Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 cặp vợ chồng vô sinh thì nguyên nhân do vợ chiếm 40%, do chồng 30%, do cả vợ và chồng chiếm 20% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn do cả vợ lẫn chồng. Người chồng có thể bị bất thường về chất và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết, xuất tinh sớm hoặc ngược dòng, nghiện thuốc lá… Trong khi đó phụ nữ nắm chức năng sinh sản sẽ gặp phải những yếu tố bất lợi như bị tổn thương vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, quá độ tuổi sinh đẻ (nhất là sau tuổi 35), rối loạn rụng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc các khối u buồng trứng….
Tuy nhiên có nhiều phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn, trong đó có 2 phương pháp đang được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam đó là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
1. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (thụ tinh nhân tạo - IUI)
Đây là thủ thuật thực hiện bằng cách đưa một ống rất nhỏ, mềm, mảnh đi qua cổ tử cung và bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung. Kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng làm giảm đáng kể tỉ lệ các tinh trùng không tốt, từ đó làm tăng tỉ lệ thụ thai.
Phương pháp này được chỉ định điều trị cho những trường hợp: bất thường phóng tinh, tinh trùng yếu, yếu tố tử cung, vô sinh nam, miễn dịch, vô sinh không rõ nguyên nhân, lạc nội mạc tử cung dạng nhẹ và rối loạn phóng noãn.
Các bước thực hiện IUI bao gồm: kích thích buồng trứng, lọc rửa và chuẩn bị tinh trùng, cuối cùng là bơm tinh trùng vào tử cung.
Kết quả của IUI thường tính bằng tỉ lệ có thai trên số chu kỳ điều trị. Kết quả này thường thay đổi tùy theo trung tâm, tùy bác sĩ điều trị, tùy chỉ định, đối tượng bệnh nhân, phác đồ kích thích buồng trứng và các phác đồ phối hợp. Tỉ lệ thành công trung bình của một chu kỳ nói chung khoảng 15-20%.
Tỉ lệ thành công thường cao trong khoảng 3 chu kỳ điều trị đầu và giảm dần. Hầu hết các trung tâm sẽ không tiếp tục bơm tinh trùng nếu thất bại từ 6 chu kỳ trở lên; đối với bệnh nhân trên 35 tuổi, không nên tiếp tục IUI nếu thất bại từ 3 chu kỳ trở lên.
Biến chứng của kỹ thuật IUI: có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, đa thai, nhiễm trùng, xuất huyết, đau bụng, viêm vòi trứng…
2. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung người phụ nữ, phôi sẽ bắt đầu hiện tượng làm tổ và phát triển thành thai nhi như quá trình thụ thai bình thường.
Ban đầu, thụ tinh trong ống nghiệm được dùng để điều trị các phụ nữ bị tắc nghẽn, tổn thương vòi trứng. Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm cũng được dùng để điều trị các nguyên nhân gây vô sinh khác như lạc nội mạc tử cung và vô sinh nam hoặc các trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
Các bước thụ tinh trong ống nghiệm: người phụ nữ được dùng thuốc để kích thích buồng trứng và theo dõi đến khi trứng đủ trưởng thành, sau đó hút trứng dưới hướng dẫn của siêu âm, bên cạnh đó cũng lấy tinh trùng (tự nhiên, phẫu thuật hay xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng). Sau khi lấy trứng, lấy tinh trùng ra ngoài, cho trứng và tinh trùng thụ tinh (tự nhiên hay thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương trứng). Nuôi phôi 2-5 ngày, sau đó chuyển phôi vào buồng tử cung người vợ; sau khi chuyển phôi 2 tuần sẽ biết được có thể mang thai hay không.
Chi phí thực hiện: bao gồm chi phí kỹ thuật và chi phí tiêm thuốc kích thích, tổng chi phí khoảng 25 -35 triệu đồng.
Tỉ lệ thành công của IVF tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi tác, nguyên nhân vô sinh, các bệnh lý kèm theo, thời gian vô sinh, kỹ thuật thực hiện. Điều trị vô sinh bằng phương pháp IVF thường cho kết quả 30-35%.
IVF hiện được xem là một trong những phương pháp điều trị vô sinh hiệu quả nhất, đem lại hi vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Các bệnh nhân có thể đến khám và điều trị vô sinh hiếm muộn tại các bệnh viện, các trung tâm, cơ sở được sở y tế cho phép khám, chữa bệnh và các bệnh viện có chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như: Từ Dũ, Hùng Vương, Bình Dân, Đại học Y dược…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận