Viện khoa học hoàng gia Thụy Điển, khi công bố trao phần thưởng trị giá 1,5 triệu USD cho hai nhà khoa học, đã ca ngợi họ “vì những nghiên cứu thực nghiệm về nguyên nhân và hệ quả của kinh tế vĩ mô”.
Phóng to |
Giáo sư Sims (trái) và giáo sư Sargent - Ảnh: AFP |
Sargent và Sims, đều 68 tuổi, đã tiến hành các nghiên cứu độc lập vào những năm 1970 và 1980, khi các chính phủ và ngân hàng trung ương tìm cách đưa nền kinh tế nước mình thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế khi đó, nhưng đến nay nó vẫn được sử dụng rộng rãi.
Hai kinh tế gia đã có cách tiếp cận khác nhau với kinh tế vĩ mô. Sargent tập trung vào những ảnh hưởng của các thay đổi chính sách rộng lớn, trong khi Sims nghiên cứu để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng “của những thay đổi tức thời và không lường trước”, như tình trạng biến động mạnh của lãi suất và thâm hụt, theo Ủy ban Nobel.
Sargent và Sims “đã độc lập phát triển các biện pháp đáng khen ngợi giúp đánh giá chính sách và theo dõi các ảnh hưởng qua thời gian”, Ủy ban Nobel thông báo. Sau khi công bố giải thưởng, Staffan Normark của Viện khoa học hoàng gia Thụy Điển đã liên lạc với giáo sư Sims qua điện thoại và nhận được câu trả lời: “Tôi không thể hạnh phúc hơn khi giành được giải thưởng này cùng người đồng nghiệp Tom Sargent”.
Sims kể ông và vợ đang ngủ khi Ủy ban Nobel gọi điện và họ đã không nhấc máy trong cuộc gọi thứ nhất, vì “vợ tôi không tìm thấy nút đàm thoại”. Nhưng sau đó Ủy ban Nobel gọi lại, nghe thấy tiếng Anh giọng Thụy Điển, Sims nói ông đã nghĩ “có thể nào là giải Nobel không?”.
“GDP và lạm phát đã bị ảnh hưởng tức thời bởi việc gia tăng lãi suất hay cắt giảm thuế như thế nào? Điều gì xảy ra nếu một ngân hàng trung ương thay đổi mục tiêu lạm phát hoặc chính phủ điều chỉnh các mục tiêu cán cân ngân sách? Những học giả được trao giải năm nay đã phát triển các phương pháp trả lời những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác”, tuyên bố của Ủy ban Nobel cho biết.
Những phương pháp và ý tưởng của Sims và Sargent sau đó đã “được ứng dụng bởi cả các nhà nghiên cứu và những người hoạch định chính sách trên toàn thế giới”.
Kể từ khi Nobel kinh tế được trao lần đầu năm 1969, đến nay đã có 40 người Mỹ nhận giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận