lời một lính tuần duyên Hàn Quốc.
Vụ việc mới này thổi bùng căng thẳng từ lâu đã âm ỉ giữa hai phía. Đụng độ giữa tuần duyên Hàn Quốc và ngư dân Trung Quốc thường xuyên xảy ra ở khu vực Hoàng Hải. Phía Hàn Quốc cho biết mỗi năm họ đã phải ngăn chặn hàng trăm tàu cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó phần lớn là tàu cá Trung Quốc. Các ngư dân Trung Quốc thường được thả sau khi đóng tiền phạt, song cũng không hiếm những trường hợp xảy ra đụng độ đổ máu do ngư dân Trung Quốc đã chống trả quyết liệt bằng hung khí.
Tháng 12-2011, một lính tuần duyên Hàn Quốc đã bị một ngư dân Trung Quốc đâm chết khi đang thi hành nhiệm vụ. Tháng 4-2012, Hàn Quốc đã tuyên án ngư dân này 30 năm tù giam vì tội giết người. Chỉ một tuần sau đó, bốn người Hàn Quốc đã bị các ngư dân Trung Quốc tấn công bằng gậy và dao.
Nhật tiếp tục cảnh giác ở biển Hoa Đông
Trong khi đó, trên biển Hoa Đông, căng thẳng Trung - Nhật vẫn chưa hết sóng gió. Theo báo Asahi, ngày 17-10 nhóm tàu chiến của Trung Quốc đã rời khu vực biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng Tokyo vẫn đang tăng cường cảnh giác với Bắc Kinh.
Một nguồn tin Chính phủ Nhật tiết lộ Tokyo đang tiếp tục diễn tập nhiều tình huống có thể xảy ra, kể cả việc ứng phó như thế nào nếu tàu chiến Trung Quốc lấn sâu vào vùng biển chủ quyền của Nhật Bản. Báo The Japan Times dẫn lời Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định các tàu tuần tra và máy bay trinh sát được lệnh tiếp tục cảnh giác cao độ ở các khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư.
Song Nhật Bản cũng đang phản ứng khá thận trọng nhằm không tạo cớ cho Trung Quốc gây sự và leo thang xung đột. Bằng chứng là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đến nay vẫn chưa triển khai các tàu khu trục đến khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo hiện vẫn chỉ sử dụng máy bay trinh sát P-3C và tàu tuần tra ở khu vực này. “Lực lượng bảo vệ bờ biển vẫn dùng các phương tiện trinh sát, tuần tra phù hợp và sẽ không có gì thay đổi”- báo Asahi dẫn lời chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nhấn mạnh.
Nhật Bản cũng đẩy mạnh các hoạt động trên mặt trận ngoại giao để giành sự ủng hộ quốc tế. Tổng giám đốc Cục Hải dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Shinsuke Sugiyama, đã yêu cầu Trung Quốc “hãy hành động hợp lý và hãy quan tâm đến cục diện lớn hơn là mối quan hệ song phương giữa hai nước”.
Cùng lúc, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã có cuộc gặp với Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns. “Tôi mong muốn có cuộc thảo luận tốt đẹp về mối quan hệ Nhật - Mỹ, trong đó có các thỏa thuận an ninh cũng như tình hình căng thẳng leo thang hiện nay ở Đông Á” - báo The Japan Times dẫn lời ông Gemba nói với ông Burns.
Tương tự, viết trên báo Le Figaro (Pháp), ông Gemba khẳng định “quần đảo Senkaku rõ ràng là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản, việc đẩy mạnh những đòi hỏi chủ quyền bằng cách sử dụng bạo lực và coi thường luật pháp quốc tế là hoàn toàn phi lý”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận