25/02/2020 11:10 GMT+7

Hạn chế hành vi kém văn minh trên mạng

MI LY - ĐỨC THIỆN ghi
MI LY - ĐỨC THIỆN ghi

TTO - Câu chuyện Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet được nhiều độc giả quan tâm, bàn luận. Làm thế nào để tạo môi trường giao tiếp trên mạng văn minh, hạn chế tiêu cực cho xã hội? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.

* Hoa hậu đại dương Lê Âu Ngân Anh:

Không từ hiện tượng suy ra bản chất

Hạn chế hành vi kém văn minh trên mạng - Ảnh 1.

Đến bây giờ chắc hẳn vẫn còn nhiều khán giả nhớ về tôi với đôi môi sưng phồng trong đêm chung kết năm 2017. Cuộc sống của tôi từ trước và sau thời khắc đăng quang thay đổi một cách kinh khủng và khó mường tượng nổi. 

Lúc đó, hình ảnh của tôi với diện mạo "kỳ cục" được lan truyền trên Internet với tốc độ chóng mặt cùng những lời chỉ trích, miệt thị, thậm chí ví von tôi với một loài động vật. Thật sự đó là "tai nạn nghề nghiệp" mà tôi sẽ khắc ghi suốt đời.

Trong vấn đề sử dụng Internet kém văn minh, việc bắt nạt hay miệt thị cơ thể như trường hợp của tôi chỉ là một trong rất nhiều hành vi gây tổn thương. Bên cạnh đó còn có kỳ thị phụ nữ, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín cá nhân - doanh nghiệp thông qua tin giả.

Sai lầm dễ gặp của phần đông người Việt Nam là mới thấy hiện tượng đã nghĩ ngay đến bản chất. Cách nghĩ đó thường sai hoặc thiếu, phần lớn dựa vào phỏng đoán. Sử dụng Internet không chọn lọc sẽ đẩy chúng ta rơi vào những chiếc bẫy thông tin như vậy.

Mục đích của chúng ta khi sử dụng mạng xã hội hay Internet là gì? Đó là tìm kiếm thông tin chính xác và rút ngắn khoảng cách, thời gian tương tác. Vậy thì chắt lọc thông tin vô cùng quan trọng. Hãy đọc những bài báo chính thống thay vì các trang tin không rõ nguồn gốc. Hãy tương tác với ai bạn thật sự quen biết và đừng để người khác biết quá nhiều thông tin cá nhân của mình.

Khi chúng ra có ý thức trong từng dòng chữ mình gõ trên bàn phím, tự hỏi nó ảnh hưởng đến người khác như thế nào, thì chúng ta đã góp phần sử dụng Internet tích cực hơn rồi.

* Phạm Lan Khanh (CEO Công ty CP FreelancerViet):

Giáo dục văn hóa ứng xử và văn minh trên mạng từ nhà trường

Hạn chế hành vi kém văn minh trên mạng - Ảnh 2.

Để không tạo điều kiện cho những hành vi công kích, xuyên tạc, bịa đặt và lừa đảo, theo tôi, người dùng hãy thẳng tay "report" (báo cáo) những nội dung thiếu văn hóa, có tính chất công kích mạnh mẽ ảnh hưởng đến một người hay một nhóm người cụ thể nào đó, bịa chuyện hay chiêu trò trục lợi nhằm lừa gạt nhóm người kém hiểu biết, những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến cộng đồng mà chưa được kiểm chứng...

Thứ hai, các cơ quan nhà nước nên có cổng báo cáo hành vi vi phạm an ninh mạng online. Bằng cách truy cập vào một trang web nào đó của cơ quan nhà nước quản lý, người dân có thể báo cáo những hành vi mà họ cho rằng điều đó vi phạm Luật an ninh mạng (với những chứng cứ cụ thể).

Thứ ba, mức phạt hiện nay cho các hành vi vi phạm Luật an ninh mạng còn quá nhẹ, vì thế những sự việc vi phạm vẫn đang diễn ra hằng ngày. Chỉ khi nào người dân thấy mức độ thiệt hại trong việc phát ngôn bừa bãi thì khi đó người ta mới "uốn lưỡi bảy lần" trước khi nói. Vậy nên, cần tăng cao hình thức phạt.

Thứ tư, doanh nghiệp, cộng đồng người trẻ và giới showbiz nên cùng chung tay vận động, lan tỏa cho nhau về ý thức phát ngôn và lối ứng xử văn minh trên mạng xã hội. Giới nghệ sĩ, diễn viên là người của công chúng nhưng cũng là nạn nhân bị công kích nhiều nhất từ các "anti-fan" của mình, vì thế nhóm nghệ sĩ lại càng phải là người đứng ra tuyên truyền cho chiến dịch này mạnh mẽ hơn.

Điều quan trọng nữa, theo tôi, là các trường học phổ thông (cấp II-III) và CĐ-ĐH cũng nên đưa vào những tiết dạy liên quan văn hóa ứng xử và văn minh trên mạng.

Hãy tự tiêm "văcxin" cho mình

van quy ngoc ai 24-2 3(read-only)

Với sự phát triển đi cùng quy mô trải rộng và mức độ phổ biến của mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ, dù bạn là một công dân bình thường hay người nổi tiếng. Những khuôn mặt đằng sau cái nickname sẵn sàng tấn công tập thể một người xa lạ chỉ vì một phát ngôn, hình ảnh, clip... nào đó. Làm thế nào để không trở thành nạn nhân của những người Việt xấu xí?

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" - ông bà mình đã có câu như thế. Việc con người yêu thích phô bày đời sống cá nhân của mình ở thế giới ảo đã tiếp tay cho người khác có cơ hội phán xét, lên án... Vậy nên theo tôi, chúng ta đừng có gì nói nấy, đừng như một trang sách mở với toàn bộ tình yêu, gia đình, mối quan tâm... dù là ở ngôi nhà trên mạng của mình.

Khuôn mặt của con cái chúng ta chưa chắc đã an toàn dù ta thiết lập chế độ người xem là bạn bè. Hãy dành sự riêng tư cho chính ta và bảo vệ những người quan trọng bằng cách đừng khiến người khác có cơ hội nhòm ngó, bình phẩm về thành tích học tập của con cái, những thành công của bản thân, sự quan tâm hay khác biệt của vợ chồng... Đôi khi chính vì quá say mê với thế giới ảo mà ta quên mất con người cần kết nối thật, yêu thương chân thật...

Trong các cuộc tranh luận, góp ý chân thành kỳ thực không khó, nhưng nhu cầu thể hiện chính mình đã khiến con người dễ dàng bày tỏ thái độ thiếu cảm thông. Vì vậy, chúng ta cần tự nhắc mình đừng sẵn sàng lao vào cuộc chiến không hồi kết với một ai đó có góc nhìn trái chiều với mình. Trao đổi là để cùng làm sáng tỏ một vấn đề, không phải hơn thua, lại càng không nên là cơ hội để miệt thị ai đó.

Và hơn ai hết, ta phải tách mình ra khỏi thói nghiện sử dụng mạng xã hội để không quên mất mình là ai, như thế nào. Những gì người ta nói về mình, những tung hô, những nhận xét có thể khiến ta lạc lối, lệ thuộc cảm xúc. Hãy tự tiêm "văcxin" cho mình, tạo tấm áo giáp cho con cái bằng trở về với chính mình, lắng nghe cơ thể, tìm hiểu suy nghĩ thật sự cả nhu cầu ẩn đằng sau hành động, cảm xúc của mình, của nhau.

Văn Quý Ngọc Ái (điều hành tổ chức 1648kilomet)

Thăm dò ý kiến

Theo bạn cần làm gì để hạn chế hành vi kém văn minh trên mạng?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

'Mạng xã hội đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro'

TTO - Liên quan đến thông tin 'người Việt kém văn minh trên mạng xã hội', có đề xuất các công ty công nghệ bỏ số đếm like, tương tác vì người dùng bị ám ảnh rằng giá trị của mình nằm ở đó.

MI LY - ĐỨC THIỆN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên