![]() |
Sông Hồng, sông Đà, sông Mekong... của VN bắt nguồn từ đâu, đang ra sao khi mà ở thượng nguồn các dòng sông đang “thở hắt”? Một vài dữ kiện tham khảo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong lần 2, ngày 4 và 5-7-2005 sắp tới.
Những con số!
Hôm thứ ba 28-6-2005, Thông tấn xã AFP loan tin: “Con số nạn nhân thiệt mạng hay mất tích trong các cơn lụt năm nay ở TQ đã lên đến 771 người - Tân Hoa xã vừa loan tin. Gần 2,9 triệu dân TQ đã phải sơ tán tránh lũ lụt. Các tỉnh thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh miền nam TQ như Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam…”.
Trước đó lại là hạn hán. Hạn hán và lũ lụt là hai mặt của vấn nạn sử dụng và lạm dụng nguồn tài nguyên nước cũng như phá rừng.
Theo các con số thống kê mới nhất của Bộ Xã hội TQ, lũ năm nay đã khiến 204 người thiệt mạng, 79 người mất tích, ảnh hưởng đến 1.828 triệu ha đất, hủy hoại 614.000 ha đất trồng hoa màu… Trong khi đó, hạn hán trước đó đã gây thiệt hại cho 6,647 triệu ha đất trồng hoa màu”(Xinhuanet, 5-6-2005, 09g27).
![]() |
Đập Tam Hợp |
Sông Min được nhắc đến trong nhiều bản tin và bài báo như một hình ảnh khô cạn. Như bài viết của Sichuan Online hôm thứ sáu 22-4-2005 với tựa đề rất “nóng”: “Sông Min bị khô cạn do các đập thủy điện”.
Các đập xây dựng trên thượng nguồn sông Dương Tử đã biến dòng sông một thời là hùng vĩ trở nên khô hạn ở nhiều chỗ, đe dọa hệ thống thủy lợi cổ truyền. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Min dài 735km đã là nguyên nhân của việc làm khô cạn dòng sông này. Việc vận hành các đập một cách độc lập với nhau đã không đếm xỉa gì đến mực nước sông.
Ở hạ lưu đập Zipingpu sắp hoàn tất, sông Min thu hẹp lại thành một dòng suối mỏng manh, lòng sông trơ ra. Xa hơn ở thượng nguồn, ở thị trấn Nanxin Mou, sông Min hoàn toàn biến mất, lòng sông giống như một dải sa mạc lổn nhổn những đá cuội. Ở vài nơi, ngay cả dấu tích của dòng sông ngày nào cũng không còn.
Có đến 15 đập đã được xây dựng trên một thung lũng chạy dài 200km từ thị trấn cổ Songpan, nơi có hệ thống đê điều Dujiangyan giữ nước từ năm 475 đến 221 trước Công nguyên.
Một chuyên viên về thủy lợi phát biểu: “Xây dựng thủy điện mà không được kiểm soát thấu đáo sẽ phá hoại con sông Min này”. Liu Daoguo, giám đốc văn phòng quản lý dự án thủy lợi Dujiangyan, phát biểu: “Sẽ có nhiều thách thức còn tiếp tục đặt ra trong việc cung cấp nước cho nông nghiệp. Các nhà khai thác đập cần tuân thủ các qui định, một mùa đông khô khốc có nghĩa là sẽ hiếm có nước hơn các năm trước”.
Các nhà thủy lợi còn lo ngại rằng sông Min sẽ càng khô hạn vào mùa khô nếu như tình hình hiện tại (xây dựng và khai thác đập) cứ tiếp tục. Sông Zagunao, một nhánh sông của sông Min, ở chỗ hẹp nhất nay chỉ còn có 7,8m bề ngang. Trong khi đó, sông Jinma - chảy qua thủ phủ Chengdu - mùa hè thì lũ, mùa đông thì hạn.
Các nhà môi trường còn sợ rằng việc phát triển thủy điện sẽ còn làm thay đổi hệ thống sinh thái của con sông, đặc biệt là đời sống các loài thủy sản. Cá bị đe dọa nghiêm trọng nhất vì chúng không thể nào sống sót khi phải “vượt vũ môn” là các tuôcbin của các nhà máy thủy điện, rồi phải bơi suốt các đường hầm dưới các đập. Các khu vực bị hạn của dòng sông Min nay kéo dài đến 5km, đang đe dọa sự sinh tồn của 40 loài cá sông”.
Thế nhưng, cũng dòng sông ấy, qua bài viết của Joe McDonald (Thông tấn xã AP, 24-6-2005, 12g47), đọc qua chỉ thấy toàn lũ là lũ: “Lũ tại nhiều nơi trong tỉnh Quảng Tây, vùng núi ven biển phía nam, là tệ hại nhất trong một thế kỷ qua trong khi lụt trên sông Min ở Phúc Kiến lại là nghiêm trọng nhất trong hai thập niên qua”.
Hay như qua bài viết của Kelly Haggart, mang tựa đề “Các đập nhỏ vỡ khi mùa lũ mới chỉ sớm bắt đầu”:
“Do lẽ số nạn nhân lũ lụt đã vượt trên con số 200 người vào lúc mà mùa lũ mới chỉ bắt đầu sớm một cách bất thường, những tin đồn về một thảm họa đập vỡ đã dâng cao trong tỉnh Hồ Nam vốn đang gặp nạn. Tờ Thanh Niên Nhật Báo TQ đã cử phóng viên đi điều tra.
Chỉ riêng trong tỉnh Hồ Nam, mưa như trút nước đã đe dọa 6 triệu người, tàn phá và gây thiệt hại 200.000 căn nhà, theo các nguồn tin của mạng Hongwang (Red Net) của tỉnh Hồ Nam. Xinhuanet hôm thứ ba 7-6 cho biết số tử vong ở Hồ Nam đã lên đến 91 người.
Tờ Trung Kinh Buổi Sáng (Chongqing chenbao) hôm thứ hai (6-6) tường thuât rằng các thị trấn Taizhimiao và Tanfu trong huyện Xinshao bị tàn phá nhiều nhất. Một số người cho rằng nguyên nhân không phải do mưa như thác lũ từ trên núi đổ về, mà do hồ chứa nước Yaoxuntang reservoir ở huyện Xinshao bị vỡ.
Phóng viên tờ Trung Quốc Thanh Niên Nhật Báo đến điều tra và phát hiện rằng trong khi hồ chứa này, với sức chứa 100.000m3, vẫn còn nguyên vẹn song một cái đập nhỏ cao 20m đã bị vỡ. Dân địa phương cho biết đập Sao Đỏ (Hongxing) đã 50 tuổi này từng vỡ một lần trong những năm 1990, song sau đó đã được gia cố lại. Lần này thì nó không đương cự lại dòng suối từ trên núi quét đi.
Jiao Meiyan, giám đốc Trung tâm Khí tượng quốc gia ở Bắc Kinh, tuyên bố rằng mưa năm nay nhiều hơn mọi năm từ 40 - 70%, có nơi đến 150%. Câu chuyện hạn hán và lụt lội do các tờ báo kể trên thuật lại tập trung trong huyện Xinshao, với tác nhân (hay nạn nhân- ?) chính là dòng sông Min, hồ chứa nước và đập Dujiangyan, cùng 15 con đập trên sông Dương Tử. Tháng năm còn kêu than vì hạn, tháng sáu khóc ròng vì lụt.
Cái chết của những dòng sông khác
Asia Times tháng 8-2003 đã đăng một loạt bốn bài viết về đề tài này. Dưới đây là vài trích đoạn:
“Theo WB,TQ có tỉ lệ đất biến thành sa mạc (cả hiện tại lẫn tiềm năng) cao nhất thế giới. Sự thay đổi môi trường nhanh chóng nhất hiển nhiên là trên sông Dương Tử. Con sông này hầu như đã biến mất. TQ nay đang bị giằng co giữa hai thôi thúc cùng lúc. Một đàng là dự án điều chỉnh dòng nước vĩ đại nhất trong lịch sử, mà dự án đập Tam Hợp khổng lồ sẽ đưa nước từ Vũ Hán đến Trung Kinh mới chỉ là một phần của kế hoạch. Đồng thời các quan chức dường như đã ý thức được những tổn hại môi trường do các con đập gây ra. Dự án xây dựng đập lớn lao đầu tiên là dự án đập Sanmen Xia, phần lớn trên sông Dương Tử với 46 con đập. Càng có bàn tay cơ khí nhúng vào, con sông càng bị tổn thất và nay chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, trừ vài tháng mùa mưa, các nhà máy và nhà nông cùng thiếu hụt. Giờ đây con sông này chỉ còn chảy trên một chiều dài 1.000km ra đến biển mà thôi”.
Trong suốt chiều dài lịch sử đã qua, con sông này, Dương Tử Giang, còn được gọi là Trường Giang, với chiều dài khoảng 6.380km, là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Nil và Amazone, được sử dụng như là điểm phân chia giữa miền bắc và miền nam TQ ( Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Sau cơn lũ thảm họa năm 1950, Mao Trạch Đông ra lệnh “dời sông xẻ núi”, 36 đập lớn, 159 đập nhỏ, 4.000 hồ chứa nước được xây dựng. Hậu quả là ngày nay cả một bình nguyên ngày nào còn màu mỡ nay bị khô hạn kèm theo lũ lụt. Năm 1999, khô hạn suốt 247 ngày, càng hạn càng xây đập chứa nước, song khai thác nước ngầm khiến thảm nước ngày càng sâu hơn. Bất chấp những thành tựu đã từng được khua chiêng gióng trống đó, 3.000 hồ chứa và đập đã vỡ. Tháng 8-1975, các đập Shimantan và Banqiao tan nát, khiến 240.000 người chết đếm xác được. Hậu quả là 2/3 số thành phố TQ giờ đây thiếu nước.
TQ là đất nước đang là “chủ nhà” của hầu hết các đập lớn của thế giới (trong số 45.000 đập lớn trên thế giới, 22.104 là ở TQ, 6.390 ở Hoa Kỳ và hơn 4.000 ở Ân Độ). Song trước tham vọng trị thủy vĩ đại này, ít có tiếng nói phản biện rằng chính sách thủy điện này sẽ gây ra những tổn hại không sửa chữa lại được không chỉ cho TQ mà còn cho cả thế giới còn lại.
TQ nay đang dự định xây một loạt đập lớn trên các sông Mekong, Salween và Bramaputra vốn là sinh tử cho sự phồn thịnh của Đông Nam Á. Nếu hậu quả của kế hoạch này là rồi đây các dòng sông này cũng sẽ biến mất như sông Hoàng Hà, sông Hoài ở TQ thì hậu quả sẽ khôn lường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận