25/12/2008 08:29 GMT+7

Hạn chế xe cá nhân: phải có lộ trình

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Ngày 24-12, tại hội thảo “Đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm dần xe cá nhân”, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý đã thống nhất cần phải đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân với tình hình giao thông ngày càng ùn tắc như hiện nay.

Nghe đọc nội dung toàn bài:
a5A9yt3c.jpgPhóng to
Ôtô được dự báo sẽ bùng nổ, nếu không có kế hoạch quản lý tốt ngay từ bây giờ -Ảnh: GIA TIẾN

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Trung tâm vận tải Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, cho rằng với hơn 15 triệu lượt đi lại mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM mà lưu thông bằng phương tiện cá nhân chiếm 90%, trong khi phương tiện công cộng chỉ khoảng 5% phục vụ nhu cầu đi lại là quá thấp. Hiện lưu lượng lưu thông đã vượt quá khả năng phục vụ của mặt đường trên địa bàn TP… Thế nhưng, hệ thống giao thông công cộng chỉ mới dừng lại ở xe buýt nên chưa thu hút được sự tiếp cận hệ thống giao thông công cộng của người dân…

Tiến sĩ Phạm Bích Hằng cho rằng trước hết phải phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp. Tuy nhiên, xe buýt không thể là phương tiện chính mà phải phát triển tàu điện ngầm hoặc monorail… Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy mô, độ dài của các tuyến tàu điện này một cách hợp lý để tập trung rước được nhiều hành khách… Kế đến, để kết hợp tốt giao thông công cộng và cá nhân, TP cần tạo ra những bãi giữ xe hoặc điểm cho thuê xe cá nhân tại những vùng đệm (vùng nối giữa khu vực cho phép lưu thông xe cá nhân và khu vực chỉ cho phép lưu thông bằng phương tiện công cộng)…

Đồng ý với tiến sĩ Hằng về việc phải phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng, tiến sĩ Trịnh Văn Chính - nguyên phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải - còn đề nghị phải phát triển phương tiện xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (BRT), xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, chú trọng hoàn chỉnh một cách hệ thống mạng lưới giao thông công cộng theo chức năng tuyến trục, tuyến nhánh, tuyến kết nối…

Theo tiến sĩ Hằng, tại TP.HCM nếu ngay lập tức sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân trong TP chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ phía người dân… Do vậy, TP nên kết hợp tiện ích hai loại hình giao thông công cộng và xe cá nhân. Tại một số khu vực trung tâm TP đã được phục vụ tốt bởi giao thông công cộng sẽ tiến hành hạn chế xe cá nhân, các khu vực khác vẫn tiếp tục cho lưu thông phương tiện cá nhân.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng khẳng định chiến lược phát triển giao thông đô thị phải được xây dựng trên nền giao thông công cộng bền vững song song với giảm giao thông cá nhân.

Tiến sĩ Mai cũng khuyến cáo ngay từ bây giờ TP phải rút được bài học từ việc tăng xe gắn máy và bắt đầu nghĩ đến việc phát triển ôtô có thể bùng nổ từ năm 2015 - 2020. Nếu lãnh đạo TP không đứng ra giải quyết thì không thể cải thiện được bộ mặt giao thông đô thị.

Có mặt tại hội thảo, đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa đã đồng tình với các giải pháp đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng và giảm dần phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng cần phải có một hội nghị chuyên đề cấp TP để lấy ý kiến của HĐND. Sau đó, những biện pháp để hạn chế xe cá nhân từ kinh tế đến hành chính đều phải được quyết ở các kỳ họp HĐND.

Đường không đủ để chạy xe

Hiện TP.HCM có khoảng 3,7 triệu môtô - xe gắn máy, 370.000 ôtô cá nhân, chưa kể khoảng 60.000 ôtô và khoảng 700.000 xe gắn máy ngoại tỉnh. Mỗi năm TP.HCM tăng khoảng 350.000 - 400.000 xe gắn máy.

Xe cá nhân (xe gắn máy và ôtô cá nhân) đang chiếm 89,4% dòng lưu thông trên tất cả các tuyến đường.

Diện tích mặt đường hiện nay tại TP.HCM là 16,3 triệu m2, trong khi đó xe gắn máy đã chiếm 12,48 triệu m2 (trạng thái tĩnh và động) diện tích đường.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên