19/01/2004 06:03 GMT+7

Hai mươi xuân trẻ mãi, cười mãi

TRẦN BẠCH ĐẰNG
TRẦN BẠCH ĐẰNG

TTC - Thế là Tuổi Trẻ Cười, đến đúng tết dương lịch 2004 này tròn 20 tuổi. Nhớ ngày 1 tháng 1 năm 1984, khi Tuổi Trẻ Cười số đầu tiên có mặt trên các sạp báo, bạn đọc chưa phải đã chấp nhận nó một cách thoáng đãng - người ủng hộ, người chờ xem, người khó chịu. Ý kiến của giới trách nhiệm về tuyên truyền ít nhiều vẫn phân vân.

20 năm Tuổi Trẻ Cười trên từng cây số:

1aKOmOXc.jpgPhóng to
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng
TTC - Thế là Tuổi Trẻ Cười, đến đúng tết dương lịch 2004 này tròn 20 tuổi. Nhớ ngày 1 tháng 1 năm 1984, khi Tuổi Trẻ Cười số đầu tiên có mặt trên các sạp báo, bạn đọc chưa phải đã chấp nhận nó một cách thoáng đãng - người ủng hộ, người chờ xem, người khó chịu. Ý kiến của giới trách nhiệm về tuyên truyền ít nhiều vẫn phân vân.

Ấy là số đầu tiên, số “khai sơn phá thạch”, tìm lối đi, tìm cách thể hiện, tìm đối tượng phê phán và... cũng tìm bạn đường, và nhất là tìm tri kỷ. Tức, nói theo lối “phòng thân” là khá “kín kẽ” - tự dùng kính lúp soi từng bài, từng dòng viết, bởi biết số báo đang hiện dưới kính lúp - khuếch đại hơn - của những người cẩn thận. Cẩn thận chứ không ác ý.

Dễ hiểu thôi, đất nước được giải phóng hoàn toàn mới có chín năm, tình hình nhiều mặt, cả bên trong lẫn bên ngoài quá khó khăn, công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia chống họa diệt chủng Pôn Pốt đang vào hồi gay gắt. Trên tất cả, chính sách đổi mới còn ở bước dọ dẫm trong dạng tháo gỡ cục bộ - đương nhiên, bước dọ dẫm ấy hàm chứa luôn những đắn đo về... nên cười cái gì, nên cười ra sao...

Trên ý nghĩa nào đó, Tuổi Trẻ Cười chính là mũi đột kích thí điểm đổi mới trong cách nhìn và tiếp cận cuộc sống thật.

Chúng ta biết ơn Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh - Đảng Cộng Sản Việt Nam - người đã tán thành đề xuất cho ra một tờ báo chuyên viết chuyện cười - và cơ quan quản lý Tuyên huấn Quốc gia ủng hộ...

Cười, thuộc phạm trù sinh lý lẫn tâm lý của con người, không phân biệt giai tầng, xu hướng, tuổi tác, sắc tộc, tín ngưỡng... Trên thế gian, nếu có một cái gì chung cho con người thì đó là cười và khóc - ngay phút chào đời. Thế thì, cười nằm ngay trong bản chất của con người.

Thật vô lý nếu sống mà không cười - ngay trong đau khổ, con người cũng tìm hy vọng và can đảm qua tiếng cười, kể cả cười ra nước mắt. Việt Nam có thể là nơi mà cười trở thành nguồn cổ vũ cho con người nghèo khổ, bầm giập vì trăm thứ đè nén, vì bị nước ngoài bắt nạt trong cuộc hành trình hằng mấy thiên niên kỷ để có được một chỗ đứng chói chang dưới bóng mặt trời.

Ogwwtles.jpgPhóng to
Không cường điệu, chúng ta nghĩ rằng đó là một khía cạnh lớn trong bản sắc nhân loại của văn hóa Việt Nam. Ai bị thực dân, phản động tra tấn, bỏ tù dễ thể nghiệm: cười giúp sức đề kháng tinh thần, người cười lạc quan khó chết hơn người ủ rũ. Có người bảo cười là thứ vệ sinh giá rẻ - bây giờ ta gọi là thứ dưỡng sinh.

Đương nhiên, điều mà chúng ta quan tâm là tiếng cười được con người sử dụng như một phương tiện sinh tồn - sử dụng tự giác. Từ xa xưa, trên cơ sở sinh và tâm lý của tạo hóa, con người đã nâng tiếng cười thành một công cụ chiến đấu chống cái xấu, cái ác, cái ti tiện, cái gian, cái thô bỉ và cổ vũ cho cái tốt, cái thiện, cái cao thượng, cái trung, cái đẹp...

Không lý sự mà bằng tiếng cười. Vài lời thôi, cười đủ sức khái quát và đúc kết một tình huống, thậm chí một số phận trong đời sống thường ngày. Song không phải lúc nào cái cười cũng mang nội dung nặng, cũng có cái cười hồn nhiên.

- Anh đi câu phải không anh?- Không, tôi đi câu.- Vậy mà tôi tưởng anh đi câu!

Đối đáp của hai người lảng tai, chắc nói được ý trên.

Tôi nhớ, hồi chống Mỹ ác liệt nhất, chị Ngô Bá Thành vào căn cứ Củ Chi làm việc với chúng tôi, chị nhận xét: “Lúc nào cũng thấy các anh cười”. Tôi trả lời: “Chẳng lẽ chúng tôi khóc - khóc nhiều quá rồi chị ơi!”. Và, cả chị nữa, cùng chúng tôi trao đổi các vấn đề chính trị chen bao nhiêu là chuyện thời sự tiếu lâm của chính quyền Sài Gòn.

Xứ ủy Nam bộ rồi Trung ương Cục miền, Khu ủy, rồi Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, không lần họp nào thiếu tiếng cười. Mỗi thành viên đều có chuyện cười, hễ xả hơi là mái chòi rung lên, ngay trong tranh luận cũng có câu chuyện cười.

Anh Nguyễn Chí Thanh, anh Nguyễn Văn Linh có mặt trong hàng ngũ ấy. “Thủ lĩnh” phải là Phạm Văn Xô, “phó thủ lĩnh” là Mai Chí Thọ, dĩ nhiên anh Võ Văn Kiệt và tôi thuộc “fan” vui nhộn - có chuyện chỉ dám nói trong đám đàn ông với nhau.

Các chị rất “nhạy”, ví dụ khi thấy anh Phạm Khải, nguyên bí thư tỉnh ủy Gia Định, ngó trước nhìn sau khi nói thì đã bảo: “Ổng sắp nói bậy đó!” “Nói bậy” là nói tiếu lâm. Nghiêm như anh Võ Chí Công, Trần Nam Trung, Phạm Hùng, Trần Văn Quang, Nguyễn Hữu Thọ, Phùng Văn Cung mà cũng “vào cuộc” với chúng tôi! Anh em gọi Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Tài là... “rắn choàm quạp” - hễ mở miệng là kể chuyện cười.

Có chuyện thật, có chuyện hư cấu, có chuyện dân gian. Bạn bè thuật chuyện anh Cao Đăng Chiếm, lúc phụ trách an ninh thời chống Pháp: có việc ra khỏi căn chòi Vườn Thơm (nay là Bình Chánh), anh cẩn thận viết lên miếng giấy, kẹp vào cửa “Bảy Chiếm đi vắng”, khi trở về thấy giấy, anh... ngồi đợi!

Rất nhiều chuyện bịa. Hoặc cũng chuyện anh Chiếm - bấy giờ phụ trách an ninh Trung ương Cục ở chiến khu Dương Minh Châu, từ khuya nghe bước chân anh kèm lời bình luận “tú lơ khơ” thì là anh vừa thắng ai đó, còn anh giữ vậy, lặng lẽ ngủ yên là anh vừa thua!

Do vậy, chúng tôi thích đọc bài của Tư Trời Biển, tranh của Ớt trên báo Sài Gòn, thích luôn “Đào Cốc Lục Tiên” của Kim Dung!

Nói thế thôi, chứ tiếng cười tản mạn lên một tờ báo chuyên cười, không thể không suy tính, cân nhắc. Cười vẫn có hai mặt và nếu ý định không rõ thì đôi khi như dao hai lưỡi, lưỡi kia chuyển tải tâm trạng bất mãn, xỏ xiên - không kể những dung tục. Cười trí tuệ lắm công phu. Cho nên, các đồng chí đỡ đầu cho Tuổi Trẻ Cười luôn luôn căn dặn anh em làm báo - phần lớn trẻ - gia công nhiều cho bài viết.

9HmkoVuC.jpgPhóng to
Nếu làm thống kê Tuổi Trẻ Cười suốt 20 năm, chắc sẽ thấy không ít chuyện “cười xịa”, “vô duyên”, “ẩu”... Song công bằng mà nói, Tuổi Trẻ Cười không ra ngoài quĩ đạo - đôi khi như Hoàng Thiếu Phủ, cây bút chủ lực của Tuổi Trẻ Cười bảo: Tuổi Trẻ Cười “nghiêm nhất trần đời”.

Tuổi Trẻ Cười - cười có trách nhiệm, cười để phấn đấu, để biết yêu và ghét, để biết sạch và dơ. Thời gian sau này, Tuổi Trẻ Cười mở rộng cộng tác viên, nhiều cây cười trong cả nước góp mặt, vườn cười thêm rộn ràng, thêm “tình tiết”.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại Tuổi Trẻ Cười là tờ báo cười duy nhất thọ đến hai thập niên và sẽ còn thọ dài dài, nhờ hai quy luật: cười là bản chất yêu đời của con người, và cười là niềm tin vào cuộc sống đang diễn ra trên đất nước ta. Đảng lại giao cho thành phố Hồ Chí Minh chăm sóc tiếng cười ấy - nơi mà cái lạc quan đã gắn liền với cơ đồ cách mạng từ thuở nhen nhóm buổi đầu.

Đảng bộ thành phố giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố làm cơ quan chủ quản tờ báo - cười của thanh niên, cười có sự sinh nở, cười từ khát vọng cái mới. Giữa một xã hội chuyển động, mặt xấu cố ngoi lên, lấn át mặt tốt, mọi người cần biết ghét, biết khinh - bằng phê phán, đồng thời cũng bằng cười cợt, chê trách. Chuyện tiếu lâm cổ kim đông tây đều như vậy.

Có vẻ Tuổi Trẻ Cười chưa thành công lắm với “nhân vật” tham nhũng, trong khi thành công hơn với “nhân vật” quan liêu, cửa quyền. Hy vọng kiểu “Lý Toét” tham nhũng được Tuổi Trẻ Cười khắc họa đến mức điển hình, cùng nhiều điển hình nữa, do thời cuộc gợi ý, cung cấp. Nghĩa là nhiệm vụ của Tuổi Trẻ Cười còn khá nặng nề, bởi đến nay, Tuổi Trẻ Cười vẫn tiến công dàn trải trên từng việc mà chưa đạt một “logo” kiểu “lọng cụt cán” thời báo Phong Hóa trước kia.

Tôi tin rằng với cái tâm trong sáng hồn nhiên - cái tâm đã hun đúc, gạn lọc dài lâu, tuổi đời, tuổi Đoàn, tuổi Đảng không ngắn, Tuổi Trẻ Cười sẽ đưa tiếng cười mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và “nhộn” hơn vào trận đánh vì sự sảng khoái cách mạng.

Cuối 2003

TRẦN BẠCH ĐẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên