Trụ sở UBND và các phòng ban của TP Hải Phòng hiện tại còn khá tốt, nhiều người cho rằng sẽ lãng phí nếu di chuyển trung tâm hành chính chính trị đi nơi khác - Ảnh tư liệu. |
Chủ trì buổi họp báo, ông Lê Khắc Nam, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết: thông tin đăng tải trên nhiều báo chí là không chính xác, không có việc Hải Phòng xây trụ sở hành chính hết 10.000 tỉ đồng và cũng không thể xây trung tâm hành chính với số tiền này.
“Đây là dự án tiền khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu đô thị trung tâm hành chính chính trị mới Bắc Sông Cấm. Hải Phòng chưa hề có dự án cho xây dựng trụ sở hành chính, trước hết là đầu tư hạ tầng, cầu cống, đường xá, hệ thống cấp thoát nước… Sau đó sẽ kêu gọi đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, các công trình nhà ở, quảng trường… Cuối cùng mới là xây trụ sở hành chính chính trị. Lộ trình thực hiện nếu nhanh phải 5 năm nữa mới xong hạ tầng và cũng phải 10 năm nữa mới là xây trụ sở hành chính”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, chủ trương xây dựng khu đô thị mới Bắc Sông Cấm đã được bộ Chính trị phê duyệt từ năm 2003 trong nghị quyết 32 về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Kết luận 72 của Bộ chính trị năm 2013 cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hải Phòng là đẩy mạnh nâng cấp chỉnh trang đô thị đi đôi với khẩn trương xây dựng hình thành các khu đô thị mới trước hết là khu đô thị mới Bắc Sông Cấm.
Đề án xây dựng khu vực đô thị Bắc Sông Cấm cũng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong quyết định số 1448 về quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Ông Nam cho biết, việc UBND TP Hải Phòng lập đề án xây dựng hạ tầng khu đô thị Bắc Sông Cấm trong giai đoạn tiền khả thi là để hiện thực những chủ trương trên.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, trong tình hình ngân sách eo hẹp, TP Hải Phòng dựa vào đâu để xin ngân sách gần 7.000 tỉ đồng, ông Nam nói:
“Đây là số tiền để đầu tư cho những hạng mục công trình mà theo quy định là do trung ương quyết định đầu tư. Vì khu đô thị nằm dọc theo trục con sông Cấm nên phải xây cầu nối hai bên bờ sông. Trước mắt là xây cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê kè, hệ thống giao thông…
Nói Hải Phòng xin số tiền gần 7.000 tỉ đồng là chưa chính xác vì đây là xây dựng các công trình phục vụ cho chính nhu cầu của trung ương. Hải Phòng thu ngân sách lớn, hơn 50.000 tỉ đồng 1 năm và nộp hết về cho trung ương.
Riêng trong lĩnh vực hải quan hơn 70 triệu tấn hàng lưu thông mỗi năm, tàu bè lớn vào phá các cơ sở hạ tầng, các phương tiện đi lại làm cho hệ thống cầu, đường giao thông xuống cấp thì cần phải đầu tư nâng cấp. Việc trung ương đầu tư xây dựng hạ tầng cũng là để phục vụ cho việc thu ngân sách sau này”.
Cũng theo ông Nam, việc đề xuất xin gần 7.000 tỉ đồng được tính toán kỹ và thực hiện theo đúng quy định đầu tư công, trình lên chính phủ sau đó lấy ý kiến các bộ ngành và chờ Thủ tướng phê duyệt. Con số này mới là dự toán, có thể nhiều hơn cũng có thể ít đi.
“90% trụ sở hành chính của Hải Phòng đã xuống cấp”
Về tính cần thiết của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu đô thị bắc Sông Cấm với số tiền gần 10.000 tỉ đồng, ông Nam cho biết với tốc độ phát triển như hiện nay chỉ trong vòng 10-20 năm tới đô thị Hải Phòng bắt buộc phải mở rộng.
Về việc sau khi xây dựng khu đô thị mới Bắc Sông Cấm sẽ di chuyển trung tâm hành chính sang, ông Nam giải thích hiện khoảng 90% trụ sở các cơ quan công quyền đã xuống cấp, nhiều nơi lụp xụp không đảm bảo cho việc phục vụ người dân cũng như lưu giữ các tài liệu.
“Các trụ sở hành chính hiện tại đều có vị trí tốt nằm trên các trục đường chính, khi đấu giá bán đi thì sẽ được giá và số tiền này đủ tiền để đầu tư xây dựng trụ sở hành chính tập trung mới. Việc này cũng làm theo quy định, chính phủ cho phép các địa phương bán đấu giá đất để xây trụ sở mới”, ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận