28/01/2011 14:11 GMT+7

Hai tính cách trái ngược

 LẠI NGUYÊN ÂN
 LẠI NGUYÊN ÂN

TTC - Trong số những đôi bạn văn hồi tiền chiến, đôi bạn Lưu Trọng Lư và Nguyễn Tuân là một dạng riêng. Họ chơi với nhau từ hồi nào, không ai biết, và đến những năm 1960 - 1970 thì trong bọn trẻ mới bước vào giới văn nghệ, ít ai còn nhận ra rằng hai tay bút đàn anh ấy đã từng là bạn chí thiết.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

O9mB0plA.jpgPhóng to

Thế nhưng quả thật hai người ấy đã chơi với nhau từ giữa những năm 1930, khi mà Lưu Trọng Lư đã có Người sơn nhân trình làng, còn Nguyễn Tuân mới có một ít bài đăng báo, nhưng nổi danh tài tử với chuyến xuất ngoại sang Hồng Kông đóng phim Cánh đồng ma, cũng lại nổi danh về trống phách trong giới quan viên tại các xóm cô đầu Hà thành. Cho nên, cuối những năm 1980, khi ngồi ở TP.HCM hồi ức về thời trẻ, Lưu Trọng Lư không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân!

Trong trí Lưu Trọng Lư, ông vẫn lấy làm lạ: chẳng hiểu sao số mệnh lại “vứt” hắn (Nguyễn Tuân) vào đời mình, bởi hai người là hai tính cách cực kỳ trái ngược!

“Nếu có vài điểm giống giữa hắn và tôi, thì đại để tôi là cái mặt trái của Nguyễn Tuân và ngược lại... Chỗ Tuân rộng lượng dung tha thì tôi ích kỷ; chỗ Tuân ích kỷ thì tôi dung tha. Nhưng hắn là một trong số người tôi không thể thiếu được!”.

Lư tự xem mình là người ăn mặc thế nào cũng được, trái lại, Tuân ăn thì theo kiểu Tản Đà, ở thì nơi ở phải là “cái tổ của chim phượng hoàng”, và mặc thì phải như ông hoàng Tây. Có những lúc giữa hai người xảy ra những xung đột ngấm ngầm ghê gớm! Tại một bữa tiệc do những người bạn giàu thết đãi chẳng hạn. Rượu đầy bàn, nhưng tính Lư không uống rượu, chỉ uống khi thật thích và uống xong là tìm chỗ ngủ, chờ ai đó vạch lên trán một vạch vôi... giải rượu.

Thế nên vào tiệc, Lư xới cơm ăn ngay; thấy thế, mặt Tuân đỏ lên. Lư hỏi “Chưa uống mà đã đỏ đến thế rồi ư?” rồi tiếp tục ăn cơm. Tuân vùng vằng, quay mặt đi rồi quay mặt lại, cụng chén với những ai cụng chén. Nhiều ngày sau gặp lại nhau, “hắn vẫn là hắn mà hắn lại chẳng chịu tôi là tôi”!

Tuân thường trách Lư ăn mặc quá tùy tiện, và “dạy” bạn: “Thôi thì tùy tiện mấy cũng được, cái áo, cái quần của mày có thể nhàu nếp, tóc có thể rối bồng... mày có thể ngồi xuống cỏ xuống đất mà chén cũng không sao, nhưng phải giữ cái cổ áo sơ-mi cho trắng, cái cravate phải hợp mốt, đôi bít-tất đừng để rách, và giày đừng để vẹt gót, dây giày phải thắt hết nút và nhất là mũi giày da thật bóng loáng người ta có thể soi mặt vào đó được...”. Trong phong trần mà giữ được vẻ cao sang là thế đấy!

“Trước cách mạng, chúng tôi rất khác nhau mà sao vẫn cặp kè nhau!... Văn chương của tôi, Tuân cũng chả thú gì, thơ tôi hắn không thuộc câu nào. Có lẽ chỉ một đoạn văn trong quyển Dòng họhắn còn tủm tỉm cười khi nhắc đến. Còn Vang bóng một thời của Tuân, đối với tôi chỉ là loại văn chương nửa ta nửa Tàu, lổm cổm, cầu kỳ! Sau cách mạng, tôi vẫn là “đứa chồm chồm”, Tuân vẫn là “thằng ngất ngưởng”, không thể ngồi bên nhau lâu... Mặc dầu tôi vẫn phục hắn là tay sành ngôn ngữ. Hắn xử ngôn ngữ như những mũi tên!”.

Thuở ấy, giữa những năm 1930, Tuân đang ở tỉnh Thanh; Lư cùng vợ con ở Hà Nội, đang bí về việc làm thì một người bạn giới thiệu về Thanh dạy học. Trong vô số lý lẽ khiến Lư nhận vô xứ Thanh có cái lý do nho nhỏ là được gặp lại ông bạn Nguyễn Tuân. Lư dần dần nhận ra, cái thói mà mình tự nhận là “giang hồ” thì ở Tuân nó được gọi là bệnh “xê dịch” - khác chữ nhưng cùng nghĩa.

Có hai chuyện với Tuân hồi ấy mà Lư nhớ đến tận cuối đời...

Một chiều, đã gần lúc hoàng hôn mà Tuân còn đến kéo Lư đi, mặc vợ Lư phản đối. Đi đâu? Tuân không cho biết! Tuân kéo Lư lên một góc thành Thanh Hóa kiểu xây như thành Hà Nội. Tuân chọn một góc thành, đưa ra một chai rượu mạnh của Pháp: rượu “Rum”. Lư uống bằng nắp chai, còn Tuân thì dốc hẳn chai vào miệng ừng ực, mắt nhìn vào phía tường còn ánh nắng, một làn mây đang bay nhanh... Lư nhận thấy mặt mày Tuân lúc ấy thật hào hứng!

Một lần khác, Tuân nhận được một món nhuận bút, kéo Lư đi vào tận Quỳnh Lưu. Dịp đó, viên tri phủ vùng ấy khét tiếng hống hách, đang có lệnh đòi những cô đào đẹp nhất vùng vào tận phủ đường phục vụ y và đám quan chức bạn bè y. Những chị em tài ba, nhan sắc, thấy mấy văn sĩ tới thăm thì rất mừng, nhưng thấy quan đòi cũng sợ. Nhưng cái tài trò chuyện của Tuân đã thu hút chị em - những người tự coi mình với văn nhân thi sĩ như cùng hội cùng thuyền, “cùng một lứa bên trời lận đận”.

Kết quả là không phải 1 mà 3 hôm liền, bọn Tuân, Lư đã giữ lại được những chị em đẹp nhất tài hoa nhất, chỉ buông cho viên tri phủ uy quyền kia vài chị em chưa sạch nghề. Lư nhớ lại: “Chúng tôi không mất một đồng tiền mà chị em vẫn quấn quýt bên chúng tôi. Và trong một trận đánh không giáp mặt, không gươm đao, chúng tôi đã thắng. Tuân nói: Từ ngoài Hà Nội, chúng ta vẫn trấn các địa phương! Tuân là người đánh trống cự phách, mắt Tuân sắc, tướng Tuân oai, đôi tay Tuân dẻo. Tuân là cả một sự hấp dẫn đối với những người này!”.

Nhưng những ngày ở xứ Thanh đã đột ngột kết thúc với Lưu Trọng Lư. Một buổi kia, đang dạy trên lớp thì có lệnh “giải hồi nguyên quán”, ông bị áp giải về Quảng Bình, lý do dường như là vì viên Công sứ tỉnh Thanh ngờ rằng ông có dính vào một vài hoạt động chính trị!

----------------------------

* Trong bài có sử dụng nhiều tình tiết và sự việc nêu trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, 1989, của nhà thơ Lưu Trọng Lư.

LẠI NGUYÊN ÂN

w9bgMBKK.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười Xuân Tân Mão 2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

 LẠI NGUYÊN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên